Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
(Tài chính) Ngày 16/4, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo. Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Phó Trưởng Ban và các thành viên Ban chỉ đạo.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, năm 2014 là năm sôi động với các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng và sự chuẩn bị khẩn trương việc thực thi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), trong đó, nổi bật nhất là Việt Nam đã đẩy nhanh và cơ bản kết thúc đàm phán 3/6 FTA quan trọng (FTA giữa Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – EU, Việt Nam – Liên minh hải quan Nga, Belarus- Kazakhstan). Trong năm nay, các hiệp định này sẽ được hoàn tất một số vấn đề kỹ thuật và thủ tục nội bộ để các bên ký kết trong năm nay.
Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực phối hợp với các nước thành viên ASEAN để hoàn tất việc hình thành AEC vào cuối năm nay. Mặc dù hạn chế về nguồn lực, Việt Nam là một trong các nước có mức độ thực hiện biện pháp ưu tiên xây dựng AEC cao nhất với tỷ lệ 90% (ngang với Singapore) so với mức bình quân 82,1% của ASEAN.
Tại cuộc họp, các ý kiến bày tỏ cần phải kiện toàn tổ chức về chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế ở các địa phương khi nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức tới ý nghĩa của công việc này, trong khi đó, xu hướng triển khai hội nhập kinh tế đang chuyển trọng tâm từ các Bộ, ngành tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch phát triển phù hợp ở cấp vi mô.
Các ý kiến cũng cho rằng cần phải thay đổi cách thức thông tin về các hiệp định thương mại tự do tới các doanh nghiệp để nắm bắt các cơ hội sản xuất, kinh doanh. Vai trò này, được một số ý kiến cho rằng, thuộc về các hiệp hội ngành nghề, các viện nghiên cứu, trường đại học và sự chủ động tìm hiểu thông tin, nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam (nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa). Theo đó, doanh nghiệp cần đặt hàng các cơ sở nghiên cứu xác định lợi thế, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động của mình để tận dụng lợi ích kinh tế nhiều nhất từ các Hiệp định tự do thương mại.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao sự phối hợp của các Bộ, ngành trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua, góp phần tăng cường sự chủ động hội nhập của các cơ quan, tổ chức, mở rộng thị trường xuất khẩu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành cần ưu tiên nghiên cứu, đánh giá thực tiễn theo các giai đoạn hội nhập để tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành và Chính phủ. Đồng thời, tìm cách nâng cao chất lượng thông tin về hội nhập để các đối tượng liên quan tiếp cận được nguồn tin và thụ hưởng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới trách nhiệm và sự chủ động của doanh nghiệp khi khai thác những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo đề xuất kế hoạch hoạt động trong thời gian tới; nghiên cứu mô hình hoạt động của bộ phận chỉ đạo hội nhập kinh tế quốc tế tại các địa phương để có kế hoạch thực hiện cho phù hợp.