Nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên ngành kế toán
Thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại sự bất cập là khi nhiều sinh viên ra trường rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm, trình độ chuyên môn, kỹ năng không đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc làm việc không đúng chuyên môn. Các cơ sở giáo dục đào tạo đang tìm biện pháp tháo gỡ tình trạng nêu trên. Nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên nói chung và sinh viên ngành kế toán nói riêng là một trong những giải pháp quan trọng để giúp sinh viên có thể hòa nhập tốt hơn khi tiếp cận với môi trường công việc.
Thực trạng chất lượng thực tập của sinh viên ngành kế toán
Thực tập tốt nghiệp là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo của các trường chuyên nghiệp nói chung và các trường đại học khối ngành kinh tế nói riêng. Trong chương trình đào tạo ngành Kế toán của Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên, sinh viên trải qua 2 kỳ thực tập: Kỳ thực tập thứ nhất được bố trí vào cuối năm học thứ 3; kỳ thực tập thứ hai sau khi sinh viên đã học xong các môn học trong chương trình đào tạo.
Kỳ thực tập có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả 3 đối tượng là nhà trường, sinh viên và đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập. Hoạt động này giúp sinh viên củng cố và bổ sung thêm những kiến thức lý thuyết đã học trên lớp, nâng cao kỹ năng giải quyết các vấn đề trong thực tế, bồi dưỡng cho sinh viên lòng yêu nghề, năng lực công tác thực tế để họ nhạy bén và năng động hơn trong quá trình xử lý công việc thực tế sau này. Bên cạnh đó, hoạt động thực tập của sinh viên còn giúp xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa nhà trường và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn theo phương châm "đào tạo những gì xã hội cần".
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chất lượng thực tập của sinh viên các trường đại học ở Việt Nam nói chung và sinh viên ngành Kế toán của Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên là không cao, còn nhiều vấn đề bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Về địa điểm thực tập:
- Hiện nay, nhiều cơ quan, DN (gọi tắt là các đơn vị) không hào hứng với việc tiếp nhận sinh viên thực tập vì một số nguyên nhân sau:
- Khi tiếp nhận thực tập sinh, các đơn vị phải cử người hướng dẫn thực tập, điều này khiến công việc bị cản trở trong một thời gian.
- Các đơn vị chưa thấy trách nhiệm xã hội của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho bản thân đơn vị mình và cho nền kinh tế.
- Tồn tại tâm lý không coi trọng khả năng của sinh viên thực tập.
- Thực tập sinh ở vị trí như kế toán bị e ngại sẽ tiếp xúc được với những thông tin cần bảo mật của đơn vị.
Theo Báo cáo kết quả rà soát số lượng DN năm 2018 của Tổng cục Thống kê, cho thấy DN nhà nước hiện chỉ chiếm 1% tổng số DN thực tế đang hoạt động; DN ngoài nhà nước chiếm 96,5%, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 2,5%. Điều này lý giải lý do đa số sinh viên Việt Nam thực tập trong các công ty cổ phần, công ty TNHH, DN tư nhân, rất ít sinh viên thực tập trong các DN nhà nước.
Tương tự, theo số liệu điều tra hơn 300 sinh viên chuyên ngành Kế toán của trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên do nhóm tác giả thực hiện vào tháng 7/2018, có 27% sinh viên thực tập tại công ty TNHH, 47% sinh viên thực tập tại công ty cổ phần, 1% sinh viên thực tập tại công ty hợp danh, công ty có vốn đầu tư nước ngoài là 2%, DN tư nhân là 19%, cơ quan quản lý nhà nước 2% và cơ quan khác 2%.
Về thời gian thực tập:
Về phía sinh viên, do chưa nhận thức được tầm quan trọng của quá trình thực tập nên đa số sinh viên chỉ đến xin số liệu phục vụ cho việc thực tập, chứ không dành thời gian làm thực tế. Với sinh viên, quan trọng là điểm số nhận được sau kỳ thực tập, tuy nhiên điểm số không thể hiện hết được chất lượng thực tập. Đây là một vấn đề đáng quan tâm và cần được khắc phục.
