Làn sóng rao bán nhà đất gia tăng tại nhiều tỉnh thành phía Nam
Ở thời điểm hiện tại, thanh khoản thị trường chưa được cải thiện, lãi suất ngân hàng vẫn đang cao khiến cho nhiều nhà đầu tư gặp áp lực tài chính và phải tìm mọi cách để thoát hàng.
Nhà đầu tư đua nhau thoát hàng
Trao đổi với PV, anh Lê Nam đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện anh đang cần bán lô đất nền tại Bà Rịa - Vũng Tàu mà anh đã mua hồi cuối năm 2021. Thời điểm tháng 4/2022, lô đất đã có người trả giá cao hơn so với ban đầu mua vào, nhưng anh chưa bán vì muốn chờ kiếm lời hơn nữa.
“Tôi cứ nghĩ để lô đất lại thì giá sẽ tiếp tục tăng, nhưng quả thật những gì mình nghĩ lại không như mình mong muốn. Thị trường rơi vào trầm lắng khiến mọi tính toán của tôi bị vỡ kế hoạch, giờ có hối hận cũng đã muộn. Hiện tại, dù biết thị trường vẫn chưa hồi phục nhưng vì đang cần tiền gấp nên tôi phải bán đất và xác định không lời mà chỉ có lỗ. Hiện tôi đang đưa ra mức giá thấp hơn giá mua vào khoảng 150 triệu đồng nhưng khách hàng vẫn đang ép giá thêm”, anh Nam cho hay.
Cũng ôm nợ chờ giá đất tăng, bà N.T. Hoa (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng, bà cũng đang loay hoay tìm khách cắt lỗ. "Tôi và chồng đã vay tiền đầu tư khi thấy giá đất tăng hồi đầu năm 2022. Theo kế hoạch ban đầu thì tôi chỉ vay vài tháng rồi sẽ thoát hàng. Tuy nhiên, tôi đã bắt đầu rao bán lô đất từ tháng 5/2022 nhưng chưa được giá như mong muốn. Tôi cứ nghĩ cầm cự qua cái Tết nguyên đán thì thị trường sẽ dần ổn trở lại và bán được, nhưng hiện tại mọi giao dịch vẫn đang trầm lắng. Ôm nợ gần 1 năm khiến tôi rất mệt mỏi vì lãi ngân hàng đang tăng cao. Tôi chán cảnh mở mắt ra đã phải trả nợ ngân hàng", bà Hoa cho biết.
Anh N.C. Công (quận 5, TP. Hồ Chí Minh), một người đang có nhu cầu mua nhà để ở cũng đang ráo riết rao bán lại căn hộ đã mua tại một dự án chung cư hình thành trong tương lai ở Bình Tân vì sợ tài chính của gia đình trong thời gian tới sẽ không cáng đáng nổi.
“Tính ra ở riêng nên vợ chồng tôi mới gom góp vốn liếng, vay thêm ngân hàng để mua nhà. Giờ đóng hơn 70% giá trị rồi nhưng vẫn phải bán vì tình hình thu nhập của gia đình đang bấp bênh, lãi suất phải trả theo tháng tăng và khả năng kinh tế năm nay sẽ khó khăn nên tôi quyết định không ra ở riêng nữa mà nhượng lại căn hộ càng sớm càng tốt”, anh Công chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, một số nhà đầu tư bất động sản đang có vốn thực cho rằng, thời điểm này ôm tiền gửi ngân hàng ăn lãi suất là sự lựa chọn hợp lý và an toàn. Bởi thị trường đang bấp bênh mà lãi suất trong ngắn hạn thấp nhất cũng đã từ 8 - 10%. Ngược lại nếu đổ tiền vào đất thì phải chờ 2 - 3 năm cho thị trường hồi phục. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà đầu tư dùng vốn thực đang có tâm lý muốn thoát hàng để gom lại tiền, đề phòng các trường hợp rủi ro có thể xảy ra trong năm 2023 và tính toán lại về dòng tiền đầu tư.
Làn sóng rao bán còn tiếp tục tăng
Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, trong tháng 12/2022, lượng tin rao bán nhà đất trên cả nước tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phân khúc được ghi nhận rao bán nhiều nhất là đất nền, nhà riêng, nhà mặt phố và căn hộ chung cư với mức tăng trung bình từ 14 - 32%.
Xét riêng tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, lượng tin rao bán bất động sản tháng 12/2022 cũng tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đất nền có nhu cầu rao bán tăng 54%, nhà mặt phố tăng 48%, nhà riêng tăng 42% còn căn hộ và biệt thự liền kề có lượng sản phẩm cần rao bán lần lượt tăng 14 và 22%. Loại hình căn hộ cao cấp có lượng sản phẩm rao bán tăng 20%, căn hộ trung cấp cũng tăng 14% số lượng tin rao bán.
Hay tại các tỉnh như Bình Dương, Bình Thuận, Lâm Đồng, số lượng tin rao bán nhà đất cũng tăng trung bình từ 15 - 22%. Long An còn ghi nhận số tin rao bán nhà đất tăng 54% so với cùng thời điểm năm 2021.
Phần lớn các sản phẩm căn hộ, đất nền cần sang nhượng trong thời điểm này đến từ thị trường thứ cấp, là các dự án đã và đang trong quá trình triển khai được nhà đầu tư mua đi bán lại dưới sức ép tài chính. Số lượng sản phẩm sơ cấp do chủ đầu tư và các sàn chào bán không nhiều vì nguồn hàng tồn không còn, thiếu dự án mới cũng như giai đoạn triển khai mới nên thiếu sản phẩm sơ cấp giao dịch.
Không chỉ ở các tỉnh phía Nam, từ những tháng cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, làn sóng rao bán bất động sản cũng gia tăng mạnh tại thị trường nhiều tỉnh thành khác, như ở Khánh Hòa và Đà Nẵng, lượng sản phẩm nhà đất cần rao bán tăng 40 - 43%.
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, làn sóng rao bán nhà đất có thể sẽ còn tăng trong các tháng tới đây khi thị trường được dự đoán sẽ cần ít nhất là 1 - 2 năm để tái cấu trúc và hồi phục. Thị trường thứ cấp sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp cần rao bán và sang nhượng tài sản. Đa số người bán ra tại thời điểm này đều giảm giá bán với kỳ vọng có thể thu hồi dòng tiền nhanh, cho nên thời gian tới là thời điểm thuận lợi để các nhà đầu tư có thể mua tài sản với giá hợp lý. Với những nhà đầu tư có tài chính vững thì có thể xem xét nắm giữ bất động sản lúc này để khai thác và tích lũy nhằm sinh lời trong dài hạn.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, tiêu chí đầu tư an toàn và có giá trị khai thác thương mại nên được đặt lên hàng đầu khi quyết định xuống tiền mua bất động sản thay vì đề cao yếu tố lợi nhuận ngắn hạn. Tốt nhất các nhà đầu tư nên chọn các bất động sản vừa có thể khai thác dòng tiền đều đặn từ việc cho thuê, vừa có tiềm năng tăng giá trong tương lai.