Mỹ - Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại: Triển vọng còn xa
Mỹ và Trung Quốc đã khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. Trong bối cảnh hai bên đang nỗ lực giải quyết bất đồng hướng tới thỏa thuận thương mại cuối cùng, các chuyên gia cho rằng triển vọng này còn khá xa.
Tín hiệu tích cực
Ngày 9/7, chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo, miễn áp mức thuế quan cao đối với 110 sản phẩm Trung Quốc, từ thiết bị y tế tới thiết bị tụ điện chính mà các công ty của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo đó, các sản phẩm của Trung Quốc sẽ không phải chịu mức thuế 25% mà Mỹ áp đặt đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào ngày 6/7/2018. Việc miễn trừ có hiệu lực một năm, tính từ ngày 9/7. Đây được cho là biện pháp hòa giải đầu tiên của Mỹ, trong bối cảnh quan chức cấp cao hai nước có các cuộc tiếp xúc đầu tiên kể từ sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí nối lại đàm phán.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 9.7 đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, đánh dấu vòng đàm phán mới kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí “đình chiến” trong cuộc đối đầu thương mại kéo dài một năm qua.
Giới chức Mỹ cho biết, hai bên đã thảo luận về việc tổ chức các cuộc gặp trực tiếp, nhằm tiếp tục đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã xác nhận về cuộc điện đàm trong tuyên bố ngày 10/7 theo giờ địa phương; đồng thời cho biết, cuộc đàm thoại tiếp tục nhấn mạnh cam kết của Mỹ và Trung Quốc tránh đẩy chiến tranh thương mại leo thang.
Cuối tháng trước, tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đã nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán bị ngưng trệ từ đầu tháng 5.
Theo thỏa thuận hòa hoãn, chính quyền Mỹ tạm thời chưa triển khai kế hoạch áp thuế quan mới lên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế bổ sung 25% đối với khoảng 260 tỷ USD hàng Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump cũng cho biết, sẽ cho phép nới lỏng hạn chế đối với Tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei. Đây được xem là một trong những điểm nổi bật trong thỏa thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, quyết định của Tổng thống Donald Trump cho phép Huawei mua sản phẩm của các nhà cung cấp Mỹ sẽ chỉ áp dụng cho những sản phẩm phổ biến trên toàn cầu và hạn chế đối với các thiết bị mang tính nhạy cảm, liên quan tới an ninh quốc gia. Mỹ sẽ xem xét một lần nữa việc cấp giấy phép xuất khẩu, song sẽ chỉ liên quan đến những sản phẩm công nghệ phổ biến, và Huawei vẫn nằm trong “danh sách đen” của Mỹ.
Chưa có dấu hiệu nhượng bộ
Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Kudlow cho rằng, cuộc đàm thoại giữa các quan chức thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày 9/7 diễn ra suôn sẻ và mang tính xây dựng. Mỹ và Trung Quốc đã tiếp tục đàm phán về những vấn đề hai bên bỏ dở tại vòng đàm phán trước. Tuy nhiên, quan chức này cũng cảnh báo, không có cách thức màu nhiệm nào để đạt được thỏa thuận, bởi những gì hai bên đàm phán đến nay cho thấy đây là “phạm trù” khó nắm bắt.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump cho phép Huawei mua sản phẩm của các nhà cung cấp Mỹ sẽ chỉ áp dụng cho những sản phẩm phổ biến trên toàn cầu và hạn chế đối với các thiết bị mang tính nhạy cảm, liên quan tới an ninh quốc gia. Mỹ sẽ xem xét một lần nữa việc cấp giấy phép xuất khẩu, song sẽ chỉ liên quan đến những sản phẩm công nghệ phổ biến, và Huawei vẫn nằm trong “danh sách đen” của Mỹ.
Theo các chuyên gia, phát biểu của ông Kudlow cho thấy, hiện vẫn chưa rõ Mỹ và Trung Quốc có nối lại các cuộc đàm phán dựa trên dự thảo thỏa thuận mà hai bên đã nhất trí, trước khi Bắc Kinh thoái lui khỏi các cam kết trong dự thảo này hay không. Hiện cũng chưa rõ hai bên có thay đổi lập trường hoặc cách tiếp cận trong đàm phán thương mại không.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào bế tắc đầu tháng 5, sau khi các quan chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc tìm cách đảo ngược các cam kết. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa thể hiện dấu hiệu nhượng bộ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 18.6, Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer khẳng định, Chính phủ Mỹ sẽ duy trì quan điểm cứng rắn. Với các biện pháp thuế đã được áp dụng, Mỹ đã chuẩn bị để tiếp tục hành động nếu một số vấn đề cụ thể không được giải quyết một cách thỏa đáng. Về phía Trung Quốc, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính phủ nước này đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến kéo dài, bất kể tình hình kinh tế phát triển chậm lại.
Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, Tổng thống Mỹ đã hai lần đề cập yêu cầu Trung Quốc mua nông sản Mỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đồng ý cân nhắc yêu cầu này nếu có thỏa thuận, mà không đưa ra cam kết chắc chắn. Các nhà phân tích cho rằng, việc mua thêm nông sản, vốn được đánh giá là nhượng bộ dễ dàng nhất của Trung Quốc trong đàm phán với Mỹ, nhưng với khẳng định “chưa vội đưa ra cam kết” cho thấy cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc, báo hiệu các cuộc đàm phán sắp tới còn khắc nghiệt hơn.
Các nhà đàm phán của Mỹ cho rằng, hai bên đã nhất trí được 90% nội dung thỏa thuận. Tuy nhiên, thực tế 10% còn lại là những vấn đề gai góc nhất trong đàm phán, liên quan đến các yêu cầu của Mỹ đối với Trung Quốc phải thay đổi cấu trúc của nền kinh tế. Giới phân tích nhận định, việc Mỹ và Trung Quốc đồng ý nối lại đàm phán được xem là tín hiệu khả quan, giúp hai bên chấm dứt gián đoạn căng thẳng hai tháng qua.
Tuy nhiên, với việc các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung không đề ra thời hạn cụ thể giải quyết những bất đồng tồn đọng, cũng như không bên nào tỏ thiện chí nhượng bộ hơn so với những gì họ đã nhất trí trước đó, chưa thể tiến gần tới thỏa thuận thương mại cuối cùng.