Mỹ cân nhắc các biện pháp “cứu” ZTE khỏi phá sản
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross thông báo ông đang cân nhắc "các giải pháp thay thế" đối với những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với hãng sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc, khiến hãng ngừng hoạt động và đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 14/5, ông Ross đã bảo vệ quyết định của Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt ZTE vì "những việc làm không thích hợp" của hãng. Tuy nhiên, ông cho biết Bộ Thương mại Mỹ sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp thay thế cho các biện pháp trừng phạt hiện hành.
Tuyên bố của người đứng đầu Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump có thông báo bất ngờ ngày 13/5, đề cập đến việc Mỹ sẽ có hành động can thiệp để ngăn chặn ZTE phá sản.
Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có chuyến công du tới Mỹ từ ngày 15-19/5 nhằm tiếp tục tham vấn các vấn đề thương mại và kinh tế Trung - Mỹ với đội ngũ kinh tế của Nhà Trắng, do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dẫn đầu.
Ông Ross hi vọng, phái đoàn công tác Trung Quốc đưa vấn đề về ZTE ra thảo luận tại cuộc đàm phán thương mại cấp cao này.
Động thái của Mỹ được cho là có thể giúp làm dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh nảy sinh lo ngại bùng phát một cuộc chiến tranh thương mại khi phía Mỹ đe dọa áp thuế đối với lượng hàng có giá trị 150 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Để đáp trả, Bắc Kinh cảnh báo đánh thuế với lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Mỹ.
Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 4 vừa qua cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc này trong vòng 7 năm, do vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.