Nghiên cứu về động cơ học tập của sinh viên tại các trường đại học Việt Nam


Chất lượng đào tạo đại học luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, xã hội. Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra các vấn đề căn nguyên và các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học, trong nhóm các nhân tố đó không thể không kể đến yếu tố người học.

Chất lượng đào tạo đại học luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, xã hội. Nguồn: internet
Chất lượng đào tạo đại học luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, xã hội. Nguồn: internet

Bài viết này phân tích và làm sáng tỏ thực trạng động cơ học tập của sinh viên đại học tại các trường đại học ở Việt Nam, nhận diện một số vấn đề tồn tại trong động cơ học tập của sinh viên, từ kết quả nghiên cứu tác giả mong muốn đóng góp phần nhỏ bé vào công cuộc nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Khái niệm về động cơ học tập của sinh viên

Động cơ được hiểu là một biểu hiện tâm lý hoạt động liên quan đến nhu cầu và sự hứng thú. Nhu cầu là sự đòi hỏi tất yếu mà con người thấy cần phải thỏa mãn trong những điều kiện nhất định để tồn tại và phát triển. Hứng thú là thái độ đặc biệt của một cá nhân đối với đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa trong cuộc sống, vừa đem lại cho cá nhân sự hấp dẫn về mặt tình cảm. Trong tâm lý học có nhiều quan niệm khác nhau về động cơ hoạt động của con người, song điểm chung thống nhất trong các cách nhìn nhận về hiện tượng tâm lý này là xem động cơ là sự định hướng, kích thích, thúc đẩy và duy trì hành vi của con người.

Nghiên cứu của Dương Thị Kim Oanh (2013) cho rằng, động cơ là yếu tố tâm lý phản ánh đối tượng có khả năng thỏa mãn nhu cầu của chủ thể, định hướng, thúc đẩy và duy trì hoạt động của chủ thể nhằm chiếm lĩnh đối tượng đó.

Nghiên cứu về động cơ học tập của sinh viên tại các trường đại học Việt Nam - Ảnh 1

Trong giáo dục đại học, động cơ học tập là một hệ thống các yếu tố vừa có tính chất định hướng, vừa có chức năng kích thích, thúc đẩy và duy trì hoạt động học tập. Cũng theo Dương Thị Oanh (2013) động cơ học tập là yếu tố tâm lý phản ánh đối tượng có khả năng thỏa mãn nhu cầu của người học, định hướng, thúc đẩy và duy trì hoạt động học tập của người học nhằm chiếm lĩnh đối tượng đó. Động cơ nói chung và động cơ học tập nói riêng là những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cơ bản trong tâm lý học. Động cơ học tập đúng đắn hay lệch lạc có ý nghĩa quyết định sự thành bại của hoạt động và chiều hướng phát triển nhân cách của con người. Sự khác biệt về khả năng cũng như động cơ học tập của sinh viên ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và giảng dạy (Cole & ctg, 2004: Noe, 1986). Nguyên Đình Thọ (2008) dựa theo nghiên cứu của Noe (1986) cho rằng, động cơ học tập của sinh viên là lòng ham muốn tham dự và học tập những nội dung của chương trình học.

Như vậy, có thể chia động cơ học tập thành 2 loại (động cơ bên trong và động cơ bên ngoài). Động cơ bên trong (nội lực) là động cơ xuất phát từ nhu cầu, sự hiểu biết, niềm tin của người học đến đối tượng đích thực của hoạt động học tập, là mong muốn khao khát chiếm lĩnh, mở rộng tri thức, say mê với việc học tập. Loại động cơ này giúp người học luôn nỗ lực ý chí, khắc phục trở ngại từ bên ngoài, đồng thời, giúp sinh viên duy trì hứng thú và ham muốn học hỏi, tìm tòi, vượt qua những trở ngại khó khăn để đạt được những mục tiêu trong học tập. Động cơ bên ngoài là loại động cơ chỉ những tác động từ bên ngoài lên hoạt động học tập của sinh viên như: Đáp ứng mong đợi của cha mẹ, lòng hiếu danh, sự lôi cuốn vào bài giảng của giảng viên, sự khâm phục của bạn bè… Tuy động cơ này mang tính tiêu cực nhưng nó cũng góp phần vào việc kích thích, tạo hứng thú và nhu cầu cho người học tiếp thu tri thức, kỹ năng trong quá trình học tập.

