Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế

GS.,TSKH. Nguyễn Mại

(Taichinh) - Ngày 14/8/2012, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động để thực hiện các chủ trương và nhiệm vụ khi nước ta là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Việc Việt Nam gia nhập WTO là sự tiếp nối quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta từ khi chuyển sang kinh tế thị trường. Nguồn: internet
Việc Việt Nam gia nhập WTO là sự tiếp nối quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta từ khi chuyển sang kinh tế thị trường. Nguồn: internet

Hội nghị cũng đã thảo luận Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến 2020”. Bài viết này bàn về một số vấn đề liên quan.

Thành quả từ hội nhập

Việc Việt Nam gia nhập WTO là sự tiếp nối quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, mà cột mốc quan trọng là ba sự kiện lớn về đối ngoại đã diễn ra trong tháng 7/1995: Việt Nam là thành viên ASEAN và tiếp đó tham gia Hiệp định Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Việt Nam - EU ký thỏa thuận về khung khổ hợp tác, Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nghị quyết 08/NQ-TW và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP được triển khai thực hiện khoảng một năm, thì đất nước phải đối phó với tình trạng lạm phát cao trong 9 tháng của năm 2008, tiếp đó là tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài cho đến nay. Trong bối cảnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta thời kỳ 2007 - 2011 vẫn đạt 6,5%/năm (thấp hơn dự kiến 1 - 1,5 điểm phần trăm), năng lực nội sinh của đất nước đã tăng lên hơn 2 lần là thành quả quan trọng.

Nông nghiệp vẫn tăng trưởng với tốc độ khá (3,5%/năm).

Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng 2007 - 2011 chỉ đạt 7%/năm, thấp hơn 3,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 2002 - 2006, là mức thấp nhất kể từ năm 1991; tuy vậy, cũng có điểm sáng được thể hiện ở một số ngành.

Việc mở cửa ngành dịch vụ là nội dung quan trọng và khó khăn nhất khi đàm phán để gia nhập WTO. Thực tế đã minh chứng rằng, những lo ngại về việc mở cửa thị trường dịch vụ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp (DN) và thị trường trong nước đã không xuất hiện; trái lại, không chỉ dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán có trước khi gia nhập WTO, mà cả dịch vụ phân phối hàng hóa được thực hiện trong vài năm gần đây đã gây áp lực làm cho các DN cùng ngành của Việt Nam chú trọng hơn việc nâng cao năng lực quản trị và áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa.

Xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là hai điểm sáng nhất kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới. Ngoại trừ năm 2009, kim ngạch xuất khẩu giảm 8,9%, các năm khác có tốc độ tăng khá cao; bình quân giai đoạn 2007 - 2011 là 19,5%, cao hơn mức dự kiến 16% trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ 39,8 tỷ USD năm 2007 tăng lên 96,9 tỷ USD năm 2011, bằng 2,4 lần.

FDI từ năm 2007 đến nay tăng nhanh và tương đối ổn định; tính theo vốn thực hiện, giai đoạn 2007 - 2011 đạt hơn 50 tỷ USD, bằng 60% của 24 năm kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào cuối năm 1987, chiếm 25% tổng vốn đầu tư xã hội. Đầu tư ra nước ngoài đã gia tăng nhanh trong 5 năm vừa qua, với 474 dự án và 12,8 tỷ USD vốn đăng ký, gấp 3,8 lần về số dự án và 16,6 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2002 - 2006. Vốn thực hiện tính đến cuối năm 2011 là 2,9 tỷ USD.

Những thành quả về vật chất là đáng kể, nhưng có lẽ quan trọng hơn và cũng khó đo lường hơn là chuyển biến về tư duy và hành động theo phương châm “tiến cùng thời đại” của dân tộc ta. Nhờ thành quả đã đạt được và công tác tuyên truyền, giáo dục, nên đã tạo tính đồng thuận xã hội đối với chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Hội nhập kinh tế với thế giới liên quan đến lợi ích của dân tộc, lợi ích của DN và lợi ích của người dân. Nhà nước đại diện cho lợi ích dân tộc đã thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hệ thống luật pháp của nước ta trước và từ khi tham gia WTO phù hợp với các quy tắc và thông lệ quốc tế, bảo đảm tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng với các chủ thể tham gia thị trường. Đây là đòi hỏi có tính nguyên tắc của WTO đối với các nước khi gia nhập tổ chức này, đồng thời là cơ hội để đất nước hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong 5 năm vừa qua đã tạo được bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, tuy vậy, cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề phải giải quyết đối với các cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp.

Trước những khó khăn bắt nguồn từ tác động bên ngoài và nhược điểm của nền kinh tế nước ta, các DN đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính sống còn từ năm 2008 đến nay, song phải ghi nhận rằng, một bộ phận lớn DN Việt Nam đã thích nghi tốt hơn với môi trường cạnh tranh trong điều kiện thực hiện cam kết trong khung khổ WTO. Các DN kinh doanh xuất nhập khẩu quan tâm hơn tới hoạt động xúc tiến thương mại, lựa chọn đối tác, biết cách ứng phó với các vụ kiện bán phá giá ngay cả ở Mỹ và EU; hơn nữa còn có tư thế là DN của nước thành viên WTO để khởi kiện thành công một số vụ kiện thương mại trước tòa án quốc tế. Đây là một lợi thế cần được DN Việt Nam tận dụng khi tham gia thương mại quốc tế. Các DN kinh doanh nội địa cải tiến mẫu mã, nâng cao phẩm chất hàng hóa và dịch vụ, cùng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần làm chủ thị trường trong nước.

