Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của lực lượng kiểm soát hải quan
Hội nhập kinh tế quốc sâu rộng đang tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của đất nước, song cũng tiềm ẩn những yếu tố bất lợi và đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý hải quan.
Trong đó, theo nhận định của Tổng cục Hải quan cũng như các cơ quan an ninh, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hoá qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn tinh vi hơn, hoạt động buôn lậu có tổ chức và chuyên nghiệp cao, lợi dụng những bất cập về cơ chế, chính sách trong điều hành xuất nhập khẩu… Điều này đòi hỏi lực lượng kiểm soát hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu trên các tuyến biên giới...
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
Trong những năm vừa qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo, gây không ít khó khăn cho lực lượng kiểm soát hải quan (KSHQ).
Về tuyến đường:
Trên tuyến biên giới đường bộ, địa bàn trọng điểm về hoạt động buôn lậu tập trung tại các tỉnh như: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang với các mặt hàng buôn lậu chủ yếu, hàng bách hóa tiêu dùng, ma túy, ngoại tệ, tiền giả, pháo, sản phẩm từ động vật hoang dã, rượu, bia, thuốc lá điếu, nước giải khát, đường, gia cầm, quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em...
Trên tuyến đường biển, cảng sông quốc tế, hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp, tập trung ở vùng biển các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, vùng biển miền Trung và TP. Hồ Chí Minh. Mặt hàng trọng điểm là: Xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã; rác thải, phế liệu, thiết bị điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng đã qua sử dụng; đường, thuốc lá, sữa, mỹ phẩm, hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đối tượng buôn lậu thường là những doanh nghiệp (DN) nhập khẩu các lô hàng trị giá lớn, mặt hàng thuế suất cao; DN đại lý cho các hãng tàu và kinh doanh vận tải; DN kinh doanh kho ngoại quan; công ty mới thành lập, hoạt động không thường xuyên; chủ phương tiện xuồng gắn động cơ, ghe máy thường vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới.
Trên tuyến hàng không, bưu điện, hàng lậu được vận chuyển chủ yếu ở các địa bàn như: Sân bay quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; Bưu điện Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; điểm chuyển phát nhanh DHL, Fedex. Hàng hóa vi phạm thường là hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao, ma túy, vũ khí, tài liệu phản động; vàng, điện thoại di động, rượu ngoại, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; động, thực vật hoang dã. Đối tượng vi phạm thường là các DN, cá nhân hoặc tổ chức gửi hàng bưu phẩm, bưu kiện qua đường bưu điện không rõ mục đích sử dụng, không có hoặc không đủ giấy tờ khi làm thủ tục Hải quan hoặc các cá nhân, tổ chức thường xuyên nhận quà biếu với số lượng lớn.
Về phương thức, thủ đoạn vi phạm:
Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách tận dụng địa hình hiểm trở để cấu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, thông thạo ngôn ngữ, địa bàn để hình thành các đường dây hoạt động khép kín từ khâu vận chuyển qua biên giới, tập kết và đưa vào tiêu thụ trong nội địa; gây khó khăn cho lực lượng KSHQ khi tổ chức lực lượng ngăn chặn. Hàng lậu thường được tập kết rải rác ở bên kia biên giới, chờ thời điểm thích hợp để đưa qua biên giới vào Việt Nam.
Năm 2017, lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ 15.184 vụ việc, trị giá 789,579 tỷ đồng. Trong đó, số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả là 1.031 vụ; số vụ về ma túy là 101 vụ. Lực lượng KSHQ đã khởi tố 51 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 68 vụ.
Các đối tượng được thuê vận chuyển sẽ sử dụng các loại phương tiện như xe máy, xe tải nhỏ, xuồng gắn động cơ, ghe máy có công suất lớn, chạy tốc độ cao để vận chuyển vào các khu vực chợ, bến xe, kho hàng, bến bãi, sau đó bốc xếp lên xe container hoặc xe ô tô có các hầm hàng, vách ngăn được gia cố tinh vi để vận chuyển vào nội địa. Đối tượng vi phạm thường lợi dụng thời điểm đêm tối, giờ cao điểm, giờ nghỉ, ngày nghỉ để vận chuyển, tập kết hàng; thường không theo quy luật cụ thể. Trước và trong khi vận chuyển hàng lậu, tại các khu vực tập kết, vận chuyển và trên đường đi, các đối tượng vi phạm thường bố trí người cảnh giới, theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng.
Trên tuyến biển và cảng sông quốc tế, thủ đoạn chủ yếu là cất giấu hàng cấm trong các container hàng hóa, khai báo sai tên hàng, mã số thuế, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá; sửa chữa, giả mạo hồ sơ, chứng từ; thường xuyên đăng ký kiểm tra vào giờ cao điểm; “luồng xanh, luồng vàng” để thông quan hàng hóa bằng cách ủy thác cho DN chưa bị phát hiện vi phạm, mượn tên công ty đầu tư, gia công là những DN trước đó chấp hành tốt pháp luật Hải quan để làm thủ tục. Nếu lô hàng được hệ thống phân vào "luồng đỏ" thì đối tượng không đến nhận hàng mà để tờ khai tự hủy, sau đó đổi DN nhận hàng, đổi Chi cục Hải quan làm thủ tục, tiếp tục mở tờ khai mới để được phân "luồng xanh, luồng vàng"...
Trên tuyến hàng không, bưu điện quốc tế, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường là cất giấu hàng hóa trong hành lý mang theo khi nhập cảnh; thuê người vận chuyển; ngụy trang, bọc nhiều lớp giấy bạc trong hành lý, hàng ký gửi, bưu phẩm, bưu kiện hoặc gia cố vali 2 đáy, bìa sổ tay, trong thực phẩm, thiết bị điện tử để giấu hàng cấm; pha ma túy thành các chất lỏng, chất sệt rồi thấm vào các lớp lót vali, khăn tắm… ; tháo rời từng bộ phận của vũ khí để kèm với các mặt hàng khác nhằm đánh lạc hướng, qua mặt lực lượng chức năng.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của hoạt động buôn lậu, lực lượng KSHQ đã tăng cường thực hiện và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ KSHQ cùng với nhiều giải pháp chống buôn lậu GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật hải quan. Công tác đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thời gian qua đạt được một số kết quả nổi bật như: Năm 2016, lực lượng KSHQ đã phát hiện, bắt giữ tổng số 15.489 vụ, trị giá 416,498 tỷ đồng, trực tiếp khởi tố 48 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 112 vụ. Trong đó, số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là 985 vụ; số vụ về ma túy là 143 vụ; số vụ vi phạm hành chính là 14.290 vụ; số vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả là 20 vụ...
Năm 2017, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 15.184 vụ việc, trị giá 789,579 tỷ đồng. Trong đó, số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả là 1.031 vụ; số vụ về ma túy là 101 vụ. Lực lượng KSHQ đã khởi tố 51 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 68 vụ.
06 tháng đầu năm 2018, trên cả 03 tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không - bưu điện, lực lượng KSHQ toàn Ngành đã phát hiện, bắt giữ 7.879 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa khoảng 388 tỷ đồng. Trong công tác phòng, chống ma túy, đã phát hiện, bắt giữ 79 vụ/54 đối tượng, thu giữ 11.115,93 gram và 52 bánh Heroin; 11.523,99 gram và 199.487 viên ma túy tổng hợp; 48.988,65 gram ma túy đá; 6.430 gram thuốc phiện; 26.997,24 gram cần sa; 3.800 gram tiền chất; 39,50kg cây quả, rễ hoa anh túc...
Một số bất cập, hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác chống buôn lậu, GLTM của lực lượng KSHQ còn gặp một số bất cập, hạn chế, vướng mắc cụ thể như sau:
06 tháng đầu năm 2018, trên cả 03 tuyến biên giới đường bộ, đường biển và đường hàng không - bưu điện, lực lượng kiểm soát hải quan toàn Ngành đã phát hiện, bắt giữ 7.879 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa khoảng 388 tỷ đồng.
Một là, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với 03 tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự gồm: Tội "buôn lậu" - Điều 188; tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" - Điều 189; tội “sản xuất, buôn bán hàng cấm” - Điều 190. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động quản lý nhà nước về hải quan xuất hiện rất nhiều loại tội phạm xảy ra liên quan đến lĩnh vực hải quan, do cơ quan Hải quan trực tiếp phát hiện, xử lý như: Vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới; trốn thuế, rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, môi trường… Khi phát hiện, bắt giữ những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra, mất rất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, không bảo đảm được tính nhanh chóng, kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.
Hai là, Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tạm giữ người là một biện pháp ngăn chặn nhưng cơ quan Hải quan khi phát hiện tội phạm tại cửa khẩu lại không được phép tạm giữ, bắt người. Trong khi đó, nhiều đối tượng phạm tội tại cửa khẩu có quốc tịch nước ngoài. Việc không quy định cho cơ quan Hải quan được quyền bắt người, giữ người dẫn đến việc bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm gặp không ít khó khăn. Trong nhiều vụ việc, mặc dù bắt quả tang đối tượng phạm tội nhưng cơ quan Hải quan phải chuyển ngay cho cơ quan Công an để khởi tố và ra lệnh bắt giữ.
Ba là, trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự, việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên, cơ quan Hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng. Sau khi thu giữ vật chứng, cơ quan Hải quan phải gửi sang cơ quan Công an, dẫn tới ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án.
Bốn là, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với hình thức “phạt tiền” và “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”, theo quy định hiện hành, Chi cục trưởng, Đội trưởng Đội KSHQ và tương đương chỉ được phạt tiền và tịch thu tang vật vi phạm có trị giá không vượt quá 25 triệu đồng với cá nhân và không quá 50 triệu đồng với tổ chức; Cục trưởng chỉ được phạt tiền và tịch thu hàng hóa vi phạm có trị giá không vượt quá 50 triệu đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều vụ bắt giữ của cơ quan Hải quan có trị giá hàng vi phạm lớn hơn mức quy định tối đa là 100 triệu đồng. Do đó, cơ quan Hải quan phải chuyển vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền cao hơn xử lý, dẫn đến nhiều vụ việc bị kéo dài.
