Nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới phát triển du lịch bền vững tỉnh Ninh Bình
Du lịch Ninh Bình đang ngày càng phát triển không ngừng góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh cũng như đóng góp lớn vào phát triển du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch Ninh Bình hướng tới bền vững góp phần nâng cao lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống người dân địa phương. Bài viết này tập trung phân tích những tồn tại của du lịch Ninh Bình, đặc biệt là chất lượng trải nghiệm của khách du lịch còn hạn chế. Từ đó, bài viết chỉ rõ nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch phải được xác định là một trong những giải pháp chủ đạo cho phát triển bền vững du lịch Ninh Bình.

Đặt vấn đề
Ninh Bình được xem là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa có giá trị được ghi nhận ở trong nước và quốc tế, được hình thành trên cơ sở đa dạng của điều kiện tự nhiên, kết tinh với quá trình xây dựng, phát triển lãnh thổ.
Các giá trị tiềm năng du lịch Ninh Bình đã và đang được khai thác khá hiệu quả, tỉnh Ninh Bình đã đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển của địa phương. Đến nay, hình ảnh du lịch Ninh Bình đã lọt top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Để đạt được kết quả quan trọng này, các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Ninh Bình.
Bài viết này sử dụng phương pháp thu thập số liệu thứ cấp từ các bài viết, trang tin điện tử, các sở ban ngành liên quan, số liệu từ cục thống kê… và phương pháp phân tích thống kê như đồ thị, so sánh... để phân tích, làm rõ những tồn tại hiện nay của du lịch tỉnh Ninh Bình. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình một cách bền vững hướng đến nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Cơ sở lý thuyết
Khái niệm phát triển bền vững và du lịch bền vững
Năm 1987, vấn đề phát triển bền vững được Ngân hàng Thế giới (WB) đề cập lần đầu tiên, theo đó phát triển bền vững là "... Sự phát triển đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà không làm nguy hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai". Quan niệm đầu tiên về phát triển bền vững của WB chủ yếu nhấn mạnh đến khía cạnh sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường sống của con người trong quá trình phát triển của con người chưa thấy được vấn đề xã hội được đề cập đến.
Ngày nay, quan điểm về phát triển bền vững được đề cập một cách đầy đủ hơn, bên cạnh yếu tố môi trường và tài nguyên thiên nhiên thì yếu tố môi trường xã hội được đặt ra với một ý nghĩa cũng vô cùng quan trọng trong vấn đề phát triển bền vững. Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tổ chức Johannesbug (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định: Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: tăng trưởng về mặt kinh tế, cải thiện các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường sống. Cùng với đó tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự bền vững về mặt kinh tế, bền vững về mặt xã hội và bền vững về mặt môi trường.
Du lịch bền vững là khái niệm mới xuất hiện trên cơ sở cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện khái niệm du lịch của những năm 1990 và thực sự được mọi người quan tâm trong những năm gần đây. Hội đồng du lịch và lữ hành quốc tế (WTTC) cho rằng: Du lịch bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn đảm bảo những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai. Khái niệm này chỉ ra rằng, mọi hoạt động du lịch ở hiện tại không được xâm phạm đến lợi ích của thế hệ tương lai và phải luôn tôn trọng đảm bảo duy trì hoạt động ấy một cách liên tục và lâu dài.
Theo định nghĩa của tổ chức Du lịch thế giới (WTO) đưa ra tại hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janerio năm 1992: "Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng về sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người". Trong định nghĩa mới này thì du lịch đã được hiểu một cách đầy đủ hơn nó được xem xét trên cả ba lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.
Năm 1996, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đưa ra khái niệm: “Du lịch bền vững là sự đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch mai sau”.
Du lịch bền vững đòi hỏi các cấp và đơn vị kinh doanh du lịch quản lý tất cả các dạng tài nguyên du lịch theo một cách nào đó để một mặt đáp ứng được các nhu cầu kinh tế, xã hội và thẩm mỹ, mặt khác vẫn duy trì được bản sắc văn hoá, các quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái đảm bảo sự sống.
