Thiệt hại mưa lũ tác động mạnh lên số giá tiêu dùng tháng 11
Đầu tháng 11, tình hình mưa bão đã gây ra những thiệt hại nặng nề lên các tỉnh miền Trung khiến chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm tại các tỉnh này có mức tăng cao.
Mưa bão đã khiến chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm tại các tỉnh này có mức tăng cao. |
Báo cáo công bố từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã tăng 0,13% so với tháng 10 và tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, CPI đến thời điểm này đã tăng 2,38% so với tháng 12 năm ngoái, với CPI bình quân 11 tháng của năm so với cùng kỳ năm tăng 3,61%.
Thiệt hại từ mưa lũ
Trong rổ tính CPI, 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá so với tháng trước, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 0,68%, nhóm giáo dục có mức tăng thấp nhất 0,03%. Ngoài ra có 3 nhóm giảm chỉ số giá, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,04%, bưu chính viễn thông giảm 0,03%, văn hóa - giải trí - du lịch giảm 0,01%.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, đầu tháng 11, tình trạng mưa bão đã gây thiệt hại nặng nề đến các tỉnh miền Trung, kéo theo chỉ số giá lương thực, thực phẩm tại Phú Yên tăng 1,62%, Ninh Thuận tăng 1,51%, Khánh Hòa tăng 1,05%, Quảng Ngãi tăng 0,98%, Bình Định tăng 0,74%, Quảng Nam tăng 0,72%, Thừa Thiên Huế tăng 0,7%, Đà Nẵng tăng 0,48%.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá xăng, dầu tăng hai đợt (4/11và 20/10) cũng làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,68%, góp phần tăng CPI khoảng 0,07%.
Bà Ngọc cho biết, một số yếu tố khác tác động đến việc tăng CPI trong tháng, bao gồm việc tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tại Quảng Ninh và Quảng Trị, khiến giá dịch vụ y tế tăng 0,23% hay việc tỉnh Quảng Ninh và Bạc Liêu tăng học phí cũng tác động chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,04%.
Tỷ giá và vàng cùng lao dốc
Điểm đáng chú ý, chỉ số giá vàng và chỉ số giá USD đều giảm so với tháng trước, tương ứng giảm 0,3% và giảm 0,01%.
Theo bà Ngọc, giá vàng trong nước đang giảm theo giá vàng thế giới. Cụ thể, giá bình quân thế giới ở mức 1282,6 USD/ounce giảm 0,19% so với tháng 10. Nguyên nhân giá vàng thế giới suy yếu là do USD trên thị trường thế giới tăng (chỉ số USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác bình quân đến ngày 25/11 đạt 94% cao hơn mức 93,57% của tháng 10). Bên cạnh đó, chỉ số “Niềm tin người tiêu dùng” ở Mỹ cũng tăng lên mức 125,9 điểm vào tháng 10/2017, đây là mức cao nhất trong năm 17 năm qua và nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp vàotháng 12/2017.
Trên thị trường nội địa, giá vàng bình quân đã giảm 0,3% so với tháng trước và dao động quanh mức 3,639 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Trái lại, mặc dù chỉ số USD tăng so với 6 đồng tiền chủ chốt, nhưng trong nước với cách điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với dự trữ ngoại hối dồi dào đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp giá USD được giữ ở mức khá ổn định, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 22.680 VND/USD.
Hiện nay, chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tăng 0,06% so với tháng 10, tăng 1,28% so với cùng kỳ và 11 tháng của năm tăng 1,42% so với cùng kỳ.
Bà Ngọc phân tích, bình quân 11 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung đang có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, bao gồm giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
“Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,3% đến 1,88%, bình quân 11 tháng lạm phát cơ bản là 1,42% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định,” bà Ngọc nói.