Nâng cao chất lượng đầu tư: Chìa khóa thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam

Thùy Linh

Cải thiện trình độ của nhà đầu tư từ đó thúc đẩy nâng cao tiêu chuẩn quản trị công ty và minh bạch thông tin sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới. Đây là bước tiến quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030.

Việc nâng cao chất lượng đầu tư đang trở thành một yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.
Việc nâng cao chất lượng đầu tư đang trở thành một yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

Nhiều tiềm năng

Hiện nay, số lượng nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam không ngừng tăng, đạt 8,7 triệu tài khoản vào tháng 8/2024, chiếm 8,7% dân số (với tốc độ tăng gấp 4 lần kể từ năm 2019). Tỷ lệ này ở Mỹ là 55%; ở Anh là 33%, ở Nhật Bản là 30% và ở Hàn Quốc là 18%. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước. 

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang có nhiều biến động, việc nâng cao chất lượng đầu tư đang trở thành một yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán. Không chỉ dừng lại ở việc mở rộng quy mô hay thu hút dòng vốn đầu tư, thị trường cần phải tạo ra một nền tảng vững chắc về mặt chất lượng.

Điều này bao gồm việc cải thiện trình độ của các nhà đầu tư, nâng cao tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy minh bạch thông tin. Những yếu tố này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp nó không chỉ trở thành kênh huy động vốn hiệu quả mà còn tạo nên một sân chơi công bằng và minh bạch cho tất cả các thành phần tham gia.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao chất lượng đầu tư không chỉ giúp cải thiện hiệu quả đầu tư mà còn tạo nên sự ổn định cho thị trường. Khi các nhà đầu tư có đủ kiến thức, kỹ năng và thông tin, họ sẽ có khả năng ra quyết định đầu tư hợp lý hơn, giảm thiểu rủi ro và góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường.

Theo ông Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo SSI, qua mỗi giai đoạn mà thị trường tăng trưởng nóng và sau đó điều chỉnh trở lại, có thể thấy chất lượng đầu tư có sự phát triển nhất định và các thành viên thị trường cũng có các chính sách thúc đẩy sự phát triển ấy. Về phía cơ quan quản lý, Luật Chứng khoán đã được xây dựng và sửa đổi để có một cơ sở pháp lý tốt hơn. Hay như việc các công ty chứng khoán đã dần dần cung cấp các dịch vụ có báo cáo phân tích để khi nhà đầu tư đầu tư cổ phiếu có các nội dung tốt hơn. Có thể khẳng định, các thành viên thị trường trong hơn 20 năm vừa qua đã đóng góp rất nhiều trong quá trình đào tạo nhà đầu tư. 

Khi các nhà đầu tư có đủ kiến thức, kỹ năng và thông tin, họ sẽ có khả năng ra quyết định đầu tư hợp lý hơn.
Khi các nhà đầu tư có đủ kiến thức, kỹ năng và thông tin, họ sẽ có khả năng ra quyết định đầu tư hợp lý hơn.

Từng bước nâng cao chất lượng

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ theo Chiến lược phát triển đến năm 2030 với mục tiêu sớm nâng hạng thị trường, việc nâng cao chất lượng đầu tư đóng vai trò quan trọng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhà đầu tư mà còn là một động lực quan trọng để cải thiện mặt bằng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư thường đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến biến động giá, thông tin sai lệch, hay gian lận tài chính. Việc nâng cao chất lượng đầu tư, bao gồm việc trang bị kiến thức, kỹ năng phân tích và đọc hiểu báo cáo tài chính, giúp nhà đầu tư ra quyết định chính xác hơn. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của họ mà còn làm giảm thiểu các rủi ro hệ thống, góp phần vào sự ổn định của thị trường.

Cùng với đó, ông Phạm lưu Hưng cũng cho rằng, đối với trường chứng khoán, yếu tố đầu tư hay yếu tố đầu cơ đều là nhân tố cần có. Việc lựa chọn phương pháp đầu tư tùy thuộc vào “khẩu vị” rủi ro của mỗi người. Quan trọng là nhà đầu tư cần biết được họ đang làm gì. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đang chiếm phần lớn, có thời điểm lên đến trên 90%. Điều này dẫn đến mức độ biến động khá cao so với các nước khác khi tư duy đầu cơ vẫn còn tồn tại nhiều. Cơ quan quản lý và các thành viên trên thị trường đang đưa ra giải pháp để phát triển bền vững theo hướng tăng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân cần có tầm nhìn dài hạn hơn trong việc đầu tư vào trường chứng khoán.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, khi chất lượng đầu tư được nâng cao, áp lực từ các nhà đầu tư thông thái sẽ buộc các doanh nghiệp phải cải thiện quản trị và minh bạch hóa thông tin. Nhà đầu tư sẽ yêu cầu các công ty niêm yết tuân thủ các chuẩn mực cao hơn về công bố thông tin, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch trên toàn thị trường.

Đặc biệt, một trong những mục tiêu chiến lược của Việt Nam là nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi. Để đạt được điều này, thị trường cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao về minh bạch, quản trị và chất lượng đầu tư. Nâng cao mặt bằng chung về chất lượng đầu tư là yếu tố quan trọng để đạt được các tiêu chí mà các tổ chức quốc tế như MSCI hay FTSE Russell yêu cầu.

 

Đưa ra khuyến nghị với các nhà đầu tư, ông Phạm Lưu Hưng cho rằng: “Đầu tư chứng khoán không có lối tắt, chúng ta phải kiên nhẫn và học hỏi. Ví dụ như trong việc chạy marathon, những bước đi đầu tiên tương tự như việc học lý thuyết: chỉ cần nhấc chân lên và chạm đất, không có gì quá phức tạp về mặt kiến thức. Nhưng dần dần chúng ta phải tích lũy kinh nghiệm từng ngày, kiểm soát được bước chân và từng nhịp thở của mình, qua đó dần dần cải thiện được quãng đường chạy xa hơn. Với thị trường chứng khoán cũng vậy, chúng ta cần kiến thức, trải nghiệm và cả những thất bại để tiến bộ. Nếu có thể học từ thất bại của người khác, chúng ta sẽ tránh được những sai lầm và giảm thiểu rủi ro, đỡ phải trả giá bằng chính tiền của mình”.