Người dân là chủ thể quan trọng khi Việt Nam gia nhập WTO, vì mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế quốc tế là cuộc sống của nhân dân ngày càng hạnh phúc hơn. Lạm phát cao, giá cả leo thang trong một số thời gian của 5 năm vừa qua đã làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, công bằng mà nói, hàng hóa, dịch vụ mà người Việt Nam được thụ hưởng hiện tại là khá đa dạng, phong phú, chất lượng hơn nhiều so với trước đây.

Những vấn đề chưa được giải quyết

Tuy vậy, để có cơ sở đề ra chủ trương, nhiệm vụ về hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới, cần chỉ ra những vấn đề chưa được giải quyết trong 5 năm vừa qua.

Cơ hội và thách thức là hai nhân tố có quan hệ hữu cơ đối với Việt Nam khi gia nhập WTO. Trong 5 năm qua, đã có những cơ hội mà Việt Nam không tận dụng được và cả những thách thức chậm vượt qua để biến thành cơ hội. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Mỹ, EU đã tăng lên nhanh chóng, đáng ra là cơ hội để tiếp nhận nhiều hơn FDI, nhưng thực tế lại không diễn ra như mong muốn. FDI từ EU và Mỹ vào nước ta ít hơn nhiều so với một số nước ASEAN.

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, cần đẩy nhanh hơn công cuộc đổi mới từ việc hoàn thiện thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia, tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư tốt nhất, dự báo kịp thời và chủ động đối phó với tác động bên ngoài, có các “van an toàn” để bảo đảm an ninh kinh tế và chính trị.

Quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước với DN nổi lên như là vấn đề có tính thời sự và cơ bản từ khi nước ta gia nhập WTO. Năng lực cạnh tranh ở ba cấp độ: quốc gia, DN và sản phẩm có mối quan hệ hữu cơ với vấn đề đó. Những năm qua, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được tăng lên, thể hiện nhiều hàng hóa đã có chỗ đứng vững chắc ở những thị trường khó tính, như Nhật Bản, EU và Mỹ. Tuy vậy, do cả Nhà nước và DN chưa có các quyết sách thích hợp, nên không những trên thị trường thế giới, mà ngay “trên sân nhà”, năng lực cạnh tranh của nhiều hàng hóa và dịch vụ Việt Nam cũng còn thua kém nước ngoài.

Cách tiếp cận đúng đắn là từ kinh nghiệm quốc tế và các điển hình trong nước của đơn vị, cơ quan về việc xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước với DN để hình thành thể chế tối ưu với tư duy Nhà nước là “bà đỡ” khai sinh và hỗ trợ, hướng dẫn DN kinh doanh trong khung khổ hành lang pháp lý công khai, minh bạch với bộ máy và đội ngũ công chức làm việc có hiệu năng.

Khi mà nhiều DN đang gặp khó khăn như hiện nay, Nhà nước cần có phản ứng chính sách kịp thời bằng hệ thống giải pháp thích hợp và được thực hiện nghiêm minh để cứu DN.

Chiến lược kinh doanh, thương hiệu đang đặt ra cho các DN Việt Nam những công việc cần làm để tạo lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Quản trị DN và văn hóa kinh doanh, thiết lập mối quan hệ giữa nhà quản lý với người lao động, để vừa bảo đảm lợi ích của người lao động, vừa khai thác trí tuệ, sáng kiến và sức lao động làm lợi cho DN, đòi hỏi phải dày công xây dựng để trong một thời gian nhất định, hình thành được bản sắc văn hóa của DN Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa các DN trong từng ngành hàng, mối liên kết ngang giữa các DN trên từng địa bàn, liên kết dọc giữa các DN trong từng chuỗi giá trị sản phẩm là những vấn đề cần được sự quan tâm của DN và hiệp hội ngành nghề.

Một vấn đề cần được lưu ý là nghiên cứu để chủ động dự báo và đối phó với các vụ kiện thương mại từng xảy ra và sẽ gia tăng khi mở rộng mậu dịch quốc tế. Chính phủ cần ban hành chủ trương và hướng dẫn DN trong việc đối phó trước, trong và sau khi xảy ra vụ kiện thương mại thích ứng với luật pháp của từng nước, quy định của WTO, biên tập và xuất bản “Cẩm nang về các vụ kiện thương mại”.

Từ khi gia nhập WTO, nước ta chưa chú trọng áp dụng “rào cản kỹ thuật” như một biện pháp quan trọng trong nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, trong khi phải đối phó với những quy định ngặt nghèo của một số nước đối với hàng hóa Việt Nam. Đây là một nhược điểm cần được khắc phục nhanh chóng bằng việc nghiên cứu đề ra các quy định của Chính phủ, từng bộ chuyên ngành về các tiêu chuẩn kỹ thuật, ngăn ngừa những hàng hoá kém chất lượng, độc hại, không đạt yêu cầu, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và trong trường hợp cần thiết để “trả đũa” đối với những nước lợi dụng rào cản kỹ thuật gây thiệt hại cho hàng hóa và DN Việt Nam.

Là thành viên WTO, nước ta cần tận dụng tốt hơn vị thế của mình để tham gia bình đẳng vào việc xây dựng thể chế quốc tế. Trước mắt, chuẩn bị tốt hơn để chủ động tham gia Vòng đàm phán Doha; tìm mọi phương thức thích hợp với từng đối tác để họ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đồng thời, cần kịp thời phát hiện những vi phạm từ các đối tác để đòi hỏi họ phải thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết đối với Việt Nam.