Nắm bắt "thời điểm vàng" phát triển logistics ở đồng bằng sông Cửu Long
Với sự quan tâm của Trung ương về quy hoạch, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các chuyên gia đánh giá đây là thời điểm vàng để ĐBSCL chuyển mình bứt phá, trong đó có lĩnh vực logistics. Việc xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics tại ÐBSCL trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu là rất cần thiết, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn. Các trung tâm logistics hoạt động tốt sẽ giảm thiểu chi phí đầu vào nhằm tăng giá trị hàng hóa đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng..
Những cơ hội mới
Theo ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, ĐBSCL hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển logistics. Năm 2021 trong 6,24 triệu tấn gạo xuất khẩu thì gạo từ ĐBSCL đã chiếm tới 95%, đồng thời ĐBSCL cũng xuất khẩu tới 60% cá của cả nước.
Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng là nơi cung cấp lương thực và thực phẩm lớn cho cả nước với hơn 70% sản lượng trái cây và 65% sản lượng thủy sản. Rõ ràng với quy mô sản xuất lớn và đang tăng nhanh như hiện nay, nhu cầu logistics tại ĐBSCL là rất lớn.
Ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW, khu vực ĐBSCL sẽ được tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng logistics bao gồm đường bộ, đường thủy nội địa, bến cảng, sân bay, đường không, các kho bãi.
Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ để hình thành cảng biển nước sâu ở ĐBSCL với đặc thù là cảng cách xa bờ, có thể tiếp nhận được tàu trọng tải lớn, hạn chế tình trạng phải nạo vét. Trước đó, theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015, quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ÐBSCL sẽ có hai trung tâm logistics hạng 2 (cấp vùng) đi vào hoạt động. Ðây là trung tâm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông, phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho vùng.
Ngày 11/1/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Tại Điều 7 của Nghị quyết số 45/2022/QH15, quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ.
Theo đó, công tác nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện: bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án.
Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, từ những cơ chế, chính sách đã có, ĐBSCL cần thắt chặt liên kết giữa địa phương với địa phương và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, khai thác lợi thế từ quá trình đầu tư phát triển hạ tầng của ĐBSCL. Việc đầu tư các trung tâm logistics của vùng cần đảm bảo sự cân bằng để các địa phương cùng khai thác và phát triển.
Đầu tư vào chiều sâu
Theo ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ, Nghị quyết 1313-NQ/TW và Nghị quyết 45 đã khơi thông cơ chế, chính sách cho ĐBSCL, trong đó có việc khơi thông, khai phóng luồng Định An để cảng biển phát triển. Bên cạnh đó, quy hoạch ĐBSCL cũng được Chính phủ phê duyệt sẽ góp phần làm thay đổi cấu trúc kinh tế của vùng.
Hiện nay, dư địa hàng nông nghiệp rất lớn, theo khảo sát gần đây của VCCI, doanh nghiệp ngành chế biến nông thủy sản cũng như các hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã cho biết năng lực sản xuất chỉ mới đáp ứng khoảng 50-60%. Nếu logistics được tập trung đầu tư, có hệ thống kho lạnh, kho mát, hệ thống nông hộ sẽ mạnh dạn sản xuất hơn bởi vì họ được trữ hàng lạnh để bảo quản tốt hơn. Cần Thơ đang quy hoạch trung tâm logistics sẽ là cơ hội để thay đổi và phát triển đồng bộ ngành logistics và đây là "thời điểm vàng" trong giai đoạn trong 5 và 10 năm tới.
Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, cho rằng: Việc nạo vét luồng hàng hải Định An - Cần Thơ nên kết hợp công tư, hay tốt nhất là đấu thầu giữa các doanh nghiệp tư nhân có liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài, như Hà Lan, Nhật Bản và Singapore đang mua cát thải để đầu tư mở rộng diện tích phát triển kết cấu hạ tầng.
Để phát triển logistics cho vùng ĐBSCL cần tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo dựng dây chuyền kho nông sản, nhất là hệ thống dây chuyền lạnh đủ tiêu chuẩn bảo quản, đóng gói, quy trình sơ chế - xử lý. Qua đó hạn chế tỷ lệ hao hụt hàng hóa trái cây, nông sản, thủy sản sau thu hoạch, hiện nay từ 30-35%, bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Việc kiểm tra chất lượng, chiếu xạ hoa quả cần tiến hành tại chỗ thay vì đưa đi xa như hiện nay. Ứng dụng khoa học công nghệ về thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, ứng biến với từng thị trường. Tận dụng được lợi thế về thị trường mới và thuế mà các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và RCEP mang lại. Cần xác định mặt hàng chủ lực của mỗi địa phương trong khu vực, tập trung quy trình chuẩn và có cơ chế đặc biệt để thâm nhập các thị trường xuất khẩu khó tính nhất và chính ngạch, giảm hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch.
Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho rằng: Cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước theo hướng tích cực tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh làm động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường logistics; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics. Thiết lập mạng lưới trung tâm phân phối nhiều cấp (cảng cạn, kho, bãi hàng hóa) và các tuyến vận tải thu, gom hàng hóa trong các đô thị lớn và các vùng kinh tế trọng điểm. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ dịch vụ vận tải, logistics đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế.