Năm 2017, tổng thiệt hại về kinh tế gần 60.000 tỷ đồng do thiên tai
Đó là con số biết nói mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa đưa ra.
Theo báo cáo tổng hợp tình hình thiên tai và công tác khắc phục hậu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ở nước ta, năm 2017 nhiều đợt thiên tai dị thường xảy ra liên tục trên khắp các vùng miền trong cả nước như bão liên tục xuất hiện, hình thành trên biển Đông (14 cơn bão và 06 cơn áp thấp nhiệt đới, trong đó bão số 2, 4, 10, 12, 14 và 03 cơn áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào nước ta).
Đặc biệt, bão số 12 là cơn bão mạnh (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4), đổ bộ trực tiếp vào khu vực trước đây ít có bão lớn, nhất là Khánh Hòa - Trung tâm kinh tế, đô thị, du lịch phát triển nơi vài chục năm nay không có bão lớn; Lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng tại các tỉnh miền núi từ ngày 02-04/8/2017, trong đó đặc biệt nghiêm trọng tại Mường La (Sơn La) và Mù Căng Chải (Yên Bái); Mưa lớn kéo dài liên tục từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 10/2017 với tổng lượng vượt từ 10-30% so với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm…
Có thể nói, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, dị thường, tính trái quy luật ngày càng gia tăng và ở mức độ, cường độ ngày càng lớn hơn, liên tục hơn, đặc biệt là những trận mưa lớn vào cuối mùa khi các hồ chứa đã tích đầy nước, bão rất mạnh vào khu vực ít khi xảy ra,.. đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Cụ thể, Trong 10 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích; thiệt hại kinh tế trung bình khoảng trên 17.000 tỷ đồng (tương đương 876 triệu USD) và có xu thế ngày càng gia tăng, năm 2013 là 28.000 tỷ đồng; năm 2016 là 40.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, năm 2017, thiên tai đã làm 385 người chết và mất tích, 654 người bị thương; 8.126 nhà bị đổ, sập, trôi; 561.696 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 352.943 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; 65.350 con gia súc và 02 triệu con gia cầm bị chết; 59.603 ha và 41.920 lồng nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại,... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 59.300 tỷ đồng.
Với tinh thần chủ động, quyết liệt từ lãnh đạo Trung ương và hầu hết các địa phương nên đã triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó thiên tai. Khi có tình huống xảy ra, đã huy động cả bộ máy chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí cấp ủy phụ trách các địa phương để chỉ đạo kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại nhất là đối với các đợt thiên tai lớn.
Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã sát sao chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của các đợt thiên tai lớn: trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương trọng điểm trong các trận thiên tai lớn như lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lũ lớn tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, bão số 10, 12,…
Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời 12 công điện, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn ban hành 91 công điện chỉ đạo ứng phó với các loại hình thiên tai; nhắn tin tới 12 lượt triệu thuê bao để cảnh báo thiên tai trong những trận thiên tai lớn; Năm 2017, đã huy động 318.740 lượt các bộ, chiến sỹ và 6.077 lượt phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Có thể nói, công tác dự báo đã có cải tiến, nhất là các bản tin dự báo trên diện hẹp trước 6 giờ (lũ quét, sạt lở đất), cảnh báo sớm mưa trước 12 giờ để phục vụ công tác điều hành liên hồ chứa. Lần đầu tiên, Ban Chỉ đạo đã tổ chức tính toán liên hồ chứa, cung cấp thông tin cho các địa phương khu vực miền Trung và Tây nguyên. Đồng thời thường xuyên tham khảo thông tin từ các đài quốc tế giúp cho việc triển khai sớm các biện pháp ứng phó (bão số 10, bão số 12, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung).
Để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành đã hỗ trợ các địa phương gạo; giống cây trồng; thuốc; vắc xin, hóa chất khử trùng; kinh phí khắc phục hậu quả…UBND các tỉnh đã chi 136,3 tỷ đồng ngân sách địa phương để hỗ trợ về nhà ở và gạo cứu đói cho người dân…