Năm là, công tác giám định, xác định tình trạng pháp lý của lô hàng, xác định trị giá hàng xâm phạm và tiêu hủy hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN chưa nắm được đầy đủ quy định pháp luật và quy trình thực thi sở hữu trí tuệ, chống hàng giả trong lĩnh vực hải quan, dẫn đến, thiếu chủ động và thiện chí hợp tác với cơ quan Hải quan trong đấu tranh và xử lý cương quyết đối với các vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Sáu là, một số quy định pháp luật về hoạt động thương mại, về thủ tục hàng hóa tạm nhập - tái xuất, trung chuyển, chuyển khẩu chưa ràng buộc được trách nhiệm pháp lý của DN; chưa quy được trách nhiệm pháp lý với đối tượng kinh doanh kho bãi, bốc xếp, người vận chuyển, không xử lý được chủ thể vi phạm là người nước ngoài.. nên chưa hạn chế vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Bảy là, hiện nay, cả nước có duy nhất 01 đơn vị là Viện Khoa học kỹ thuật hình sự trực thuộc Bộ Công an có chức năng giám định các chất ma túy nên để có kết quả giám định phải chờ đến 20 - 30 ngày, gây mất thời gian, tốn kém về tiền bạc, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý các vụ án ma túy.
Tám là, việc thay đổi tổ chức bộ máy, nhân sự tại các cơ quan tố tụng ở Trung ương (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phối hợp trong thực thiện trình tự tố tụng của cơ quan Hải quan, dẫn đến một số vụ việc bị kéo dài thời gian xem xét khởi tố, số vụ khởi tố chưa được như kỳ vọng.
Chín là, công tác phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa bàn ở một số nơi còn mang tính cục bộ. Việc nhận thức quy chế phối hợp của các lực lượng ở một số nơi còn mang tính hình thức, phối hợp chưa nhịp nhàng và chưa thật sự đi vào nề nếp.
Giải pháp đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu
Những thời gian tới, dự báo tình hình nền kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, nhất là khi cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn của thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ đã và đang ảnh hưởng, tác động theo cả 2 chiều hướng tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, kéo theo nguy cơ gia tăng hoạt buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi lực lượng KSHQ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu trên cả 3 tuyến biên giới. Theo đó, lực lượng Hải quan cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, GLTM và hàng giả hướng đến các nhóm đối tượng là: DN, tổ chức, cộng đồng và cán bộ, công chức thuộc các cơ quan chức năng. Qua đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội được nâng cao, góp phần tích cực đẩy mạnh hiệu quả hoạt động phòng, chống buôn lậu, GLTM qua biên giới.
Thứ hai, tiếp tục nỗ lực xây dựng, hoàn thiện và triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình hướng dẫn nghiệp vụ đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về Hải quan nói chung và công tác phòng, chống buôn lậu, GLTM, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng.
Thứ ba, phát triển lực lượng KSHQ tinh nhuệ, chính quy, tập trung nguồn lực để hiện đại hóa trang thiết bị, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quá trình chỉ huy, trực ban, giám sát trực tuyến, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan; tận dụng, tăng cường khai thác triệt để các nguồn cơ sở dữ liệu của ngành Hải quan để khai thác, tổng hợp, phân tích thông tin nhằm dự báo chính xác tình hình, xác định trọng điểm, kịp thời xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, GLTM.
Thứ tư, bố trí đầy đủ lực lượng và áp dụng đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ KSHQ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao như ma tuý; vũ khí; ngoại tệ, tiền giả; động thực vật hoang dã; gỗ; xăng, dầu; khoáng sản; ngoại tệ; vàng; rượu ngoại, thuốc lá; ôtô, xe máy điện...
Thứ năm, chủ động ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các tội phạm vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực Hải quan.
Thứ sáu, tập huấn, đào tạo nâng cao hiệu quả công tác cán bộ liên quan đến công tác điều tra, khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Thứ bảy, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin 2 chiều giữa Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) và Cục Hải quan tỉnh, thành phố nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngay tại khu vực cửa khẩu, trong địa bàn hoạt động hải quan; Nâng cao hiệu quả điều tra, khởi tố vụ án hình sự đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, có tính chất liên tỉnh, liên vùng theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật.
Thứ tám, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng theo hướng hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác phối hợp thông qua việc ký lại Quy chế phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường và đề ra phương hướng hoạt động đảm bảo nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng.
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2016, chương trình công tác năm 2017 của Tổng cục Hải quan; Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2017, chương trình công tác năm 2018 của Tổng cục Hải quan;
- Báo cáo kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm 2018, chương trình công tác 06 tháng cuối năm 2018 của Tổng cục Hải quan;
- Báo cáo kết quả thực hiện công tác kiểm soát hải quan các năm 2016, 2017 và 06 tháng năm 2018 của Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan;
- Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ;
- Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo của Chính phủ;
- Quyết định số 160/QĐ-TCHQ ngày 24/01/2018 về Chương trình công tác trọng tâm năm 2018 của Tổng cục Hải quan.