Năm 2019: Liên bộ Tài chính-Công thương kiểm soát việc điều chỉnh tăng giá điện

BD

Chiều 18/1, Bộ Công thương tổ chức họp báo thường kỳ. Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo điều hành giá, trực tiếp là trưởng ban, năm 2019, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, thẩm tra, thẩm định xem xét việc tăng giá điện.

Lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì họp báo.
Lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì họp báo.

Tuy nhiên, mức điều chỉnh như thế nào thì trước đó đã các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ tăng ở mức nào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền quyết; mức nào phải xin ý kiến Bộ Công Thương và mức nào báo cáo và xin ý kiến Chính phủ.

“Chúng tôi đã có đề xuất, từ nay đến Tết và thời gian ngắn ngay sau Tết không phải thời điểm để đề xuất tăng giá điện. Nếu có, chúng tôi sẽ xin ý kiến Chính phủ về tăng giá điện”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Bộ Công thương sẽ xem xét kỹ chi phí phát sinh thực tế việc sản xuất điện trong thời điểm hiện nay và các tồn đọng từ trước đến nay. Chẳng hạn như việc chênh lệch tỷ giá, kể cả từ những năm 2015-2017 và năm 2018 và nhiều yếu tố khác để có đề xuất phù hợp nhất với tình hình thực tiễn. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, giá các mặt hàng thiết yếu sẽ dần được vận hành theo giá thị trường. Do đó, một mặt, xem xét việc vận hành giá điện những năm 2017, 2018, để có đề xuất cụ thể về mức tăng giá điện phù hợp nhưng vẫn theo quy định thị trường.

“Chúng tôi cũng đã đề xuất EVN tìm cách cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, đảm bảo công khai minh bạch việc tính giá điện cũng như đảm bảo chi phí để tạo thành giá điện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, Bộ Công Thương cho biết đã thực hiện nghiêm túc việc không xem xét, đề xuất điều chỉnh tăng giá điện, nhưng việc xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 thì sẽ thực hiện theo Quyết định 24/QĐ-TTg và kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành.

Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công

“Hiện chúng tôi đưa ra 4 kịch bản tương ứng tăng trưởng phụ tải cao và tăng trưởng bình thường, và 2 kịch bản tương ứng lượng nước về hồ thuỷ điện bình thường và về ít hơn trung bình nhiều năm. Chúng tôi có thể khẳng định Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ và xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 theo đúng quy định và có xem xét tác động của việc điều chỉnh giá điện” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, thẩm tra, thẩm định; phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá ảnh hưởng các kịch bản điều chỉnh giá điện lên tốc độ tăng trưởng, GDP, chỉ số CPI, ảnh hưởng đến chi phí của các khách hàng lớn và các hộ sinh hoạt. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.