Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực kế toán tại trường Đại học Công đoàn
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành Kế toán, trong những năm qua, nhiều trường đại học đã đưa ngành Kế toán vào chương trình đào tạo, gắn đào tạo số lượng với chất lượng đầu ra, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bài viết trao đổi về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực kế toán tại Trường Đại học Công đoàn, từ đó kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới.
Đào tạo ngành nghề kế toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, lĩnh vực kế toán của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bối cảnh mới đang tạo ra những cơ hội và thách thức cho lĩnh vực nhân sự ngành Kế toán. Kể từ năm 2017, theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kế toán là một trong 8 lĩnh vực, ngành nghề được di chuyển hoạt động tự do trong cộng đồng ASEAN. Cơ hội việc làm của nhân lực ngành Kế toán sẽ được mở rộng, cùng với đó là áp lực cạnh tranh với dòng nhân lực từ các quốc gia khác. Thực tế cho thấy, khả năng cạnh tranh của đội ngũ kế toán viên Việt Nam hiện nay chưa cao. Nhân sự ngành Kế toán có chứng chỉ theo đúng nghĩa và quy chuẩn quốc tế còn quá mỏng về số lượng và hạn chế về chất lượng...
Trong hoạt động của bất cứ DN hay các cơ quan, tổ chức, kế toán là bộ phận không thể thiếu, thị trường việc làm của nghề kế toán rất rộng lớn. Nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, trong những năm gần đây, các cơ sở đào tạo trong cả nước, trong đó có Trường Đại học Công đoàn đã đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành Kế toán. Theo mục tiêu đề ra, sinh viên kế toán sau khi tốt nghiệp sẽ được cung cấp kiến thức về khung pháp lý của kế toán kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế; các quy định về đạo đức nghề nghiệp của kế toán kiểm toán; kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các nghiệp vụ của kế toán, quản lý doanh thu theo sát các kế hoạch kinh doanh của DN.
Dựa trên nhu cầu của xã hội, các cơ sở đào tạo đã tăng thời lượng đào tạo các ngành học như: Nguyên lý kế toán, kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán thuế, kế toán máy, tổ chức hạch toán kế toán… gắn với việc kiến tập, thực tập tại các DN. Sau khi ra trường, sinh viên ngành Kế toán có thể đảm nhiệm các vị trí như kế toán viên, kế toán trưởng, trưởng phòng kế toán, giám đốc tài chính, kiểm soát viên, kiểm toán nội bộ, kiểm toán Nhà nước, thanh tra kinh tế, nhân viên thuế, chuyên viên tư vấn tài chính...
Kết quả khảo sát của tác giả dựa trên 200 sinh viên kế toán trong giai đoạn 2015-2018 cho thấy, trước những thay đổi liên tục xu hướng các ngành học khác nhau thì kế toán vẫn là ngành học mang tính ổn định cao, thu hút được nhiều sinh viên chọn học và gắn bó. Trong đó, tính đến năm 2018, tỷ lệ sinh viên chọn học ngành Kế toán của Trường Đại học Công đoàn tăng khoảng 25% mỗi năm. Nếu như trong năm 2015, Trường đã thu hút được 237 sinh viên đến năm 2018 đạt 356 sinh viên.
Kết quả khảo sát của tác giả cho thấy, số lượng sinh viên nữ lựa chọn học ngành Kế toán qua các năm vẫn chiếm tỷ trọng cao. Số sinh viên nữ chiếm tỷ lệ 93% trong khi sinh viên nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 7%... Tỷ lệ sinh viên học ngành Kế toán ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ khá lớn so với số sinh viên học ngành kế toán ở khu vực thành thị. Số sinh viên ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 77,02% còn sinh viên ở khu vực thành thị chỉ chiếm 22,98%. Tỷ lệ điều tra này khẳng định xu hướng lựa chọn học ngành Kế toán của sinh viên ở khu vực nông thôn là ngành phù hợp với khả năng, không đòi hỏi cao về trình độ tin học, ngoại ngữ, và quan trọng là dễ tìm được việc làm ngay khi ra trường bởi trong bất kỳ DN hay cơ quan nào đều cần phải có kế toán.
