Mỹ: Phía sau một nền kinh tế kiên cường


Ngay cả sau nhiều năm lạm phát cao, căng thẳng địa chính trị và suy thoái ở châu Âu, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ và kiên cường.

Bối cảnh hiện nay vẫn đang khiến Fed khó khăn trong việc quyết định nên giảm,giữ nguyên hay thậm chí tăng lãi suất trở lại
Bối cảnh hiện nay vẫn đang khiến Fed khó khăn trong việc quyết định nên giảm,giữ nguyên hay thậm chí tăng lãi suất trở lại

Nguyên nhân chủ yếu là nhờ người tiêu dùng Mỹ, với chi tiêu chiếm khoảng 70% GDP. Nhưng một số nhà quan sát hiện lo ngại rằng, kinh tế Mỹ đang bị phân nhánh, với một bộ phận doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp tục phát triển mạnh, trong khi những doanh nghiệp và người tiêu dùng khác đang tụt dốc.

Các nhóm thu nhập thấp đối mặt với khó khăn

Người ta có thể thấy đà tăng trưởng đang bắt đầu chậm dần. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 3,9% trong tháng trước, người tiêu dùng có thu nhập thấp chi tiêu ít hơn và các doanh nghiệp đang hạn chế giờ làm và lương của nhân viên.

Trong khi bảng cân đối thu chi của người tiêu dùng về tổng thể vẫn vững vàng – Mỹ đã có thêm 40 nghìn tỷ USD tài sản kể từ đầu năm 2020 và người Mỹ vẫn không ngừng chi tiêu - nhưng có sự phân cấp đáng kể. Skyler Weinand, Giám đốc đầu tư tại Regan Capital, nhận định: “Nền kinh tế đang được phân chia thành người có và người không có (người giàu và người nghèo). Tầng lớp trung lưu Mỹ đang phải vật lộn với giá cả tăng cao và tốc độ tăng lương chậm lại”.

Cùng quan điểm, nhà kinh tế trưởng Gregory Daco của EY cho rằng, đã xuất hiện nhiều hơn những khó khăn tài chính rõ rệt đối với các nhóm thu nhập thấp nhất - đang phải đối mặt với sự kết hợp của giá cả cao hơn, gánh nặng lãi suất lớn hơn và triển vọng việc làm yếu đi.

Một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Santander đối với khách hàng của mình cho thấy, trong khi nỗi lo lạm phát phần lớn đã giảm bớt thì những người Mỹ có thu nhập trung bình lại bi quan về nền kinh tế. Khoảng 60% khách hàng của ngân hàng này tham gia khảo sát tin rằng, kinh tế Mỹ sẽ bước vào thời kỳ suy thoái trong 12 tháng tới và 62% đang thực hiện cắt giảm đáng kể chi tiêu hộ gia đình của họ.

Nhiều hình dạng khác nhau của một cuộc suy thoái

Một số nhà kinh tế đã suy đoán rằng, kinh tế Mỹ đang ở trong cái gọi là “suy thoái luân phiên”, xảy ra khi suy thoái chỉ thấy ở một/ một số lĩnh vực nhất định tại một thời điểm. Khi các lĩnh vực đó bước vào giai đoạn phục hồi, sự suy thoái sẽ lại chuyển qua một/một số lĩnh vực khác của nền kinh tế. Điều này có nghĩa là, dù nền kinh tế tổng thể không rơi vào suy thoái, nhưng vẫn đang có một số lĩnh vực nhất định bị ảnh hưởng. Và trong đó, những nhóm có thu nhập thấp hơn đều là đối tượng chủ yếu bị tổn hại nhiều nhất.

Các cộng đồng riêng biệt sẽ chịu ảnh hưởng và phục hồi sau suy thoái kinh tế ở các mức độ khác nhau. Trong đó, một số bộ phận của xã hội có thể có sự tăng trưởng mới trong khi những bộ phận khác tiếp tục tụt lại phía sau. Đơn cử, mặc dù sự phục hồi sau cuộc suy thoái năm 2020 có thể được mô tả là hình chữ V, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự phục hồi đó thực sự theo hai hướng (hình chữ K). Chẳng hạn, các gia đình da màu và gốc Tây Ban Nha có thu nhập thấp bị cạn kiệt tiền tiết kiệm nhanh nhất trong thời kỳ đại dịch.

Nhiều người làm công việc văn phòng đã phục hồi nhanh chóng khi Chính phủ Mỹ đưa ra các khoản kích thích kinh tế cũng như khi giá cổ phiếu và bất động sản tăng giá. Ngược lại, những người không có tiền tiết kiệm và những người làm công việc dịch vụ tiếp tục gặp khó khăn. Theo dữ liệu từ cơ quan Thống kê Lao động Mỹ, những nhân viên nhận mức lương thấp nhất có nguy cơ mất việc làm cao nhất trong hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong giai đoạn 2020 - 2021.

Tuy nhiên, những vấn đề như vậy bị che khuất bởi những dữ liệu chung hiện nay, bởi nó vẫn vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ và kiên cường. Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Gregory Daco nhận định, nền kinh tế phân nhánh đó sẽ khiến một số doanh nghiệp thành công trong khi những doanh nghiệp khác gặp khó khăn. “Nó cũng sẽ dẫn đến các tín hiệu lạm phát mâu thuẫn, với một số lĩnh vực bị giảm phát hoàn toàn và những lĩnh vực khác lại trải qua lạm phát tăng cao liên tục”, chuyên gia này nói.

Và điều đó có thể khiến các quan chức Fed gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc quyết định nên giảm lãi suất hay giữ lãi suất ổn định trong các cuộc họp chính sách tiếp theo. Theo Gregory Daco, điều nguy hiểm là nếu chính sách tiền tệ quá thắt chặt, nó có thể nhanh chóng khiến các điều kiện tài chính trở nên khó khăn hơn.

“Điều này, cùng với những lo ngại ngày càng tăng về định hướng tài chính của đất nước, có thể khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm chi tiêu và đầu tư”, ông nói.

Theo Hồng Quân/thoibaonganhang.vn