Năn 2013: Xuất khẩu gia tăng, hàng tồn kho giảm
(Tài chính) Tăng thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn năm trước, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 có sự đóng góp khá nhiều từ khu vực dịch vụ và xuất khẩu. Nhận định của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng GDP có tín hiệu phục hồi, hàng tồn kho giảm và công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng rõ nét.
Con số chính thức được Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy, GDP năm 2013 ước tăng 5,42% so với năm 2012, thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm trước và có tín hiệu phục hồi tăng dần đều qua các quý.
Nếu như khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng xấp xỉ của năm trước, đạt 2,67% thì khu vực công nghiệp và xây dựng lại tăng thấp hơn cùng kỳ, chỉ đạt 5,43%. Đặc biệt, khu vực dịch vụ đã có đóng góp đáng kể cho GDP là 2,85 điểm phần trăm với mức tăng 6,56%.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp (Tổng cục Thống kê) - cho biết, xuất khẩu hàng hóa và nhất là xuất khẩu dịch vụ có mức tăng trưởng đáng kể. Ước kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2013 đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ cũng đạt khoảng 10,5 tỷ USD, trong đó nguồn thu lớn nhất đến từ du lịch là 7,5 tỷ USD và vận tải là 2,2 tỷ USD.
Xuất khẩu đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế năm 2013, ngoài một số mặt hàng như dầu thô, cao su, cà phê, gạo đã giảm cả lượng và giá trị, nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như điện thoại, điện tử máy tính và linh kiện, dệt may, giày, dép, gỗ, rau, quả.
Mặc dù kim ngạch nhập khẩu một số nguyên liệu phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị, điện tử, linh kiện, vải… tăng cao, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,3 tỷ USD, nhưng vẫn không bằng kim ngạch xuất khẩu nên hiện tượng xuất siêu đã trở lại. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu, ước tính cả năm xuất siêu khoảng 863 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu.
Tồn kho giảm dần
Sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2013 có dấu hiệu phụ hồi với mức tăng 5,9% so với năm trước, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có sự chuyển biến rõ nét qua các quý, cụ thể: Quý I tăng 5%, quý II tăng 5,5%, quý III tăng 5,4% và quý IV tăng 8%.
Nếu loại trừ tháng 1 (IIP tăng 27,5%) và tháng 2 (IIP giảm 15,1%) do ảnh hưởng của yếu tố thời vụ là Tết Nguyên đán, thì từ tháng 3 chỉ số IIP đạt mức 5-6% . Một số địa phương có chỉ số IIP tăng mạnh là Vĩnh Phúc 14%; Đà Nẵng 10,5%; TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng có mức tăng lần lượt là 6,3%, 4,5% và 4,3%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4%, đóng góp 5,3 điểm phần trăm mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Một số lĩnh vực chủ lực đều có tăng trưởng cao như dệt tăng 21,8%, sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 15,3%, xe có động cơ, giấy, điện, đồ uống đều có mức tăng trên dưới 10%.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 1/12/2013 của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,2% so với cùng kỳ; trong đó nhiều ngành có chỉ só tồn kho giảm hoặc tăng thấp hơn mức chung. Cụ thể như sản xuất xe có động cơ giảm 37,8%, trang phục giảm 1,4%, đồ uống giảm 21,9%, chế biến thực phẩm tăng 8,8% và dệt 6,3%.