Ngoài ra, dựa trên kết quả khảo sát 200 sinh viên của tác giả tại Trường Đại học Công đoàn giai đoạn 2015-2018 về các nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sự lựa chọn ngành học của sinh viên kế toán cũng cho thấy, xét về mặt thống kê mô tả, nhóm nhân tố có ảnh hưởng ít nhất đến việc lựa chọn ngành học của sinh viên kế toán là nhân tố gia đình người thân; các mối quan hệ cộng đồng ngoài xã hội, nhân tố thông tin đại chúng. Trong khi đó, nhóm nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc lựa chọn ngành học của sinh viên kế toán bao gồm: Đặc điểm cá nhân người học; Đặc điểm về giới tính; Đặc điểm nghề nghiệp, nhu cầu thị trường, trường đại học, trong đó nhân tố đặc điểm cá nhân người học và giới tính là hai nhân tố giữ vai trò quan trọng quyết định đến việc lựa chọn ngành học của sinh viên hiện nay.
Một số khuyến nghị
Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán tại các cơ sở đào tạo đại học trong cả nước nói chung và Trường Đại học Công đoàn nói riêng nhằm đáp ứng hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tác giả có một số khuyến nghị sau:
Đối với Nhà trường
- Nâng cao công tác tư vấn, định hướng ngành học: Kết quả khảo sát cho thấy, có 90% sinh viên kế toán lựa chọn ngành học do có sự hứng thú say mê với ngành học lựa chọn, trong đó sinh viên học ngành Kế toán chủ yếu là nữ giới chiếm 90%, phần lớn do đặc thù ngành học kế toán, nữ giới có lợi thế hơn. Do vậy, Nhà trường cần giúp sinh viên tăng cường hơn nữa nhận thức về khả năng sở thích, phù hợp với năng lực bản thân và xã hội, khơi gợi sự hứng thú say mê với ngành học lựa chọn.
- Phát huy lợi thế về vị trí địa lý: Kết quả nghiên cứu cho thấy, đặc điểm cố định (vị trí địa lý) của Trường Đại học Công đoàn có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định chọn trường, chọn ngành học của sinh viên kế toán. Ban lãnh đạo Nhà trường cần quan tâm khai thác tối đa lợi thế của trường Đại học gần trung tâm Thủ đô với vị trí địa lý đẹp, thuận lợi cho việc đi lại và học tập của nguời học, tiết giảm chi phí trong quá trình học tập của sinh viên...
- Nâng cấp hệ thống website của nhà trường: Nhà trường nên mở thêm trang tư vấn tuyển sinh trực tuyến nhằm giải đáp về các thắc mắc của thí sinh thường hay gặp trong quá trình đăng ký lựa chọn ngành học.
- Tích cực quảng bá thương hiệu Nhà trường: Cùng với chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nhà nước đã cho thành lập, nâng cấp các trường dân lập hay trường có vốn nước ngoài ngày càng nhiều dẫn đến sự cạnh tranh khá gay gắt trên thị trường giáo dục. Do vậy, việc quảng bá thương hiệu trong giáo dục là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với Trường Đại học Công đoàn là yêu cầu cấp thiết hiện nay
- Xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp, đa dạng hoá các hình thức quảng bá, tư vấn tuyển sinh. Đội ngũ này hết sức đa dạng gồm những đối tượng như: Bộ phận chuyên trách làm công tác tuyển sinh; Bộ phận học sinh, sinh viên; Bộ phận các trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trung tâm dạy nghề... Công tác tư vấn phải mở rộng về qui mô, sâu về nội dung thông qua mạng lưới tư vấn qua báo đài, qua các trang điện tử, mạng xã hội website, facebook, zalo, messenger…
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc phục vụ dạy học: Nhà trường cần phải đầu tư đầu tư nâng cấp các phòng học, mua sắm những máy móc thiết bị phù hợp với chương trình đào tạo, phù hợp với máy móc thiết bị của các DN đang hoạt động. Nên xây dựng thư viện điện tử để sinh viên có thể tìm kiếm, tra cứu tài liệu dễ dàng...
- Nhà trường nên phối hợp chặt chẽ cùng với gia đình, người thân trong công tác hướng nghiệp, định hướng gợi ý hoặc cho các em được toàn quyết định lựa chọn ngành học yêu thích, phù hợp với năng lực bản thân. Nhà trường nên có một ngày hội tuyển sinh (open days) để giới thiệu cho phụ huynh cũng như các em về các ngành học, qui mô, hình thức đào tạo và triển vọng nghề nghiệp, đồng thời giải đáp các thắc mắc có liên quan trong quá trình tuyển sinh...
