Thương mại Mỹ – Trung: Bên dịu, bên căng
Trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc đã có những động thái xoa dịu, trong khi Mỹ vẫn cương quyết với chính sách của mình.
Theo số liệu Hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/5, xuất khẩu tháng 4 của Trung Quốc đạt 200,49 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt hẳn dự báo của các chuyên gia là tăng 6,3%, sau khi giảm 2,7% vào tháng 3, điều mà các nhà kinh tế tin rằng đã bị bóp méo bởi các yếu tố thời vụ.
Bên cạnh đó, nhập khẩu vào Trung Quốc tháng 4 đạt 171,64 tỷ USD, cũng tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng so với tháng trước là 14,4% và vượt dự đoán tăng 16%.
Nhờ vậy, Trung Quốc có thặng dư thương mại 28,85 tỷ USD trong tháng 4, tăng gần 7 tỷ USD so với tháng 3.
Những con số trên cho thấy, nhu cầu toàn cầu vẫn tương đối đàn hồi và tạo cơ hội cho nền kinh tế này trong bối cảnh tranh chấp thương mại với Mỹ ngày càng gia tăng.
Vài tháng gần đây, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã liên tiếp đe dọa lẫn nhau với hàng rào thuế quan lên số hàng hóa trị giá hàng chục tỷ USD. Việc này đã làm dấy lên nhiều lo ngại rằng, một cuộc chiến thương mại đang sắp xảy ra với quy mô lớn, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và làm lao đao nhiều thị trường tài chính khác.
Trong bối cảnh đó, Mỹ vẫn cương quyết với chính sách của mình. Theo đó, Mỹ đặt mục tiêu giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại với Trung Quốc đến năm 2020, thông qua việc yêu cầu Trung Quốc phải giảm mạnh mức thuế nhập khẩu và giảm trợ cấp cho các ngành công nghệ tiên tiến.
Hiện tại, vẫn tồn tại những lo lắng về khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế với khoảng 150 tỷ USD hàng Trung Quốc vào ngày 22/5 tới.
Ngược lại, Trung Quốc đã có những động thái làm dịu đi tình hình song phương. Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết, Trung Quốc đã đề xuất mua nhiều hàng Mỹ hơn, đồng thời giảm thuế nhập khẩu lên một số mặt hàng, điển hình như xe hơi.
Bên cạnh đó, để tăng kim ngạch xuất khẩu, Trung Quốc đã chuyển sang xuất khẩu hàng hóa có giá trị cao, như: nhôm, thép, cùng với đó, các lô hàng sản phẩm giá trị thấp, như: giày và may mặc giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là việc thể hiện dụng ý đối đầu với quyết tâm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.