Đây là một trong những điểm đặc trưng của phát triển du lịch bền vững, thể hiện sự khác biệt với phát triển du lịch không bền vững. Phát triển du lịch bền vững không đặt ra mục tiêu tối đa hóa tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, đánh đổi sự ổn định và công bằng xã hội, đánh đổi tài nguyên, môi trường để lấy tốc độ tăng trưởng cao, mà duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định, phù hợp với điều kiện và an toàn nguồn lực. Nguồn lực tài nguyên du lịch, bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, không bị khai thác quá mức đến cạn kiệt hoặc phải đối mặt với nguy cơ suy giảm, xuống cấp để phục vụ mục tiêu tăng trưởng và thu lợi ích ngắn hạn. Việc khai thác nguồn khách du lịch cũng không bị áp lực phải tối đa hóa để phục vụ mục tiêu lợi nhuận mà có sự kiểm soát để tránh vượt quá sức tải của tài nguyên, môi trường và đảm bảo chất lượng phục vụ.
Khái niệm về trải nghiệm khách hàng
Theo Neslin & cộng sự (2006), với cách tiếp cận toàn diện về trải nghiệm khách hàng thì trải nghiệm khách hàng không chỉ được tạo ra tại thời điểm khách hàng tương tác tại cửa hàng mà trải nghiệm còn được tạo ra trong suốt một khoảng thời gian từ khi khách hàng tìm kiếm thông tin, mua sản phẩm, tiêu dùng sản phẩm và sau khi mua sản phẩm đó, điều này có nghĩa là trải nghiệm khách hàng sẽ tốt khi trải nghiệm của họ trong từng giai đoạn tốt.
Theo Lemon & Verhoef (2016), trải nghiệm khách hàng là kết quả của sự tương tác giữa khách hàng với doanh nghiệp, bao gồm nhận thức, cảm xúc, hành vi, giác quan và xã hội của khách hàng trong suốt hành trình mua hàng. Như vậy, trải nghiệm khách hàng được hiểu là trạng thái cảm xúc của khách hàng khi tương tác với doanh nghiệp
Trải nghiệm của khách hàng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các ngành nói chung và của ngành du lịch nói riêng. Trải nghiệm khách hàng với dịch vụ du lịch có thể bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, tùy thuộc vào loại hình du lịch và đặc điểm cụ thể của từng chuyến đi. Những trải nghiệm này bao gồm: Dịch vụ đặt vé, dịch vụ khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, hoạt động du lịch, dịch vụ di chuyển, giá, dịch vụ hỗ trợ khách hàng… Do đó, nếu thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng trải nghiệm sẽ ảnh hưởng tích cực đến mức độ hài lòng khách hàng. Ngoài ra, trải nghiệm sẽ làm gia tăng mức độ gắn bó của khách hàng và là nguồn thông tin hiệu quả của doanh nghiệp trong việc thu hút khách hàng tiềm năng. Trải nghiệm khách hàng mang tính thực tiễn cao, giúp doanh nghiệp tạo nên lợi thế cạnh tranh vượt trội, vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã thực sự nhận thấy vai trò của việc triển khai quản trị trải nghiệm khách hàng như một ưu tiên chiến lược hàng đầu trong thời gian tới.
Định hướng phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam
Đối với Việt Nam, “phát triển bền vững” được thể hiện trong Chỉ thị 36/CT của Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 25/06/1998: Mục tiêu và các quan điểm cơ bản cho phát triển bền vững chủ yếu dựa vào hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên như một cấu thành không thể tách rời của phát triển bền vững.
Theo quan điểm của Tổng cục Du lịch Việt Nam, phát triển du lịch phải được định hướng và quản lý theo phương châm: Kết hợp hài hoà nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ sản xuất và tiêu dùng du lịch, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên du lịch tự nhiên, chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của tài nguyên du lịch nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tránh hiện đại hoá hoặc làm biến dạng môi trường, cảnh quan di tích, xây dựng và giữ gìn môi trường xã hội lành mạnh, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là ở các đô thị du lịch và các điểm tham quan du lịch.