Đối với khoa Kế toán Trường Đại học Công đoàn
Tăng cường công tác quản lý việc dạy và học
- Nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề cho đội ngũ giảng viên, kể cả giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng.
- Xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của nhà sử dụng lao động. Chương trình đào tạo nên thiên về thực hành, để phải trang bị cho người học các kỹ năng làm việc hiệu quả.
- Gắn chặt nhiệm vụ của giảng viên ngoài giảng dạy phải thường xuyên nghiên cứu khoa học, đổi mới việc lựa chọn và đánh giá nghiệm thu các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học của sinh viên, đánh giá chất lượng chuyên đề, khóa luận của sinh viên năm cuối bởi nhiều sinh viên khi đi thực tập chỉ làm chiếu lệ cho qua hay đi “sao chép” lập báo cáo mà không được thực tập đúng nghĩa.
- Cải tiến đổi mới phương pháp dạy, đổi mới chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của nhà sử dụng lao động. Xây dựng chương trình sinh hoạt khoa học hàng tháng theo các chủ đề khác nhau để thường xuyên cập nhập các chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán, thông tư của Bộ Tài chính giúp các giảng viên nâng cao năng lực chuyên môn.
Kết quả khảo sát của tác giả dựa trên 200 sinh viên kế toán trong giai đoạn 2015-2018 cho thấy, trước những thay đổi liên tục xu hướng các ngành học khác nhau thì kế toán vẫn là ngành học mang tính ổn định cao, thu hút được nhiều sinh viên chọn học và gắn bó. Trong đó, tính đến năm 2018, tỷ lệ sinh viên chọn học ngành Kế toán của Trường Đại học Công đoàn tăng khoảng 25% mỗi năm.
- Vận dụng phòng kế toán ảo đã được nhà trường trang bị, vào trong công tác giảng dạy các học phần kế toán sao cho hiệu quả. Tổ chức cho sinh viên các khóa viết đề án, báo cáo tốt nghiệp, khóa luận được thực tập ngay trên phòng kế toán ảo, qua đó giúp sinh viên rèn luyện về nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng bản lĩnh nghề nghiệp, nắm chắc những quy định của pháp luật về tài chính kế toán, thuế, công cụ phần mềm kế toán...
Tăng cường quan hệ với các DN sử dụng lao động, nhà tuyển dụng
- Chủ động liên kết, phối hợp chặt chẽ với các nhà tuyển dụng, các DN sử dụng lao động để họ cùng tham gia tuyển sinh; tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tham gia đánh giá kết quả học tập của sinh viên và điều quan trọng là các DN, các nhà tuyển dụng sẵn sàng tiếp nhận những sinh viên sau khi tốt nghiệp từ Trường Đại học Công đoàn vào làm việc.
- Xây dựng và triển khai thêm nhiều mô hình “Quan sát thực địa và hỗ trợ DN”, các chương trình “Office tour” cho sinh viên với sự hỗ trợ của các giảng viên trong khoa Kế toán, bởi chính các giảng viên là những người có mối quan hệ rất rộng với các DN bên ngoài.
Đối với học sinh
- Tích cực tìm hiểu những thông tin về ngành học, về nhu cầu thị trường lao động của xã hội để có một nền tảng kiến thức vững chắc làm cơ sở cho sự lựa chọn ngành học phù hợp, tránh được những sai lầm trong quá trình chọn ngành.
- Chủ động động tìm hiểu ngành mình học thông qua các hình thức như: Qua các phương tiện truyền thông, tham dự các giờ học hướng nghiệp, website của các trường có đào tạo ngành học kế toán, để từ đó hiểu rõ hơn về ngành mình theo học.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Huy Cường (2009), Các yếu tố tác động đến định hướng nghề nghiệp của sinh viên năm cuối ngành Khoa học Xã hội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn;
2. Đỗ Thị Ngọc Thu “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến việc chọn trường, chọn ngành học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”;
3. Nguyễn Thị Bích Vân, Nguyễn Thị Thu Vân, Lưu Chí Danh , Đại học Văn Lang “Những nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn học ngành kế toán ở Việt Nam” , Tạp chí Kinh tế & Phát triển số 240 (II);
4. Ruth E. Kallio (1995), Factors influencing the college choice decisions ofgraduate students. Research in Higher Education, Vol. 36, No. 1;
5. Michael Borchert, December (2002), Career choice factors of high school students, University of Wisconsin-Stout, USA.