Nam Mỹ - Thị trường xuất khẩu tiềm năng

Theo daibieunhandan.vn/Foreign Policy

Tại Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Nam Mỹ diễn ra hôm qua, 24/5, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu sang khu vực Nam Mỹ tăng khoảng 22% mỗi năm, sẽ là “vùng đất nhiều tiềm năng” cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet.
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet.

Sự phát triển đáng ghi nhận

Nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Chile Trần Đình Văn cho biết, quan hệ thương mại của Việt Nam trước đây với khu vực này rất nhỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Nam Mỹ tăng khoảng 22%.

Lý do chính thúc đẩy xuất khẩu tại khu vực này tăng là các thương vụ Việt Nam tại khu vực sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, tư vấn, đặt vé máy bay giúp các doanh nhân sang tìm hiểu thị trường. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên vươn lên xuất siêu sang Mỹ Latin; đến năm 2016, thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục là 900 triệu USD.

Ông Trần Đình Văn cho biết, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Mỹ Latin. Từ xuất phát điểm vài chục triệu USD vào năm 1990, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ Latin đã đạt 245 triệu USD vào năm 2000.

Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ Latin đạt 6,27 tỷ USD, tăng 10,98% so với năm 2015; nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Mỹ Latin đạt 5,37 tỷ USD, giảm 4,5% so với năm 2015.

Điều đặc biệt là dòng trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ Latin đã vượt qua thời điểm khó khăn của năm 2009 để có những bước phục hồi sau đó. Dự báo xu thế tăng trưởng thương mại vẫn tiếp tục được duy trì và cải thiện đáng kể trong những năm tới nhờ việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại song phương.

Đây là kết quả của một quá trình lâu dài và kiên trì trong việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường Mỹ Latin và ngược lại.

Nhiều tiềm năng

Thị trường xuất khẩu sang Nam Mỹ được cho là nhiều tiềm năng nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, ngôn ngữ và văn hóa là một trong những khó khăn, rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn thâm nhập vào thị trường này.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam Lê Văn Long cho rằng, để thuận lợi cho việc xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ cần chú trọng logistics - là quá trình đưa sản phẩm từ khi mới là nguyên, vật liệu cho đến khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng cuối cùng, bao gồm các công đoạn như gia công, đóng gói, vận chuyển như thế nào để sản phẩm không bị thay đổi chất lượng.

Vì vậy, theo ông Lê Văn Long  việc thành công hay không, logistics có vai trò vô cùng quan trọng giúp cho việc xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ thuận tiện và chi phí thấp hơn đưa tới thành công cho doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, muốn tìm cách tiếp cận thị trường mới cần phải thông qua các kênh thông tin uy tín như đại sứ quán các nước; các hội chợ do các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng như hiệp hội của các tỉnh tổ chức; tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn…

Tuy nhiên, khi đã có khách hàng, muốn duy trì xuất khẩu lâu dài, phải xây dựng mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của khách hàng.

Tiềm năng của thị trường là có nhưng các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận do thiếu và yếu về vốn, nên Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tập trung cho các doanh nghiệp còn yếu nhưng có nguyện vọng tham gia thị trường này. Có như vậy mới thúc đẩy xúc tiến thương mại trên thị trường Nam Mỹ trong thời gian tới, ông Trần Đình Văn nhận định.