Về tính trung thực của báo cáo thực tập:
Một vấn đề đáng bàn là nạn sao chép báo cáo tốt nghiệp (khóa luận tốt nghiệp) hiện nay ở mức độ khá phổ biến. Các số liệu trong báo cáo thực tập của sinh viên một phần do đơn vị cung cấp, một phần do sinh viên bổ sung thêm để dễ dàng hơn cho việc phân tích số liệu.
Về tính tích cực, chủ động của sinh viên trong quá trình thực tập:
Tính chủ động của sinh viên được đánh giá là yếu tố khá quan trọng quyết định đến chất lượng thực tập. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, hầu hết các sinh viên lại chưa thực sự chủ động trong thực tập, đặc biệt là trong việc tiếp cận với đơn vị thực tập dẫn đến chất lượng thực tập không cao.
Trong quá trình thực tập tại đơn vị, việc sinh viên có được tham gia vào hoạt động trong phòng kế toán hay không phụ thuộc một phần vào sự chủ động của sinh viên. Tuy nhiên, số liệu điều tra cho thấy, một bất cập là số sinh viên được trực tiếp làm việc cùng nhân viên kế toán trong đơn vị bằng với số sinh viên chỉ ngồi nhà và tạo ra số liệu thực tập. Còn lại đa số sinh viên không được tin tưởng giao việc mà chỉ được đưa sổ sách kế toán sau đó ghi chép để phục vụ cho việc làm báo cáo.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, một số nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng thực tập của sinh viên ngành Kế toán như:
- Các yếu tố thuộc về sinh viên:
Theo số liệu điều tra hơn 300 sinh viên chuyên ngành Kế toán của trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên do nhóm tác giả thực hiện vào tháng 7/2018, có 27% sinh viên thực tập tại công ty TNHH, 47% sinh viên thực tập tại công ty cổ phần, 1% sinh viên thực tập tại công ty hợp danh, công ty có vốn đầu tư nước ngoài là 2%, DN tư nhân là 19%, cơ quan quản lý nhà nước 2% và cơ quan khác 2%.
Hạn chế lớn nhất của sinh viên trong quá trình thực tập là ít được làm quen với những công việc liên quan đến chuyên ngành học. Việc tìm hiểu, nghiên cứu các hoạt động thực tiễn của cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường, sinh viên toàn trường nói chung và sinh viên khoa Kế toán nói riêng hầu như chưa chú ý vào việc nâng cao các kỹ năng mềm. Do vậy, sinh viên chưa nắm được các phương pháp tiếp cận và giải quyết các vấn đề thuộc chuyên ngành đào tạo, chưa rèn luyện được tác phong, phương pháp công tác, quan điểm và ý thức của một người làm kế toán sau này.
- Các yếu tố thuộc về cơ sở thực tập:
Các đơn vị nhận sinh viên thực tập chủ yếu là để giải quyết mối quan hệ xã hội, vì vậy, dẫn đến thiếu trách nhiệm trong tạo điều kiện và quản lý sinh viên thực tập. Nguyên nhân của vấn đề này là do sự liên hệ thiếu chặt chẽ giữa nhà trường, khoa và các đơn vị nhận sinh viên thực tập. Ngoài ra, còn nguyên nhân khác là do họ rất bận với công việc, sợ xảy ra hư hỏng máy móc thiết bị khi sinh việc sử dụng hoặc là sợ lộ các bí mật kinh doanh...
- Các yếu tố thuộc về nhà trường: Bằng việc thiết kế kế hoạch thực tập, nhà trường đã giúp sinh viên sớm định hình rõ được mục tiêu, nhiệm vụ đối với bản thân trong suốt quá trình thực tập. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, khoa với các cơ sở thực tập trong việc quản lý và đánh giá kết quả thực tập nên phần nào giảm đi sự ràng buộc về trách nhiệm của cơ sở trong việc hướng dẫn sinh viên thực tập. Mặt khác, cách đánh giá kết quả thực tập của nhà trường, khoa đối với sinh viên thông qua điểm báo cáo và chuyên đề thực tập tốt nghiệp chưa có tính thúc đẩy sinh viên tìm hiểu về công việc ở đơn vị. Khi nghiên cứu các yếu tố thuộc về nhà trường đối với sinh viên, kết quả thu được biểu hiện qua Hình 4.
