Mỹ liệu có thể làm tiêu tan tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc?
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang tiếp diễn và sự chú ý cao độ đến kế hoạch “Made in China 2025” chỉ là hiện tượng của cuộc cạnh tranh chiến lược mới nổi lên giữa hai cường quốc.
Kế hoạch B của “Made in China 2025” nhiều khả năng sẽ biến hóa nhằm giảm bớt sự chú ý vào tham vọng thay thế nhập khẩu của nước này và mục tiêu kiểm soát bản quyền, và tập trung chủ yếu vào việc nâng cấp ngành nghề và phát triển các công nghệ đặc thù.
Ưu tiên cao nhất trong mục tiêu tự cung tự cấp sẽ vẫn là ngành công nghiệp bán dẫn - mặc dù điều này có thể thay đổi – khi xét tới việc công nghệ ngày càng đóng vai trò trung tâm trong lĩnh vực công nghiệp và Trung Quốc hiện dễ bị tổn thương trước những hạn chế của nước ngoài trong lĩnh vực này.
Mỹ cũng đang yêu cầu Trung Quốc giảm bớt mức độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước. Những điều chỉnh này có thể đã diễn ra ở phía Trung Quốc.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Bộ trưởng Công nghiệp và công nghệ thông tin Miêu Vu và các quan chức chính phủ cấp cao khác đã hứa hẹn sẽ "đối xử công bằng" với tất cả các loại hình doanh nghiệp - kể cả các công ty nước ngoài - trong khi thực hiện kế hoạch “Made in China 2025”. Sự "đối xử công bằng" bao gồm cả quyền tiếp cận như nhau đối với các hoạt động đấu thầu, các nguồn hỗ trợ và thông tin của chính phủ.
Sự cần thiết phải ngăn chặn không cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung phá hoại chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh lần này phải nghiêm túc xem xét các cam kết cụ thể.
Là một trong những bước đi then chốt hướng tới sự "đối xử công bằng", Bắc Kinh đã nới lỏng những hạn chế về quyền sở hữu đối với đầu tư của các tập đoàn nước ngoài ở Trung Quốc, chẳng hạn như cho phép Tesla, BASF và Exxon Mobil xây dựng các nhà máy mới do họ toàn quyền sở hữu toàn bộ, và để cho BMW mua phần lớn cổ phần tại công ty JV Brilliance Automotive của Trung Quốc.
Việc gia tăng quyền sở hữu các chi nhánh của các tập đoàn nước ngoài ở Trung Quốc sẽ làm giảm bớt mối quan ngại về tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ. Chính quyền Bắc Kinh cũng đưa ra đề xuất về lệnh cấm đối với việc "ép buộc chuyển giao công nghệ" trong bản dự thảo mới đây của Luật đầu tư nước ngoài do Quốc hội Trung Quốc công bố mà có thể được thông qua trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc đi đến thỏa thuận về cải cách hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc có thể khó khăn hơn nhiều. Toàn bộ khoản trợ cấp của chính phủ năm 2017 ước tính đạt 118 tỷ USD, chiếm khoảng 4% tổng chi tiêu của chính phủ và 1% GDP.
Điều khiến các vấn đề trở nên phức tạp hơn là thực tế rằng phần lớn hỗ trợ của chính quyền địa phương gắn với mục đích hàng đầu là duy trì sự vận hành (cùng với việc tuyển dụng và đóng thuế) các doanh nghiệp địa phương. Nếu mục tiêu hàng đầu của việc hỗ trợ là công tác nghiên cứu và phát triển hay đổi mới, thì những cắt giảm này sẽ dễ thực hiện hơn.
Ngoài yêu cầu của Mỹ là xóa bỏ trợ cấp, Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc tự mình đưa ra sáng kiến trong lĩnh vực này. Mức nợ cao của chính quyền địa phương và năng lực sản xuất dư thừa đã khiến cho các khoản trợ cấp lớn là không thể chấp nhận được và do đó việc cắt giảm là có lý.
Các nguồn tài chính vốn hạn chế sẽ tập trung vào những ngành công nghiệp quan trọng nhất như công nghiệp bán dẫn, robotics và dược phẩm, và trợ cấp chính phủ cho các ngành công nghiệp ít mang tính chiến lược hơn sẽ bị giảm bớt. Một lựa chọn khác nữa là cho phép các nhà sản xuất máy móc và thiết bị nước ngoài tiếp cận nguồn trợ cấp của chính phủ. Ngành công nghiệp ô tô có thể trở thành một trong những ngành đầu tiên được hưởng quyền lợi này.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang tiếp diễn và sự chú ý cao độ đến kế hoạch “Made in China 2025” chỉ là hiện tượng của cuộc cạnh tranh chiến lược mới nổi lên giữa hai cường quốc. Trung Quốc không thể và sẽ không thực hiện những thay đổi toàn diện trong nền kinh tế chính trị của họ theo yêu cầu của Mỹ. Sự kình địch giữa hai siêu cường sẽ vẫn tồn tại.