"Nắn" dòng kiều hối
Bất chấp lãi suất tiền gửi USD đã giảm về còn 0%, kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nên hướng dòng kiều hối chảy vào sản xuất kinh doanh thay vì các lĩnh vực đầu cơ.
Nguồn lực quan trọng
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong 8 tháng đầu năm 2019 đã có 3,65 tỷ USD kiều hối chuyển về nước qua các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ước tính cả năm 2019, tổng lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt 5,6 tỷ USD - tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt 13,8 tỷ USD trong năm 2017 và đạt khoảng 15,9 tỷ USD trong năm 2018, tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993.
Kiều hồi đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với các nước đang phát triển vốn đang cần rất nhiều vốn như Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, kiều hối là một nguồn thu ngoại tệ ổn định, không hoàn lại và đặc biệt không tạo gánh nặng nợ nước ngoài cho nền kinh tế. Nguồn vốn này giúp đất nước giảm thiểu nhiều rủi ro trong quá trình huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài.
Nếu so với nguồn thu từ xuất khẩu thì kiều hối là khá nhỏ bé, thế nhưng nếu so với xuất khẩu ròng thì nguồn thu kiều hối lại lớn hơn rất nhiều lần. Thậm chí, nguồn thu kiều hối hiện đã tương đương với nguồn vốn giải ngân FDI, song không để lại nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế như nguồn vốn này như: ô nhiễm môi trường, áp lực canh tranh với sản xuất trong nước...
Đó là chưa kể,kiều hối còn đóng góp tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người lao động. Bởi nguồn vốn này chảy thẳng vào khu vực dân cư, do đó có tính thúc đẩy đầu tư tư nhân tăng mạnh, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao mức thu nhập cho các chủ thể nhận kiều hối và các chủ thể được hưởng lợi từ nguồn đầu tư kiều hối.
Xét về mặt vĩ mô, kiều hối còn góp phần tích cực cải thiện cán cân thanh toán quốc gia; qua đó nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Còn xét về mặt vi mô, kiều hối tăng nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế, ổn định thanh khoản ngoại tệ cho hệ thống tài chính, qua đó góp phần ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá. “Không thể phủ nhận việc thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định trong mấy năm gần đây có phần đóng góp không nhỏ của dòng kiều hối”, một chuyên gia ngân hàng nhận xét.
Tăng chất cho dòng kiều hối
Điểm đáng chú ý nhất là dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam cho dù lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã được giảm về 0% từ nhiều năm nay. Trong những năm trước đây, trong dòng kiều hối chảy về Việt Nam có một tỷ trọng không nhỏ là dòng vốn carry trade, tức dòng vốn chảy về để hưởng chênh lệch lãi suất khi mà lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam ở mức khá cao, trong khi lãi suất tiền gửi tại Mỹ đã giảm về quanh 0% suốt từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
“Mặc dù lãi suất tiền gửi USD đã được giảm về còn 0% từ năm 2016, nhưng dòng kiều hối chảy về Việt Nam vẫn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, cho thấy cơ cấu dòng kiều hối đã thay đổi, không còn hướng tới mục tiêu hưởng chênh lệch lãi suất nữa mà tập trung khai thác các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện có một lượng không nhỏ kiều hối chảy về nước với mục tiêu đầu cơ bất động sản, chứng khoán”, vị chuyên gia trên cho biết.
Quả vậy, mặc dù hiện không có số liệu thống kê cụ thể, song thống kê năm ngoái cũng cho thấy, có tới 22% lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực bất động sản. “Xét về bản chất, kiều hối cũng khá giống dòng vốn đầu tư nước ngoài, sẽ chọn những phân khúc có kỳ vọng lợi nhuận cao để đầu tư”, vị chuyên gia trên cho biết và dẫn chứng: bất động sản là lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI thứ hai trong 8 tháng đầu năm nay, chỉ xếp sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.
Không phủ nhận việc kiều hối đổ mạnh vào bất động sản cũng khiến cho thị trường này khởi sắc hơn, song nếu không được kiểm soát chặt, có thể tạo nên bong bóng giá tài sản.
Bởi vậy, bên cạnh những chính sách thu hút kiều hối như ổn định tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện mỗi trường đầu tư, kinh doanh…, Nhà nước nên có những chính sách cụ thể để hướng dòng kiều hối vào sản xuất kinh doanh, thay vì chảy vào những lĩnh vực đầu cơ như bất động sản, chứng khoán…
Đó là chưa kể, việc dòng kiều hối chảy vào quá mạnh sẽ khiến nguồn cung ngoại tệ dư thừa, và nếu không xử lý tốt có thể khiến nền kinh tế gặp phải những cú sốc như giai đoạn 2008 khi mà đầu tư nước ngoài chảy vào mạnh sau khi Việt Nam gia nhập WTO cũng gây ra những bất ổn cho thị trường ngoại hối, lạm phát trong nước.