Hội nghị mùa xuân thường niên IMF-WB:
Mỹ trên ghế nóng
(Tài chính) Diễn ra trong hai ngày 17 - 18/4 tại Washington, Hội nghị Mùa Xuân thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm nay là cơ hội để các nền kinh tế mới nổi đề cập lại vấn đề vai trò của Mỹ trong hai thể chế tài chính, hiện do Washington và các đồng minh phương Tây chi phối.
Hội nghị Mùa Xuân năm nay thảo luận nội dung truyền thống là thực trạng kinh tế thế giới và các biện pháp thúc đẩy kinh tế. Trước thềm hội nghị, IMF đã công bố báo cáo Ổn định Tài chính toàn cầu, trong đó cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi yếu và không ổn định, các nguy cơ đe dọa sự ổn định tài chính càng trở nên khó đánh giá và khó giải quyết hơn. Trong sáu tháng qua, tăng trưởng không đồng đều và các chính sách tiền tệ là hai nhân tố làm gia tăng căng thẳng tại các thị trường tài chính thế giới, kéo theo biến động về tỷ giá hối đoái và tỷ lệ lãi suất. Trong khi đó, các nguy cơ đe dọa hệ thống tài chính gia tăng, bắt rễ vào hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính nhỏ, đe dọa khả năng thanh toán và tính thanh khoản của thị trường, tác động tiêu cực tới các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
IMF liệt kê ra 5 thách thức đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu. Thách thức lớn nhất hiện nay là tăng cường ổn định các chính sách tài chính của Chính phủ các nước phát triển, trong khi kiểm soát tác dụng phụ không mong muốn của việc duy trì lãi suất thấp. Bốn thách thức còn lại gồm có bảo đảm sự ổn định tại các thị trường mới nổi, giải quyết các nguy cơ địa chính trị, ngăn chặn tình trạng thổi phồng về tính thanh khoản của thị trường, kiểm soát tình trạng dư thừa vốn là hệ quả của chính sách nới lỏng tiền tệ bất thường. Các thách thức này đã làm nóng Hội nghị lần này.
Thực tế này khiến vị thế của Mỹ trong IMF cũng như yêu cầu cải cách thể chế của IMF trở thành điểm nhấn của hội nghị năm nay. Trước đó, bên lề hội nghị, nhóm các nước đang phát triển (G24) đã chỉ trích Quốc hội Mỹ cố tình trì hoãn chương trình cấp hạn ngạch và cải tổ tổng thể IMF trong suốt 5 năm qua. Theo G24, việc các nhà lập pháp Mỹ tiếp tục trì hoãn chương trình do IMF đưa ra từ năm 2010 làm giảm hiệu quả hoạt động cũng như hạ thấp uy tín của tổ chức cho vay lớn nhất toàn cầu này. Sự thiếu hợp tác của các nghị sĩ đồi Capitol đối với chương trình nhằm mang lại nhiều quyền lợi hơn cho các nền kinh tế mới nổi đã khiến G24 thất vọng.
Theo giới phân tích, Mỹ phải đối diện với thực tế thế giới đã thay đổi. Một khi Mỹ còn từ chối thực tế này, điều đó sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho các lợi ích và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, dù hiện nay chúng cũng đã hạn chế hơn so với trước đây. Mỹ dường như đang mắc kẹt trong hệ thống Bretton Woods, trật tự dựa trên quy định, được củng cố bởi IMF và WB, với đồng USD nằm ở trung tâm. Hệ thống Bretton Woods đã thể chế hóa uy quyền địa chính trị của Mỹ và gạt cường quốc thực dân cũ là Anh ra ngoài. Tuy nhiên, trong nhiều năm, hệ thống này, với sự pha trộn của chủ nghĩa đa phương tự do và những chính sách kinh tế thị trường, đã trở thành biểu tượng cho sự chi phối của Anh - Mỹ trong kinh tế toàn cầu, mà phần lớn thế giới hiện đang chỉ trích, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Trong bối cảnh này, Trung Quốc đang sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trên toàn cầu nhằm tạo ra trật tự kinh tế mới, trong đó đồng USD không còn vai trò tối cao. Đáp lại, Mỹ kiên quyết theo đuổi một chính sách ngăn chặn Trung Quốc, ví dụ điển hình là sự phản đối gay gắt việc thành lập AIIB, những cáo buộc thao túng tiền tệ và từ chối cải cách IMF có thể làm tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh và giảm ảnh hưởng của Washington, thậm chí có thể khiến Washington mất khả năng định hình trật tự mới. Thực tế vẫn là thực tế và Mỹ ngồi trên ghế nóng tại hội nghị Mùa Xuân IMF và WB năm nay.