Thông điệp từ cơn sốt vàng 2016
Sự tăng-giảm giá vàng cùng các động thái trên thị trường trước hết gắn với tác động trực tiếp bởi yếu tố tâm lý và không nằm ngoài xu hướng những kịch bản thị trường đã được cảnh báo trước. Vì vậy, người dân nên bình tĩnh, tránh thông tin nhiễu và bị nhiễu thông tin, tự biến mình thành nạn nhân của sự thiếu hiểu biết và vội vã của chính mình.
Giá vàng quốc tế, ngày 25/6, trên sàn Kitco là 1.315,60 USD/ounce; giá vàng giao tháng 8/2016, trên sàn Comex tăng tới 59,30 USD, tương đương 4,7% và đạt 1.322,40 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày11/7/2014.
Đầu giờ chiều 6/7 (giờ Việt Nam), giá vàng trên thị trường châu Âu tăng mạnh lên 1.371 USD/ounce (quy đổi tương đương khoảng 37,4 triệu đồng/lượng, chưa kể thuế và phí). Như vậy, kể từ sự kiện Brexit đến nay, giá vàng quốc tế tăng tổng cộng 8,4%, từ khoảng 1.265 USD/ounce lên 1.370 USD/ounce sau khi đã tăng mạnh 25% trong quý II/2016.
Đến chiều 6/7, giá vàng trong nước đã đạt mốc 39,8 triệu đồng/lượng, tăng gần 3 triệu đồng/lượng so với ngày 5/7, chênh lệch giá mua - bán ở mức 700.000 đồng/lượng. Tính đến nay, trong vòng hai tuần, giá vàng đã tăng tổng cộng khoảng 6 triệu đồng/lượng, tức tăng trên 21% (tốc độ tăng cao gấp 2,5 lần tốc độ tăng giá vàng thế giới).
Sự bùng nổ giá vàng trên đang gây bất ngờ và nhiều quan ngại cho thị trường và giới đầu tư. Những động thái trên là hệ lụy của sự hội tụ các nhân tố chính và cũng phát đi những thông điệp nổi bật sau:
Thứ nhất,vàng đã, đang và sẽ còn là sự lựa chọn hàng đầu và thông dụng nhất của đa số người dân và mọi quốc gia trước các biến động đa dạng về kinh tế-chính trị-xã hội cấp quốc gia và quốc tế.
Kết quả bỏ phiếu ngày23/6/2016, với 51,9% cử tri Anh nghiêng về lựa chọn Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu (EU) là một sự kiện chưa có tiền lệ, gây sốc và đã châm ngòi trực tiếp cho những chấn động này. Sự ra đi của Anh khỏi EU đã khởi động quá trình rạn vỡ không chỉ của Anh với Cộng đồng châu Âu, mà còn tạo ra một rạn vỡ lòng tin vào giá trị các đồng tiền giấy, nhất là đồng bảng và đồng EUR.
Trên thực tế, các quỹ đầu tư vàng đã tăng mua vét vàng. Theo Bloomberg, tính đến 1/7, lượng vàng mà các quỹ ETF nắm giữ đã tăng thêm 6,6 tấn, lên mức 1.959,1 tấn, tức đã tăng hơn 500 tấn so với mức 1458,1 tấn từ đầu năm 2016.
Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares đã nắm giữ tới 953,91 tấn, mức cao nhất 3 năm qua (riêng nửa đầu năm 2016, quỹ này tăng 308 tấn - mức tăng lớn nhất nửa đầu năm lớn nhất trong 7 năm). Cầu về vàng tăng khiến giá vàng tăng như một phản ứng tất yếu theo nguyên tắc thị trường.
Thứ hai,vàng tăng giá còn do vị thế của Anh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Nền kinh tế quốc gia càng lớn thì tầm ảnh hưởng quốc tế của nó càng mạnh. Anh hiện nay là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới (chiếm 4% GDP toàn cầu) và lớn thứ 2 trong EU (chiếm 18% GDP của EU), đứng thứ 5 trên thế giới (chiếm 3%) tổng giá trị thương mại toàn cầu) và đứng thứ 2 trong EU, chiếm 1/10 giá trị xuất khẩu của EU tới Anh và EU chiếm 1/2 tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh. Tác động kinh tế của Anh trên thị trường khu vực và thế giới là to lớn.
Khi Anh rời EU, không chỉ hàng hóa thế giới xuất vào Anh khó khăn hơn, mà cả cửa cho hàng Anh xuất ra các nước khác cũng thu hẹp do sự loại trừ quyền của Anh trong tất cả các hiệp định thương mại tự do của EU với các đối tác. Khi đó, Anh sẽ phải bắt tay đàm phán từ đầu với hàng loạt các quốc gia và các khối, bao gồm cả Mỹ hiện đang đàm phán với EU về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), và trong quá trình này, Anh yếu thế hơn khi còn là thành viên EU.
