Phát triển hệ thống logistics đồng bằng sông Cửu Long là cấp bách
Điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chính là hệ thống logistics kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng. Chi phí logistics tại ĐBSCL đang là gánh nặng đối với các sản phẩm sản xuất ra tại vùng.
Tại Diễn đàn “Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL” ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban kinh tế Trung ương, cho rằng: Chi phí logistics tại ĐBSCL chiếm tới 30% giá thành sản phẩm. Nguyên nhân được các chuyên gia đánh giá là do hệ thống logistics tại ĐBSCL còn thiếu liên kết và đồng bộ, trong đó, hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu.
Vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ và thủy nội địa, trong khi tình trạng một số cảng trọng điểm tại miền Đông thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng…
Như vậy, phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL là một giải pháp cấp bách hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và sự phát triển bền vững cho nông sản ĐBSCL nói riêng. Mở rộng sự hiện diện của sản phẩm ĐBSCL tất yếu đòi hỏi phải phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL một cách tương xứng.
ĐBSCL có điều kiện thuận lợi để phát triển logistics, đó là nhu cầu logistics rất lớn. Năm 2021, trong 6,24 triệu tấn gạo xuất khẩu thì gạo từ ĐBSCL đã chiếm tới 95%. Đồng thời, ĐBSCL cũng xuất khẩu tới 60% cá của cả nước. Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng là nơi cung cấp lương thực và thực phẩm lớn cho cả nước với hơn 70% sản lượng trái cây và 65% sản lượng thủy sản. Rõ ràng, với quy mô sản xuất lớn và đang tăng nhanh như hiện nay thì nhu cầu logistics tại ĐBSCL là rất lớn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phát triển nhanh thương mại điện tử đang tạo ra nhu cầu rất lớn về các hệ thống phân phối hàng hóa trực tiếp từ người sản xuất đến người dùng thông qua các sàn thương mại điện tử. Kinh tế thế giới sau thời kỳ Covid-19 đã tăng mạnh trở lại, nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao. Trong giai đoạn 2021 - 2030, hạ tầng giao thông đường bộ với nhiều dự án quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên sẽ được đầu tư.
Ngày 28/2/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt ra mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, để đạt được các mục tiêu này thì điểm đột phá đầu tiên là phát triển hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế. Trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ sẽ xây dựng các cảng gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng, đồng thời cũng tiếp tục gia tăng đầu tư, như: hệ thống cảng TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu gắn với vùng kinh tế Đông Nam bộ, hệ thống cảng Cần Thơ, Long An, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam cũng nhấn mạnh các tuyến vận tải container kết nối cảng biển Cái Mép - Thị Vải theo ven biển với cảng thủy ở Cà Mau, Kiên Giang; từ khu vực Cái Mép - Thị Vải - TP. Hồ Chí Minh đi Campuchia qua trục sông Tiền, kết nối với trục sông Hậu đến Cần Thơ, phát triển lên đến An Giang; hướng tuyến từ Cái Mép - Thị Vải lên Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh.
Các tuyến đường nội thủy sẽ được tập trung phát triển, như: Vũng Tàu - Thị Vải - Sài Gòn - Mỹ Tho - Cần Thơ; các tuyến vận tải hàng hóa bằng phương tiện phà sông biển đi chung luồng hàng hải qua cửa Cái Mép, Ngã Bảy, Soài Rạp, Cửa Tiểu, cửa Định An, Trần Đề; các tuyến qua cửa Hàm Luông, Cổ Chiên; tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền kết nối Đồng Tháp Mười - Cần Thơ - Cà Mau. Sau khi được nâng cấp, tuyến kênh này sẽ đáp ứng cho sà lan từ 300 - 600 tấn, sà lan chở 3 lớp container lưu thông.
Phương tiện từ sông Tiền sang sông Hậu sẽ rút ngắn 37km so với hiện nay và rút ngắn 45km quãng đường từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh ĐBSCL. Chi phí vận chuyển hàng container từ TP. Hồ Chí Minh đến Phnom Penh (Campuchia) sẽ tiết kiệm được 3 - 5 lần so với phí vận chuyển đường bộ.
ĐBSCL cũng sẽ được đẩy mạnh kết nối thông qua hệ thống 8 cảng hàng không là Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Côn Đảo, Cà Mau. Hệ thống cảng hàng không này không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống logistics cho ĐBSCL mà còn giúp thúc đẩy du lịch cho vùng, qua đó hỗ trợ phát triển tiêu thụ các sản phẩm của vùng.
Để phát triển logistics trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay thì cần phải xây dựng được các trung tâm logistics lớn, các doanh nghiệp logistics lớn đủ tiềm lực để khép kín hệ sinh thái logistics với giải pháp tích hợp đầu cuối từ vận tải quốc tế bằng đường biển sang logistics nội địa, qua đó giúp tiết kiệm được chi phí nhờ quy mô.
Mặc dù hiện nay 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Trước làn sóng đẩy mạnh hoạt động mua lại và sáp nhập thì các doanh nghiệp logistics nhỏ của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm là rất lớn. Vì vậy, phát triển các trung tâm logistics lớn, với các doanh nghiệp đủ tiềm lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại Việt Nam là rất cần thiết.
Đặc điểm của sản xuất tại ĐBSCL là sản xuất nông nghiệp, người sản xuất có hiểu biết về tổ chức sản xuất quy mô lớn còn hạn chế, thì những dịch vụ logistics 4P rất quan trọng mà người sản xuất ở vùng này cần đến đó là dịch vụ về cung ứng đầu vào, dịch vụ tư vấn kế hoạch thu hoạch, phân phối, marketing…
Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước theo hướng tích cực tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh làm động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường logistics. Sử dụng, đầu tư hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức tuyên truyền khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics và vận tải. Bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics, vận tải hàng hải một mặt đáp ứng nhanh nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho ngành, mặt khác đẩy nhanh chương trình đào tạo các chuyên gia logistics có kỹ năng ứng dụng và triển khai các thực hành quản trị logistics và chuỗi cung ứng theo kịp các nước công nghiệp phát triển. Gắn kết công nghệ thông tin trong logistics, đặc biệt khâu thủ tục hải quan và tại biên giới (tăng cường tổ chức, thúc đẩy tiêu chuẩn hóa trong khai thác như chứng từ, tiêu chuẩn công nghệ... phát triển các cổng thông tin logistics, EDI, e-logistics...