Theo Điều 5, Luật Du lịch Việt Nam: “Phát triển du lịch bền vững, theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo hài hoà giữa kinh tế - xã hội – môi trường, phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hoá – lịch sử, du lịch sinh thái, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh; bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, lợi ích chính đáng và an ninh, an toàn cho khách du lịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch…”.
Như vậy, có thể nói đối với cả Việt Nam và thế giới, du lịch bền vững không phải là một loại hình hay trào lưu du lịch mà đó là cương lĩnh phát triển du lịch của thời đại.
Trải nghiệm khách hàng đối với du lịch Ninh Bình
Vài nét về du lịch Ninh Bình
Ninh Bình là một tỉnh có diện tích không lớn, nhưng lại là nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc bậc nhất, với nhiều địa danh nổi tiếng trong cả nước như quần thể danh thắng Tràng An, vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối nước khoáng nóng Kênh Gà, nhà thờ đá Phát Diệm… Đây là những điểm tài nguyên du lịch rất độc đáo và có giá trị cao. Vì vậy du lịch Ninh Bình cần phải chú trọng phát triển một cách bền vững; bên cạnh việc khai thác tốt tiềm năng của các tài nguyên du lịch này còn cần phải quan tâm bảo tồn, tôn tạo các tài nguyên đó.
Năm 2021, toàn tỉnh đón 1.325.000 lượt khách, đạt 50,47% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: khách nội địa là 1.305.500 lượt khách; khách quốc tế là 19.500 lượt khách. Trong năm 2022, toàn tỉnh đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách nội địa đón hơn 3,6 triệu lượt khách, khách quốc tế đón hơn 50 nghìn lượt khách. Tính đến 6 tháng năm 2023, toàn tỉnh ước đón 4,5 triệu lượt khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách nội địa đón 4,3 triệu lượt khách, khách quốc tế đón 220 nghìn lượt khách.
Về cơ sở vật chất: Sự phát triển của các cơ sở lưu trú du lịch còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch nên chất lượng kinh doanh dịch vụ lưu trú chưa cao, chưa phù hợp với xu thế phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, trong tỉnh vẫn còn thiếu những cơ sở lưu trú du lịch từ 3 - 5 sao. Sự phân bố các cơ sở lưu trú ở Ninh Bình tập trung chủ yếu ở thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn... Đây là những khu vực có tiềm năng và hoạt động du lịch tương đối phát triển. Nhìn chung, cơ sở lưu trú trên địa bàn còn có quy mô nhỏ, dịch vụ bổ sung và chất lượng lượng phục vụ còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và đa dạng.
Hiện nay, Ninh Bình mới có 4 khách sạn từ 3 - 4 sao (1 khách sạn 3 sao và 3 khách sạn 4 sao), với tổng số 326 buồng (trong đó khách sạn Hoàng Sơn 4 sao có 137 buồng; khách sạn Legend 4 sao có 108 buồng; và khách sạn Yến Nhi 3 sao có 81 buồng); 27 khách sạn 2 sao với tổng số 972 buồng; 14 khách sạn 1 sao với tổng số 260 buồng. Tổng số khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 5 sao chiếm 12,1% trong tổng số cơ sở lưu trú du lịch và 27,1% trong tổng số buồng phục vụ khách du lịch của tỉnh.
Trên địa bàn toàn Tỉnh chưa có khu vui chơi giải trí đích thực nào có thể phục vụ được nhu cầu giải trí cho khách du lịch, nhất là vào buổi tối. Ở các khách sạn lớn (3 - 4 sao), những dịch vụ bổ sung thường chỉ bao gồm: massage, tennis, bể bơi, phòng karaoke... Gần đây, tỉnh Ninh Bình cũng đã chú trọng quy hoạch một số khu vui chơi giải trí, nhưng các dự án này tập trung chủ yếu ở thành phố Ninh Bình, ở nơi khác chưa có các cơ sở vui chơi giải trí. Sự hạn chế về các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, một mặt đã không kích thích được khả năng chi tiêu của khách, mặt khác đã hạn chế thời gian lưu trú của họ, hạn chế khả năng thu hút khách du lịch đến với tỉnh Ninh Bình. Đây là một trong những nguyên nhân khách du lịch lưu trú ở Ninh Bình ngắn ngày, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế.
