“Phá giá” đồng Việt Nam, “lưỡi dao” lách giữa chiến tranh thương mại Mỹ Trung để hưởng lợi?
TS. Nguyễn Đức Thành bày tỏ quan điểm nên "phá giá" VND từ 2 – 3% từ nay đến hết cuối năm.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm xáo trộn mô thức thương mại giữa các nước, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định chiều ngày 11/7. Theo ông, nhiều nước, trong đó có Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Bày tỏ quan điểm ngược với nhiều nhận định, rằng Trung Quốc không nao núng, hay Mỹ sẽ là bên thiệt hại lớn hơn trong cuộc chiến, ông Thành cho rằng Trung Quốc, tự bên trong đang bị tổn thương.
Điều này được chứng minh thông qua việc đồng Nhân dân tệ (CNY) đang bị yếu đi. Có hai kịch bản được đặt ra ở đây, theo ông Thành.
Kịch bản 1 là Trung Quốc tự phá giá đồng tiền. Nhưng để làm được điều này, Trung Quốc phải mua vào đồng USD, tức tăng lượng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào ghi nhận việc Trung Quốc làm yếu đi đồng CNY cũng như dự trữ USD của Trung Quốc giảm từ đầu năm. Riêng quý I/2018, phần dự trữ đã giảm 30 tỷ USD.
Do vậy, dẫn đến kịch bản thứ 2, nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài thực sự lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho đồng CNY bị suy yếu. Dòng tiền USD bị rút ồ ạt khỏi thị trường, "tương tự năm ngoái đã có 800 tỷ USD bị rút đi", theo ông Thành. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cần phải bơm một lượng tiền USD cung ứng cho thị trường, ngăn chặn đồng CNY bị giảm mạnh, dẫn đến việc giảm dự trữ ngoại hối.
"Điều này phù hợp với quan sát của chúng tôi", TS. Thành nói.
Đồng tiền Trung Quốc bị mất giá cùng với việc hàng hoá Trung Quốc bị nghẽn tại Mỹ buộc Việt Nam phải chủ động hơn, theo ông Thành. Vì hàng hoá Trung Quốc có thể sẽ cạnh tranh với hàng Việt.
Bên cạnh đó, CNY giảm, USD tăng khiến hàng hoá rẻ hơn. Đồng tiền Việt trong bối cảnh xung đột hiện tại cũng đang tăng giá. Ông Thành nói rằng Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc.
Do vậy, với nguồn cung nguyên liệu rẻ, xuất khẩu sang Mỹ với giá như cũ, tức tỷ giá được neo đậu như hiện nay hoặc phá giá VND, thì hàng hoá Việt Nam xuất đi sẽ bán giá cao hơn trong khi sản xuất rẻ hơn.
Điều này, theo ông Thành, là trong hỗn loạn có "lưỡi dao" lách được vào để tìm được lợi ích. Như vậy, ông đề xuất nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, "đi dây" giữa hai nền kinh tế đang xung đột.
Theo đó, Việt Nam có thể phá giá đồng tiền so với USD nhưng không giảm mạnh như CNY. "Mức giảm VND từ nay đến cuối năm khoảng 2-3%", ông Thành để xuất.
Trước đó, TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh tỷ giá là quan trọng giúp điều kiện thương mại của Việt Nam được cải thiện, kích thích xuất khẩu, góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc này khiến các doanh nghiệp trong nước vay bằng đồng USD sẽ gặp khó khăn do chênh lệch tỷ giá.
Do đó, Chính phủ cần theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc và động thái của ngân hàng Trung ương các nước đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, thậm chí tăng cung ngoại tệ ra thị trường để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.