Năm của những “bê bối“ bất động sản

Theo Pháp luật Việt Nam

Thị trường bất động sản năm qua chứng kiến nhiều cú sốc với những đợt “vây ráp” của khách hàng đòi quyền lợi...

1. Tin tưởng vào thương hiệu của ngành dầu khí, năm 2010, nhiều khách hàng chấp nhận bỏ tiền chênh hàng trăm triệu để có suất mua tại dự án Hanoi Time Towers do Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam – PVR làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao nhà đã không đúng như cam kết, buộc nhiều khách hàng phải đến yêu cầu huỷ hợp đồng như đã không nhận được sự hợp tác từ phía doanh nghiệp.

Nguy cơ “trắng tay” đối với khách hàng càng hiện hữu hơn, khi giữa tháng 10/2012, doanh nghiệp này lên kế hoạch thoái vốn. Sức nặng về tài chính đối với chủ đầu tư càng “rõ nét” thì lời hứa về tiến độ bàn giao nhà với khách hàng, càng xa dần.

Dự kiến tăng thêm 2 tỷ đồng đối với biệt thự khi khách hàng chuyển từ hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán tại dự án Splendora do An Khánh JVC làm chủ đầu tư ( liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C Hàn Quốc), đã tạo nên “cú sốc” đối với khách hàng, kéo theo sau đó là nhiều hoạt động đòi quyền lợi với băng rôn.

Bỏ thêm tiền tỷ trong hoàn cảnh bất động sản suy thoái, khách hàng đã không chấp nhận việc tăng thêm số tiền cho từng căn biệt thự theo như yêu cầu của chủ đầu tư. Hàng loạt băng rôn đỏ với những dòng chữ “khách hàng Splendora kiến nghị chủ đầu tư”, “yêu cầu Posco – Vinaconex trả lại công bằng cho dân” được khách hàng trưng lên ngay ban quản lý dự án, hoặc kéo đến trụ sở trên đường Láng Hạ của Vinaconex.

2. “Tiền góp vốn của nhà đầu tư đang ở đâu?”, đó là những câu hỏi chung nhất được hầu hết các khách hàng bỏ tiền mua lại căn hộ chung cư của Binh đoàn 12 qua sàn bất động sản Thuận Thành.

Ngay từ năm 2010, sàn bất động sản Thuận Thành đã rao bán căn hộ ở đây với giá 12,5 triệu đồng/ 1m vuông. Tin tưởng vào mức giá mềm và tính pháp lý của dự án, nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để góp vốn, mua đi bán lại hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, sau 2 năm thu tiền, dự án vẫn là bãi đất hoàng, khách hàng đã nhiều lần kéo đến trụ sở để đòi lại tiền nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn.

Danh sách những dự án chìm trong băng rôn, biểu ngữ đòi quyền lợi của khách hàng tiếp tục nối dài, khi bê bối về chậm tiến độ, tính thêm tiền của từng căn hộ được chủ đầu tư đưa ra không được sự chấp thuận của người dân.

3. Lên tiếng mạnh mẽ hơn, hàng chục khách hàng đã dựng băng rôn yêu cầu “điều tra việc lừa đảo” tại trụ sở của Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư tại dự án Tricon Towers ở huỵên Hoài Đức (Hà Nội), nhưng phản ánh của khách hàng cho hay, họ đã không được giao nhà theo đúng thoả thuận ban đầu. Theo cam kết, muộn nhất  đến 30/6/2012 khách hàng sẽ được nhận nhà, tuy nhiên, dù đã sắp hết năm 2012, dự án này mới xây đến... phần móng.

Nếu như các năm trước, việc tranh chấp bất động sản mới chỉ diễn ra âm thầm, thì trong năm 2012, nhiều khách hàng đã công khai tố chủ đầu tư. Việc đòi quyền lợi lúc này không chỉ diễn ra riêng lẻ, mà thực hiện theo hình hình thức khách nhau, từ kéo băng rôn đến lập thành các hội trên diễn đàn để trao đổi, cập nhật.

Việc đòi quyền lợi từ chủ đầu tư còn đưa ra nhiều kỳ vọng cho khách hàng, trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đã thật sự “mất hết niềm tin” khi tiền của mua căn hộ lại được “gửi gắm” qua các nhà đầu tư thứ cấp, sàn bất động sản. Trên thực tế, nhiều sàn bất động sản đã huy động vốn bằng việc bán nhà trên giấy, với những lời hứa hẹn đường mật nhằm thu tiền của khách hàng mà không biết “số phận” của những dự án đó có được cơ quan chức năng chấp thuận, hay năng lực thực sự của chủ đầu tư đến đâu.

Giám đốc một sàn bất động sản cho hay, sẽ có thể còn có nhiều đợt “đòi quyền lợi” của khách hàng tại những dự án khác, trong bối cảnh thị trưởng bất động sản ảm đạm và tính thanh khoản tại những dự án này chưa thật sự được cải thiện trong suốt năm 2012.