Ngoài ra, Anh có thể mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu đối với dịch vụ tài chính hiện đang được khai thác trong EU. Điều này đe dọa vị trí thống trị của Luân Đôn và khuyến khích các công ty dịch vụ tài chính di chuyển sang các nước Châu Âu khác, đặc biệt trong khu vực EU là Frankfurt và Paris.
Đặc biệt, niềm tin doanh nghiệp sẽ bị tổn thương; thất nghiệp tăng, cổ phiếu và bất động sản mất giá làm giảm lòng tin người tiêu dùng; lạm phát tăng trong khi đồng bảng mất giá làm giảm thu nhập thực tế của người dân, giảm nhu cầu trong nước và ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của Anh. Chỉ một ngày sau bỏ phiếu, giá đồng bảng Anh rớt thẳng đứng khoảng 10% so với đồng USD và giảm hơn 11% so với yên.
Theo dự báo của nhiều tổ chức thế giới, Anh đứng trước nguy cơ GDP sẽ sụt khoảng 100 tỷ GBP (145 tỷ USD) trong năm 2020, mất khoảng 950 nghìn việc làm, nâng tỷ lệ thất nghiệp lên 3%; đồng bảng Anh mất giá tới 12% và lạm phát cao sẽ làm tăng chi phí giá thực phẩm, tiền thuê nhà và chi phí du lịch ở châu Âu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Anh có thể sụt giảm mạnh… Cơ hội đầu tư có thể giảm sút trong bối cảnh rục rịch điều chỉnh tỷ giá các đồng tiền thế giới khiến vàng càng là nơi trú ẩn của những người nắm giữ vốn lớn và cẩn trọng.
Thứ ba,vàng tăng còn do gia tăng yếu tố tâm lý và xu hướng “ly tâm” - hiệu ứng hậu Brexits.
Sự ra đi của Anh có thể dẫn đến một hiệu ứng domino, đe dọa sự vững chắc của toàn khối (một số quốc gia thành viên khác, đặc biệt là Ý, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch ít nhiều có xu hướng tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự; thậm chí, đã có tới 47% cử tri Áo tỏ ý muốn Áo rời EU khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn tham gia EU). Sự lạnh lùng và giục giã của EU muốn Anh sớm rời khỏi EU càng khiến yếu tố tâm lý và đầu cơ lan tỏa rộng hơn ở châu Âu và thế giới.
Việc Anh sẽ tiến hành để rời EU không chỉ tạo sức ép đối với đồng bảng, mà còn khiến đồng EUR bị giảm giá (từ hơn 1,14 USD/EUR xuống còn hơn 1,09 USD/EUR); đồng nhân dân tệ đã điều chỉnh tỷ giá với USD xuống mức thấp nhất 5 năm qua và có thể kéo theo sự bất ổn tiền tệ toàn cầu... Do đó, làm đậm thêm yếu tố tâm lý khiến vàng tăng giá.
Nhìn tổng thể, nền kinh tế thế giới đang khá trì trệ, không có nhiều động lực cho giá vàng tăng vững chắc; cả về logic và thực tế, còn nhiều tham số đang chuyển động và chưa thực sự rõ ràng liên quan tới việc Anh rời EU. Mọi sự tăng-giảm giá và các động thái thị trường trên đây trước hết gắn với tác động trực tiếp bởi yếu tố tâm lý và không ngoài xu hướng những kịch bản thị trường đã được cảnh báo trước.
Vì vậy, người dân nên bình tĩnh, tránh thông tin nhiễu và bị nhiễu thông tin. Việc “lướt sóng vàng” sẽ khiến nhà đầu tư đối diện với rủi ro cao. Còn việc mua vàng cho tích trữ là chưa thật chín muồi khi yếu tố tâm lý và đầu cơ nhạt đi; nguyên tắc “giá tăng nhanh cũng sẽ hạ nhanh” luôn có chỗ đứng trong mọi trường hợp, nhất là khi tồn tại mức chênh lệch cao giữa các giá mua-bán và giá trong-ngoài nước, đặc biệt khi NHNN tăng can thiệp thị trường.
Những phản ứng cảm tính, sự hoảng loạn kiểu tâm lý đám đông luôn dễ kéo theo những hệ lụy tiêu cực khó lường, vì tự biến mình thành nạn nhân của sự thiếu hiểu biết và vội vã của chính mình…