Nghiên cứu về động cơ học tập của sinh viên tại các trường đại học Việt Nam - Ảnh 2

Quan điểm về động cơ học tập và tác động đến chất lượng đào tạo đại học

Chất lượng giáo dục và đào tạo luôn là vấn đề quan tâm của mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Mỗi quốc gia đều xây dựng cho mình một chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam cũng như các quốc gia đều mong muốn xây dựng cho mình một nền giáo dục phát triển, sẵn sàng đón nhận, kế thừa và phát triển các tri thức của nhân loại. Trong quá trình hoạch định chiến lược và điều hành chiến lược phát nền giáo dục, các nhà quản lý luôn mong muốn đi tìm câu trả lời "làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo?". Chất lượng đào tạo luôn là vấn đề thời sự, thu hút nhiều học giả tham gia nghiên cứu và tranh luận.

Ở các góc nhìn khác nhau, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra các luận giải khoa học khác nhau khi nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học. Kết quả nghiên cứu của LeBlanc & Nguyen (1999) với sinh viên đại học ngành Quản trị kinh doanh tại các trường đại học ở Canada cho thấy, cảm nhận của sinh viên về kiến thức và chất lượng đào tạo thông qua giảng viên là yếu tố quan trọng để tạo ra giá trị trong đào tạo.

Thực hiện nghiên cứu với sinh viên đang theo học ngành Quản trị kinh doanh tại các trường đại học tư của Thái Lan, Urairat Yamchuti (2002) cũng khẳng định, học tập của sinh viên bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố: Năng lực tự thân của người học, môi trường học tập của các trường đại học, quá trình đào tạo và sự lỗ lực từ chính người học.

Nhiên cứu về chất lượng đào tạo của Cheng & Tam (1997) và Cheng (2003) cũng cho rằng, chất lượng đào tạo được quyết định bởi 3 nhóm yếu tố chính, đó là quá trình quản lý, quá trình giảng dạy và quá trình học tập.

Nghiên cứu về động cơ học tập của sinh viên tại các trường đại học Việt Nam - Ảnh 3

Ở Việt Nam, có nhiều tác giả đã thực hiện các nghiên cứu về chất lượng đào tạo như: Nguyễn Đình Thọ & cộng sự (2008) trên cơ sở ứng dụng mô hình 3P của Bigg (1999), ứng dụng và hiệu chỉnh mô hình của Yourng & cộng sự (2003) đã đo lường kiến thức thu nhận của sinh viên khối ngành kinh tế tại các trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tác động rất mạnh từ năng lực giảng viên đến động cơ học tập của sinh viên và kiến thức thu nhận của sinh viên, động cơ học tập của sinh viên cũng tác động mạnh tới kiến thức thu nhận. Kết quả chỉ ra rằng, năng lực giảng viên càng cao thì tác động đến động cơ học tập của sinh viên càng mạnh.

Phan Đình Nguyên (2013) dựa trên mô hình nghiên cứu Cheng & Tam (1997), Kwek & cộng sự (2010) để xây dựng mô hình nghiên cứu "các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh". Nghiên cứu đã xem xét 8 nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo đại học và cao đẳng của một số trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các nhân tố tác giả đã đề xuất gồm: Cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tổ chức quản lý đào tạo, môi trường học tập, đánh giá kết quả học tập, chương trình đào tạo, chất lượng dịch vụ hỗ trợ và năng lực người học. Nghiên cứu đã khảo sát sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng không phân biệt ngành đào tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng nhất trong chất lượng đào tạo.

Thực trạng động cơ học tập của sinh viên Việt Nam

Động cơ học tập của sinh viên Việt Nam phản ánh mức độ định hướng và các nỗ lực của sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu, được thể hiện thông qua việc sinh viên dành thời gian và việc ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho việc học tập, kế thừa và sử dụng thang đo của Cole & cộng sự (2004). Bài viết sử dụng thang đo đánh giá động cơ học tập của sinh viên gồm 6 biến để đánh giá (Bảng 1).

