Mỹ - Trung: Ai đang thắng thế trong trận “so găng” chiến tranh thương mại?
Trước những diễn biến đầy bất ngờ của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong thời gian qua, cộng đồng quốc tế không khỏi thắc mắc: Ai đang thắng thế trong cuộc “so găng” này?
Kể từ thời điểm bắt đầu cách đây một năm, chưa khi nào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại gay cấn như lúc này, với những động thái “ăn miếng trả miếng” của hai bên.
Ở một góc sàn đấu, Washington đang liên tiếp tung ra nhiều đòn thuế quan trừng phạt lên hàng trăm tỷ USD hàng hoá Trung Quốc và gần đây còn liệt tập đoàn Huawei vào danh sách đen. Ở phía đối diện, Bắc Kinh cũng đã tuyên bố sẽ không bao giờ đầu hàng và sẵn sàng trả đũa Mỹ nếu cần. Người tiêu dùng Trung Quốc đang tẩy chay Apple và thậm chí, một bài hát lấy chủ đề thương chiến đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội nước này.
Theo một khảo sát, các chuyên gia kinh tế tin rằng, chiến tranh thương mại sẽ còn diễn biến tệ hơn trước khi tốt lên, và phải đến cuối năm mới kết thúc, hoặc thậm chí là đi đến thoả thuận sau 5 năm. Vậy, đến thời điểm hiện tại, ai đang thắng thế trong cuộc so găng này?
1. Chênh lệch thương mại: Mỹ thắng
Theo hãng tin Bloomberg, với Tổng thống Trump, thước đo duy nhất có thể phản ánh cho việc Washington đang chịu “lép vế” hay chiến thắng trước Bắc Kinh trong cuộc đối đầu này nằm ở cán cân thương mại Mỹ - Trung. Dù các số liệu công bố cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn còn rất lớn, song thực tế là khoảng cách này đã được thu ngắn lại trong những tháng gần đây.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua hồi tháng 3/2019. Ảnh: VnExpress |
Dù các chuyên gia kinh tế thế giới còn nhiều tranh luận xung quanh vấn đề cán cân thương mại giữa hai nước có phải là một thước đo phù hợp hay không, thì việc thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua hồi tháng 3/2019 vẫn là sự thật.
2. Giá tiêu dùng tăng: Trung Quốc thắng
Đã có nhiều chuyên gia kinh tế chỉ trích Tổng thống Trump khi cho rằng các biện pháp thuế quan của ông với hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ đẩy giá tiêu dùng tại Mỹ lên cao; song, cho đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, các dấu hiệu lạm phát do chiến tranh thương mại đang ngày càng trở nên rõ nét tại xứ sở cờ hoa. Đến tháng 4/2019, giá tiêu dùng của những mặt hàng có tên trong danh sách đánh thuế ở Mỹ đã tăng 1,6%, do ảnh hưởng từ đợt đánh thuế đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái.
Mức thuế nhập khẩu hàng Mỹ cao hơn không trực tiếp gây ảnh hưởng đến giá tiêu dùng tại Trung Quốc, trong khi người Mỹ chịu nhiều tác động từ biện pháp thuế quan của Trung Quốc hơn. Ảnh: VnExpress |
Về phía Trung Quốc, mức thuế nhập khẩu hàng Mỹ cao hơn không trực tiếp gây ảnh hưởng đến giá tiêu dùng, do nhiều trong số các mặt hàng chịu thuế là nguyên liệu công nghiệp đầu vào, không phải sản phẩm cuối cùng. Trong khi đó, 7 mặt hàng hứng chịu mức thuế nhập khẩu cao nhất ở Mỹ lại bao gồm đậu tương, vàng, chất thải đồng, giấy thải, khí hóa lỏng, bông và propan hoá lỏng. Do đó, người Mỹ chịu nhiều tác động từ biện pháp thuế quan của Trung Quốc hơn.
3. Niềm tin người tiêu dùng: Hoà
Dù niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng trở lại trong tháng 4 năm nay, đến từ một thị trường dồi dào việc làm và mức lương tăng, song doanh số bán lẻ đã trải qua đợt sụt giảm thứ 2 trong 3 tháng. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc, khi doanh số bán lẻ trong tháng qua tăng chậm hơn so với dự báo - đe doạ nguồn tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế nước này.
