Năm 2018 bất động sản mới “sôi động”?
Hai tháng đã trôi qua, hầu hết thông số về mặt kỹ thuật ở hai đầu thị trường Bắc – Nam đều khả quan. Sau khi các tư vấn ngoại dự báo một năm nhiều triển vọng dành cho địa ốc, VNREA vừa có bản báo cáo khá chi tiết về thị trường BĐS tháng 1. Nổi bật, Hiệp hội tỏ ra khá thận trọng về hiệu ứng tích cực đến từ khách ngoại.
Ngoài việc cung cấp số liệu tổng kết trong năm 2015 (từ các nguồn đáng tin cậy), VNREA đánh giá năm 2016 sẽ tiếp tục là thời gian quan sát thị trường địa ốc Việt Nam của người nước ngoài – trước khi kênh đầu tư hấp dẫn này thực sự được cụ thể hóa bằng sức mua vào của khách (PV).
Mới dừng ở …tiềm năng
Tham chiếu từ lát cắt FDI, VNREA tổng kết, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 1/2016 là 1,334 tỷ USD – tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tính đến 20/1, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 800 USD – tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, lĩnh vực BĐS đã rơi khỏi nhóm và tụt xuống vị trí thứ 9, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm chỉ 10,06 triệu USD. Tháng 1 chỉ chứng kiến 4 dự án mới vào lĩnh vực BĐS, 2 dự án tăng vốn.
Tuy vậy, Hiệp hội dự báo BĐS Việt Nam 2016 sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn đối với người nước ngoài dựa trên luận giải chủ yếu liên quan tới hành lang pháp lý được điều chỉnh, bổ sung mới đây.
Cụ thể, Luật Nhà ở 2014 (có hiệu lực từ 1/7/2015) cho phép người nước ngoài và Việt kiều được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam đã ngay lập tức có những tác động tích cực đến thị trường BĐS.
Dẫu vậy, VNREA thừa nhận rằng quy định cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà chưa thể ngay lập tức tạo sự đột biến cho thị trường. Có hiệu lực từ 1/7, nhưng phải đến cuối tháng 10/2015 mới có nghị định hướng dẫn và ngày 10/12/2015 nghị định này mới có hiệu lực.
Nhìn nhận tính hiệu quả ban đầu của chính sách quản lý, Hiệp hội nêu quan điểm, kể từ cuối năm 2014, thị trường BĐS tại Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn 3-4 năm về trước, nhất là ở phân khúc nhà ở với lượng lớn các dự án mới được bung ra tại hai thị trường lớn (Tp.HCM và Hà Nội).
Đồng thời, những chính sách mới với nhiều quy định chặt chẽ hơn, bảo vệ quyền lợi song không kém phần cởi mở cho khách hàng như gia hạn thời gian sử dụng đất hay bảo lãnh tín dụng… đã kích thích lượng cầu không nhỏ đối với thị trường BĐS, trong đó có cả người mua nước ngoài.
Thống kê riêng địa bàn Tp.HCM, trong khoảng 6 tháng tính từ thời điểm 1/7/2015, ghi nhận hơn 1.000 căn hộ được bán cho khách nước ngoài. “Đó là con số ấn tượng so với số lượng chỉ khoảng 250 căn hộ bán cho người nước ngoài trong suốt cả 5 năm trước đây” – VNREA nêu rõ.
Một số dự án BĐS nhận được sự quan tâm của người nước ngoài là Gateway Thảo Điền (Hamon Developments và Sơn Kim Land) và Nassim Thảo Điền (Hongkong Land và Sơn Kim Land). Bên cạnh đó, những sự kiện mở bán của hai dự án Vista Verde (CapitaLand) và Estella Heights (Keppel Land) tại thị trường Singapore cũng ghi nhận nhiều phản hồi tích cực với doanh số bán hàng tương đối khả quan.
Tại thị trường Hà Nội, dù chưa có con số chính thức song những dự án cao cấp đã hoàn thành cơ sở hạ tầng của một số chủ đầu tư lớn như FLC, Vingroup… cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ khách nước ngoài.
Phân khúc “kén” chủ đầu tư
Sự quan tâm của khách nước ngoài ở khu vực châu Á vào BĐS Việt Nam đang tăng lên, đặc biệt là khi quy định cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Dù tiềm năng của phân khúc nhà ở dành cho khách nước ngoài đang được đánh giá khá tích cực nhưng theo nhiều chuyên gia, phân khúc này không dành cho nhiều chủ đầu tư.
Lý giải về điều này, VNREA phân tích, người nước ngoài vốn kỹ tính nên các dự án phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì mới có khả năng được họ quan tâm.
Đồng thời, giá đối với người nước ngoài có thể không quan trọng, vấn đề mà họ quan tâm là an ninh, an toàn, các dịch vụ tiện ích, nhất là về trường học và môi trường sống phải đạt chuẩn.
Thực tế, kể từ thời điểm địa ốc khủng hoảng, trải qua giai đoạn “chớm” hồi phục như hai năm qua, những dự án đáp ứng “bộ tiêu chuẩn quốc tế”, chỉ đếm được tại hai đầu thị trường Bắc – Nam.
Ngoài số ít dự án đã được khách hàng thừa nhận như của Vingroup, FLC hay “chấp nhận được” kiểu Mandarin Garden (Golden Gain – công ty con của Tập đoàn Hòa Phát); Hòa Bình Green City, thì đa phần các dự án thuộc hàng cao cấp hiện tại ở trung tâm đều trong trạng thái… chờ kiểm nghiệm tính chuẩn chỉ, chuyên nghiệp của chủ đầu tư.
Nhắc tới yếu tố nội tại, VNREA đánh giá, cách tiếp thị, tư vấn, hỗ trợ của các chủ đầu tư, môi giới trong nước đều làm theo kiểu cũ như với khách hàng nội địa nên người nước ngoài rất e ngại khi lựa chọn một dự án nào đó. Ngoài ra, một số quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu BĐS tại Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng khiến khách nước ngoài còn băn khoăn (!)
Vì vậy, năm 2016 sẽ là năm người nước ngoài quan sát thị trường BĐS Việt Nam. Kỳ vọng trong những năm tiếp theo, đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực từ 2018 (TPP, AEC…), người nước ngoài sẽ góp phần tạo nên sự sôi động của thị trường BĐS Việt Nam.