Bảng hỏi được thiết kế theo thang đo likert 5 cấp độ: (1) Hoàn toàn không đồng ý; (2) Không đồng ý; (3) bình thường/trung lập; (4) đồng ý;  (5) hoàn toàn đồng ý. Để có số liệu phân tích, tác giả sử dụng bảng hỏi và tiến hành khảo sát tại 8 trường đại học thuộc khối đào tạo kinh tế trên cả nước. Tổng số bảng hỏi phát ra là 1.200 bản hỏi, thu về 1.086 phiếu trả lời, sau khi làm sạch dữ liệu có 966 quan sát đạt yêu cầu được đưa vào sử dụng làm dữ liệu phân tích (Bảng 2).

Mẫu quan sát được thực hiện trên cơ sở khảo sát ngẫu nhiên tại các trường đại học, các trường đại học được tác giả lựa chọn có chủ đích phân theo vùng miền. Theo đó, tác giả đã khảo sát các trường ở miền Nam và miền Bắc nhiều hơn miền Trung, do đặc điểm hai vùng Nam, Bắc có hai trung tâm văn hóa chính trị thuộc loại lớn nhất cả nước là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và đây cũng là nơi nhiều trường đại học hơn ở khu vực miền Trung (Hình 1).

Mẫu nghiên cứu cũng thực hiện ngẫu nhiên và có đại diện đầy đủ sinh viên thuộc các đối tượng khu vực khác nhau đại điện cho khu vực thành phố (KV3), khu vực ngoại ô, các thị trấn, thị xã (KV2), khu vực nông thôn (KV2NT), khu vực miền núi (KV1) (Hình 2).

Nghiên cứu khảo sát ngẫu nhiên không phân biệt sinh viên học năm thứ mấy, kết quả sinh viên năm thứ 3 có số quan sát nhiều nhất (43,9%) sinh viên năm thứ 4 có số quan sát ít hơn).

Cronbach’s Alpha của thang đo là 0,841, các hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát trong thang đo đều lớn hơn 0,4 và không có trường hợp loại bỏ biến quan sát nào có thể làm cho Cronbach’s Alpha của thang đo này lớn hơn 0,841 (Bảng 3). Vì vậy, tất cả các biến quan sát đều được chấp nhận và sẽ được sử dụng trong phân tích nhân tố tiếp theo.

Sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả cho thấy, động cơ học tập của sinh viên chưa được tốt, đặc biệt sinh viên đang dành rất ít thời gian cho học tập (Hình 4).

Từ đó, nghiên cứu nhận thấy, việc tự học của sinh viên Việt Nam hiện tại còn khá thấp. Mặc dù có 3,9% không tự học tập tại nhà nhưng số sinh viên dành trên 4 giờ học tập cho một ngày tại nhà lại đạt 6,4%, số đông (44,7%) sinh viên mỗi ngày tự học tập nghiên cứu từ 1 đến 2 giờ (Hình 5).

Kết luận

Thông qua khảo sát nghiên cứu thực tế tác giả nhận thấy, động cơ học tập của sinh viên Việt Nam hiện nay khá thấp, còn mơ hồ, chưa dành nhiều thời gian cho việc học tập. Mặc dù, mong muốn và sẵn sàng vượt qua khó khăn để đạt được kết quả cao nhất, song nhìn vào kết quả khảo sát với tỷ lệ tự học, tự nghiên cứu mà trung bình mỗi sinh viên đầu tư cho sự nghiệp học tập và nghiên cứu tại các trường đại học còn quá thấp.         

Tài liệu tham khảo:

  1. Dương Thị Kim Oanh (2008), Động cơ học tập của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Tạp chí Tâm lý, số 5 (110);
  2. Dương Thị Kim Oanh (2013), Một số hướng tiếp cận trong nghiên cứu động cơ học tập, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;
  3. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2009), Nghiên cứu khoa học trong Quản trị kinh doanh, NXB Thống kê, Hà Nội;
  4. Phan Đình Nguyên (2013), Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh - Số 1 (29);
  5. Bigg J (1999), Teaching for Quanlity Learning at University, Buckingham, Open University Press...