Doanh số bán lẻ giảm đều tại Trung quốc và Mỹ. Ảnh: VnExpess |
Hiện, người Mỹ nhìn chung không quá bi quan về viễn cảnh của họ trong chiến tranh thương mại, nhưng điều này có thể sẽ thay đổi nếu Tổng thống Trump hiện thực hoá lời đe doạ áp thuế lên toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc.
4. Chiến tranh tiền tệ: Hòa
So với đồng USD, đồng CNY đã suy yếu 7,5% trong năm qua. Điều này đã giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thêm một lá chắn quan trọng trước các đòn thuế trừng phạt của Tổng thống Trump. Dự báo, đồng CNY có thể sẽ còn yếu hơn nữa.
Dự báo, đồng CNY có thể sẽ còn yếu hơn nữa. Ảnh: VnExpress |
Hiện, bài toán đặt ra với Trung Quốc là cho phép đồng CNY suy yếu đến mức nào, trước khi áp lực từ việc này khiến cho dòng vốn đầu tư chảy ra nước ngoài và buộc chính phủ phải tiêu tốn dự trữ ngoại hối để cứu vớt tình hình. Kịch bản đồng CNY yếu sẽ tạo ra cả yếu tố tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc.
5. Thị trường chứng khoán: Mỹ thắng
Năm ngoái, thị trường chứng khoán hai nước đều giảm sâu nhất trong một thập kỷ qua, song người chịu thiệt hại lớn hơn là Trung Quốc. Năm ngoái, chỉ số Shanghai Composite mất tới 25% - gấp 4 lần S&P 500.
Shanghai Composite mất tới 25% - gấp 4 lần S&P 500. Ảnh: VnExpress |
Gần đây, tâm lý tích cực trên thị trường đã trở lại với cả hai, nhưng vấn đề là liệu việc này sẽ kéo dài bao lâu trước tình trạng bế tắc của đàm phán thương mại. Từ đầu năm 2018 đến nay, chứng khoán Trung Quốc giảm 14%, trong khi chứng khoán Mỹ tăng 6%.
6. Tăng trưởng kinh tế: Mỹ thắng
Cả hai nền kinh tế đều cho thấy dấu hiệu yếu đi trong vài tuần gần đây, nhưng có vẻ người tụt dốc nhanh hơn là Trung Quốc. Được biết, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư trong tháng 4 ở nước này đều tăng chậm hơn dự báo. Tại Mỹ, ngoài doanh số bán lẻ giảm, sản xuất tại các nhà máy cũng giảm lần thứ 3 trong 4 tháng.
Dù cùng chịu thiệt hại, song tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tụt dốc nhanh hơn. Ảnh: VnExpress |
Song, nếu hàng rào thuế quan gây ảnh hưởng đến tăng trưởng, ông Tập lại có nhiều công cụ tài chính và tiền tệ để kích thích nhu cầu hơn ông Trump; do đó, vấn đề này cần quan sát kỹ.
7. Vốn FDI: Trung Quốc thắng
Năm 2018, dòng vốn đầu tư từ Mỹ đổ vào Trung Quốc giảm không nhiều; trong khi ở chiều ngược lại, con số này lại sụt đi đáng kể, theo báo cáo của Dự án Đầu tư Mỹ - Trung. Theo báo cáo này, FDI từ Trung Quốc vào Mỹ giảm hơn 80% vào năm ngoái, còn 5 tỷ USD, so với 29 tỷ USD năm 2017 và 46 tỷ USD năm 2016. FDI từ Mỹ vào Trung Quốc chỉ giảm còn 13 tỷ USD trong năm ngoái, từ 14 tỷ USD năm 2017.
Năm 2018, dòng vốn đầu tư từ Mỹ đổ vào Trung Quốc giảm không nhiều; trong khi ở chiều ngược lại, con số này lại sụt đi đáng kể. Ảnh: VnExpress |
Với việc đàm phán chững lại, và cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều mong muốn củng cố vị thế, con đường phía trước sẽ còn rất dài. Có thể thấy từ thống kê trên, cả hai đang thắng thế trên một số mặt trận, song rốt cuộc, đều có trả giá, và tỷ số hiện tạm nghiêng về Mỹ.
"Xét theo góc độ tăng trưởng kinh tế, không ai thắng trong chiến tranh thương mại. Còn về mặt cạnh tranh địa chính trị, điều quan trọng là ai sẽ mất mát nhiều hơn", Tom Orlik – trưởng chuyên gia kinh tế của Bloomberg bình luận, "Mỹ cược rằng đó là Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì cho rằng Mỹ không có gan để chiến đấu".