Về nguồn nhân lực: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng 19.420 lao động (trong đó có 5.350 lao động trực tiếp) đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh. Lực lượng lao động chủ yếu làm việc ở các cơ sở lưu trú và ăn uống (lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp), và tại các khu vực vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ bổ sung khác. Trong thời gian qua, du lịch Ninh Bình phát triển tương đối nhanh, nhiều cơ sở dịch vụ du lịch được đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng có quy mô nhỏ được đưa vào sử dụng, kéo theo nguồn nhân lực du lịch cũng phát triển nhanh, chưa được đào tạo một cách chính quy, chuyên nghiệp. Trình độ nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, khả năng ứng xử của đội ngũ nhân viên du lịch nhìn chung còn yếu; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Trình độ quản lý, cũng như chuyên môn nghiệp vụ của nguồn nhân lực du lịch hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ..
Đánh giá trải nghiệm của khách du lịch
Nhằm đánh giá ảnh hưởng của trải nghiệm tới phát triển bền vững du lịch tỉnh Ninh Bình, dữ liệu nghiên cứu thu thập bằng cách tiến hành khảo sát 200 khách hàng đã từng tham gia du lịch tại Ninh Bình. Thời gian khảo sát được nhóm tác giả tiến hành từ tháng 12 năm 2023. Phiếu khảo sát được thiết kế sẵn sử dụng thang đo Likert 1 – 5 với 1 – rất không hài lòng, 2 - không hài lòng, 3 – bình thường, 4 – hài lòng, 5 – rất hài lòng.
Hình 1: Đánh giá trải nghiệm của khách du lịch

Hình 1 cho thấy, Khách hàng đánh giá rất cao về sự hấp dẫn của các điểm đến du lịch ở Ninh Bình. Ninh Bình với 3/4 diện tích là đồi núi, hệ động thực vật phong phú đã hình thành nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn khách du lịch. Ninh Bình đã thực sự trở thành điểm đến thân thiện, chất lượng và an toàn đối với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, qua khảo sát về sự hài lòng của khách hàng thì sản phẩm du lịch được đánh giá mức độ hài lòng thấp nhất. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao, chưa tạo được thương hiệu…, nên sức hấp dẫn khách du lịch còn thấp, thiếu sức hút để giữ chân du khách ở lại lâu hơn với Ninh Bình; Về cơ sở vật chất qua trải nghiệm của khách hàng đánh giá cũng chưa cao, Ninh Bình chưa xây dựng được các tuyến, điểm du lịch hoàn chỉnh mang tính độc đáo, đặc thù riêng; còn thiếu các khách sạn cao cấp, thiếu các dịch vụ bổ sung và các trung tâm vui chơi giải trí, các khu mua sắm, chợ đêm, phố đi bộ nội thị…; thiếu các doanh nghiệp có thương hiệu du lịch quốc gia và quốc tế. Khách du lịch chủ yếu tập trung vào các dịch vụ lưu trú, ăn uống và vận chuyển khách. Dịch vụ lữ hành, hướng dẫn đưa các đoàn đi tham quan danh lam thắng cảnh, lễ chùa, thăm hang động... được đánh giá hài lòng, tuy nhiên lực lượng lao động này còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu du lịch.
Ngoài ra, môi trường kinh doanh du lịch, môi trường văn hóa - xã hội trong du lịch còn nhiều hạn chế. Các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nhiều khi còn cạnh tranh không lành mạnh, chưa niêm yết giá các sản phẩm và dịch vụ du lịch, giá cả chưa phù hợp với chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm thỏa đáng tạo ra tác động tiêu cực đến chất lượng trải nghiệm của khách du lịch.