Thuận lợi và khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả chương trình thực tập tốt nghiệp
Để nâng cao hiệu quả chương trình thực tập tốt nghiệp của sinh viên kế toán hiện gặp nhiều yếu tố thuận lợi như nền kinh tế của nước ta đang trên đà phát triển, nhu cầu về nhân lực rất đa dạng, phong phú, có sự cạnh tranh giữa các đơn vị sử dụng lao động. Điều này khiến cho các DN quan tâm hơn đến việc tuyển chọn, bồi dưỡng nguồn nhân lực và sinh viên sắp tốt nghiệp là một mục tiêu. Có nhiều DN khi tiếp nhận sinh viên thực tập đã theo dõi sát sao và có các bản nhận xét đánh giá cả sinh viên lẫn những kiến thức sinh viên tiếp nhận trong nhà trường, từ đó sẵn sàng đưa ra các kiến nghị giúp nhà trường nâng cao tính thực tiễn của chương trình đào tạo.
Về phía sinh viên, hầu hết sinh viên đều nhận thức được tầm quan trọng của kỳ thực tập tốt nghiệp và sẵn sàng làm việc hết mình để thể hiện năng lực và học tập thêm nhiều kiến thức từ thực tiễn, thiết lập thêm các mối quan hệ và làm quen với vai trò là nhân viên trong một tổ chức, công ty.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những khó khăn như: Các đơn vị sử dụng lao động cởi mở với các chương trình thực tập dành cho sinh viên chỉ giới hạn ở phạm vi các công ty, DN ngoài quốc doanh, hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ. Trên thực tế, chưa có cơ quan nhà nước nào xây dựng chương trình thực tập dành cho sinh viên tương tự như các DN ngoài quốc doanh. Trong khi đó, các đơn vị này vẫn cần tuyển dụng nhân lực mới hàng năm. Ngoài ra, có bất cập khác tồn tại trong nhiều năm qua là nhà trường rất khó khăn trong việc đánh giá chính xác kết quả thực tập của sinh viên. Không phải đơn vị sử dụng lao động nào cũng có thời gian và tâm huyết để phản ánh tình hình sinh viên thực tập một cách cặn kẽ, kỹ càng.
Giải pháp nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên
Căn cứ vào thực trạng chất lượng thực tập của sinh viên khoa Kế toán, những thuận lợi và khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả chương trình thực tập tốt nghiệp, nhóm tác giả đưa ra các giải pháp sau:
Về phía sinh viên
Thứ nhất, tích cực trau dồi, hoàn thiện hệ thống lý thuyết được học trong toàn khóa: Để được tiếp cận với công việc, trước khi đi thực tập sinh viên nên tìm hiểu thêm kiến thức ngành nghề liên quan để thích nghi với kế hoạch thực tập và đơn vị mình đến thực tập như: Thời gian thực tập cụ thể từ bắt đầu đến lúc kết thúc, trách nhiệm, bổn phận hàng ngày (khi thực tập) sẽ là gì? Làm thế nào để thu thập được tài liệu thực tập? Cần tìm hiểu trước mẫu báo cáo thực tập của truờng (yêu cầu) để khi đi thực tập không bị động. Đồng thời, sinh viên cũng cần chủ động tìm hiểu thêm về công ty mình đến thực tập.
Thứ hai, sử dụng thời gian thực tập đúng mục đích: Bản thân mỗi sinh viên phải nhận thức được rằng, kỳ thực tập rất quan trọng đối với tương lai của họ, họ cần phải cố gắng hết sức mình để bắt kịp công việc, không phải chỉ để đối phó lấy một bản nhận xét tốt. Để khi ra trường làm tốt công việc, sinh viên cần có kiến thức vững vàng. Điều này cần phải được trau dồi trong suốt quá trình học tập của sinh viên trước đó.