Một số đề xuất phát triển du lịch Ninh Bình
theo định hướng du lịch bền vững
Để xây dựng thành công thị trường du lịch và phát triển du lịch Ninh Bình theo hướng bền vững, mang lại nguồn thu ổn định lâu dài đòi hỏi các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình cũng như các doanh nghiệp du lịch Ninh Bình cần phải quan tâm đến việc nâng cao trải nghiệm của khách du lịch đi đôi với bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch. Nâng cao trải nghiệm khách hàng là hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch Ninh Bình nói riêng. Nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng sẽ giúp tăng trưởng du lịch và đảm bảo định hướng bền vững.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 nhấn mạnh: Phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước; phát huy lợi thế, huy động mọi nguồn lực, ban hành các cơ chế, chính sách và hoàn chỉnh các quy hoạch để du lịch phát triển bền vững. Xác định rõ mục tiêu hướng tới phát triển du lịch bền vững, trong thời gian vừa qua, tỉnh Ninh Bình đã tích cực đầu tư, phát triển du lịch toàn diện. Cùng với việc ban hành các cơ chế quản lý, cải cách hành chính, thu hút đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thì các sản phẩm du lịch đang được quan tâm mở rộng theo hướng đa dạng; các tuyến, điểm du lịch được nâng lên về chất lượng. Trên cơ sở đó, một số giải pháp đề xuất cho phát triển du lịch Ninh Bình cụ thể:
Một là, tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, Ninh Bình cần tăng cường liên kết trong xúc tiến, quảng bá chương trình giới thiệu về du lịch Ninh Bình; tổ chức giới thiệu các cơ hội, các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch; giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch, các điểm đến du lịch ở địa phương.
Hai là, huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch. Ninh Bình cần quan tâm thu hút các nguồn vốn từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (cả trung ương và địa phương) theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau, đặc biệt có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn đầu tư dưới dạng liên doanh liên kết trong nước và quốc tế đầu tư vào các dự án lớn, cần nhiều vốn; tranh thủ thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển du lịch đối với các dự án nhỏ, cần ít vốn.
Ba là, đầu tư phát triển cơ sở vật chất du lịch Ninh Bình. Đầu tư phát triển du lịch là hướng đầu tư có hiệu quả không những về mặt kinh tế mà còn về mặt môi trường và xã hội. Đối với tỉnh Ninh Bình, việc đầu tư phát triển du lịch cần có trọng điểm, chú trọng đối với những khu vực có khả năng phát triển các sản phẩm đặc thù, có sức cạnh tranh, tạo nên thương hiệu cho du lịch Ninh Bình. Hoạt động đầu tư phát triển du lịch cần tập trung vào đầu tư xây dựng đồng bộ các khu du lịch trọng điểm, đầu tư phát triển hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch chất lượng cao, đầu tư phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí, thể thao; các dịch vụ bổ trợ khác.
Bốn là, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch Ninh Bình. Hướng tới phát triển du lịch bền vững, du lịch Ninh Bình rất cần có một nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động, đủ năng lực. Do vậy, Ninh Bình cần phải có những chính sách phù hợp: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn. Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch (ở các khu du lịch, khách sạn, công ty lữ hành…), có chính sách ưu tiên và lựa chọn những cán bộ có nhiều sáng kiến phát minh, có năng lực trong lĩnh vực quản lý kinh doanh du lịch… đi đào tạo ở các địa phương có ngành du lịch phát triển (kể cả ở nước ngoài).
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi, chú trọng đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, trọng dụng và tôn vinh nhân tài. Đầu tư cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đầu tư để xây dựng một chương trình đào tạo toàn diện và đồng bộ từ cán bộ quản lý đến đội ngũ nhân viên phục vụ có chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu hiện nay là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của du lịch ở Ninh Bình.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2005), Luật Du lịch, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UNWTO (2013), “Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững”, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, Ninh Bình;
- Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình (2022), Báo cáo tổng kết công tác du lịch năm 2022, Ninh Bình;
- UBND tỉnh Ninh Bình (2015), Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đếnnăm 2020;
- UBND tỉnh Ninh Bình(2019), Quy hoạch du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020 – 2025;
- Hens L. (1998), Tourism and Environment, M.Sc. Course, Free University of Brussel, Belgium;
- Pine, J., & Gilmore, J. (1998), Welcome to the experience economy, Harvard Business Review, 98: 97-105;