Thứ ba, tăng cường tính tích cực, chủ động trong thực tập: Mục đích chính của việc thực tập không chỉ là tìm hiểu các hoạt động thực tiễn của cơ sở thực tập mà còn để nắm được các phương pháp tiếp cận và giải quyết các vấn đề thuộc chuyên ngành. Như vậy, sinh viên không chỉ hoàn thiện hệ thống các kỹ năng, kiến thức lý thuyết mà để quá trình thực tập hiệu quả hơn thì cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc tiếp cận với cơ sở thực tập, tăng cường sự trao đổi với mỗi sinh viên với các thành viên trong nhóm thực tập và giáo viên hướng dẫn.
Về phía nhà trường, khoa
Thứ nhất, nhà trường, khoa chuyên môn cần có bộ phận chuyên trách tổ chức các chương trình thực tập. Mặc dù, mỗi năm chỉ có 1 kỳ thực tập nhưng việc lên kế hoạch, liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức các chương trình giới thiệu… cần được duy trì thường xuyên để sinh viên có nơi thực tập đảm bảo chất lượng.
Thứ hai, xây dựng Phòng Thực hành kế toán. Mục tiêu là xây dựng những mô hình doanh nghiệp ảo để sinh viên có thể thực tập môn học ngay tại trường. Phòng kế toán ảo là việc mô phỏng các nghiệp vụ, công việc, trình tự thực hiện công việc của phòng kế toán tại doanh nghiệp và các đơn vị kế toán khác, từ đó sinh viên có thể thực hiện các phần hành, công việc kế toán trên phòng kế toán ảo này.
Thứ ba, để sinh viên thực tập thành công, điều căn bản nhất là chương trình đào tạo trong nhà trường cần được xây dựng có chất lượng, gắn liền với thực tiễn nghề nghiệp. Nếu chương trình đào tạo quá xa rời với thực tiễn công việc, khi đi thực tập, sinh viên có thể cảm thấy hoang mang, thất vọng về nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường cần có tài liệu hướng dẫn cụ thể về việc thực tập bởi đa số khi sinh viên đi thực tập còn rất mơ hồ về công việc.
Thứ tư, sau khi sinh viên nhận chỗ thực tập, nhà trường không nên “khoán trắng” cho đơn vị tiếp nhận sinh viên mà cần liên hệ thường xuyên với nơi tiếp nhận để tìm hiểu về tình hình thực tập của sinh viên. Như vậy, nhà trường, khoa mới theo dõi được thực chất chất lượng kỳ thực tập của sinh viên, đồng thời trong nhiều trường hợp cũng cần có sự can thiệp, điều chỉnh của nhà trường, khoa đối với sinh viên.
Thứ năm, để biết được những hạn chế của chương trình đào tạo, nhà trường nên tổ chức lấy ý kiến phản hồi của các cơ quan, doanh nghiệp. Những ý kiến này thường rất thiết thực, giúp nhà trường hiểu được nhu cầu của thị trường lao động nhằm trang bị kiến thức cho sinh viên. Có thể lấy phản hồi bằng nhiều cách như tổ chức hội thảo, bằng bảng hỏi, hỏi chuyện trực tiếp…
Thứ sáu, theo ý kiến chung của các trường, các luận văn đều có thể bị “xào nấu” phần nội dung nền, vì vậy, cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của giảng viên hướng dẫn và thực hiện các phương pháp đánh giá khách quan. Vấn đề này có thể khắc phục được hay không phụ thuộc rất nhiều ở người hướng dẫn.
Về phía đơn vị thực tập
Để nâng cao chất lượng chương trình thực tập của sinh viên, chất lượng nguồn nhân lực tiềm năng, các cơ quan, tổ chức, DN cần có sự phối hợp tích cực, hỗ trợ nhà trường trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập, tạo những điều kiện tốt nhất để thực tập sinh tiếp cận với công việc, cử người hướng dẫn sinh viên thực tập tận tình, chu đáo.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê, “Báo cáo kết quả rà soát số lượng doanh nghiệp năm 2018";
2. Số liệu điều tra 300 sinh viên các khóa 11, 12 Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh của tác giả;
3. Hoàng Tụy, (2012), Xin cho tôi nói thẳng, NXB Tri thức, Hà Nội;
4. Castillo, D.E, Khuyến khích sinh viên thực tập tích cực làm việc, Tạp chí Business Mexico, tháng 3/2004, ABI/INFORM Global, trang 7.