Nâng cao hiệu quả kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2020

Kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước là một trong những công cụ quản lý Quỹ Ngân sách nhà nước hiệu quả. Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long đã thực hiện tốt công tác kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước, đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, góp phần làm lành mạnh nền tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết khái quát thực trạng công tác kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long; đánh giá kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

Thực trạng kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long

Tình hình chi thường xuyên NSNN qua KBNN Vĩnh Long

Hiện nay, KBNN Vĩnh Long đang quản lý Quỹ Ngân sách nhà nước (NSNN) của các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách tỉnh, ngân sách đơn vị hành chính cấp huyện, xã, phường, thị trấn trong toàn Tỉnh.

Những năm qua, tổng số chi thường xuyên NSNN tại KBNN Vĩnh Long qua các năm không ngừng tăng lên, các lĩnh vực chi đều cấp phát theo dự toán được cấp có thẩm quyền giao, trong đó, chi cho sự nghiệp kinh tế, y tế, giáo dục và chi cho quản lý hành chính chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi NSNN.

Trong tổng số chi thường xuyên của các đơn vị dự toán tại tỉnh Vĩnh Long còn có một số nhiệm vụ chi đặc thù như: Chi cho công tác đền ơn, đáp nghĩa (bao gồm: chi phục vụ thân nhân liệt sỹ; thăm hỏi, hỗ trợ gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng; chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục cũng có thêm yếu tố đặc thù như chăm sóc y tế và giáo dục...).

Số chi NSNN tăng chủ yếu là do điều chỉnh mức lương cơ sở, chế độ tiền lương tăng thêm và nâng lương thường xuyên cho cán bộ, công chức trong các đơn vị. Điều này cho thấy, tỉnh Vĩnh Long đã cơ bản thực hiện nghiêm túc chính sách về tinh giảm biên chế trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp; thực hiện tốt việc thắt chặt chi tiêu công, đặc biệt là chi thường xuyên theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ nhằm giảm bớt gánh nặng cho NSNN.

Các khoản chi thanh toán cá nhân: Kiểm soát chi lương và các khoản có tính chất tiền lương thực hiện theo quy định tại điểm a, b Điều 7 và Khoản 1.4 Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 của Bộ Tài chính. Chi tiền lương là khoản chi lớn nhất các khoản chi thanh toán cho cá nhân (chiếm khoảng 54%), đây là khoản chi được ưu tiên hàng đầu trong cấp phát, thanh toán chi thường xuyên NSNN qua KBNN; Tiếp theo là chi phụ cấp lương (chiếm 26%), chi đóng góp (8%); chi thanh toán khác cho cá nhân (chiếm 6,5%); chi tiền công trả cho lao động thường xuyên theo hợp đồng (chiếm 3%)...

Các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn: Các khoản chi thanh toán nghiệp vụ chuyên môn của Tỉnh đã kiểm soát, thanh toán qua KBNN gồm: Các khoản chi phí nghiệp vụ chuyên môn của từng ngành là mục chi lớn nhất, số tiền thanh toán lên tới 1.012.142 triệu đồng, bằng 27,8% tổng chi thanh toán nghiệp vụ chuyên môn ngân sách cấp Tỉnh giai đoạn 2016–2018. Đây là những khoản chi thường xuyên trọng yếu, nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của đơn vị sử dụng ngân sách là việc bắt buộc, diễn ra thường xuyên. 

Các khoản chi mua đồ dùng, trang thiết bị, phương tiện làm việc, sữa chữa lớn tài sản cố định và xây dựng nhỏ: Đối tượng kiểm soát bao gồm các khoản chi mua sắm, sữa chữa tài sản cố định. Tỷ trọng chi sửa chữa lớn, mua sắm tài sản cố định là 964.137 triệu đồng, chiếm tỷ lệ khá lớn là 65%, còn chi mua tài sản dùng cho công tác chuyên môn là 519.151 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 35%.

Trong quá trình kiểm soát các khoản mua sắm tài sản, KBNN Vĩnh Long nhận thấy, rất nhiều trường hợp đơn vị mua sắm, sửa chữa tài sản từ những năm trước nhưng sang năm mới thực hiện thanh toán chi trả cho đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ do chưa bố trí dự toán. Những khoản nợ đọng này đã gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ, vì vậy, cần có một chính sách mới trong quản lý, kiểm soát việc mua sắm tài sản công.  

Các khoản chi thường xuyên khác: Các khoản chi khác về cơ bản đều được kiểm soát chặt chẽ tại KBNN theo đúng quy định của Luật NSNN năm 2015, khi thanh toán phải đảm bảo điều kiện thanh toán như: Phải được bố trí trong dự toán được phê duyệt; có đầy đủ các hồ sơ, chứng từ theo đúng quy định đối với từng khoản chi; đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi thường xuyên; được chủ tài khoản hoặc người ủy quyền quyết định chi.

Về tỷ trọng các khoản chi khác từ ngân sách Tỉnh đã kiểm soát, thanh toán qua KBNN: Các khoản chi khác (như kỷ niệm các ngày lễ lớn, khắc phục hậu quả thiên tai, chi thưởng, chi bảo hiểm phương tiện, tài sản, chi tiếp khách...) chiếm tỷ trọng lớn nhất, với số tiền lên tới 912.627 triệu đồng, bằng 84,6% trong tổng chi khác từ ngân sách thường xuyên.

Tình hình kiểm soát chi thường xuyên nguồn NSNN qua KBNN

Trong công tác kiểm soát chi, KBNN Vĩnh Long luôn chủ động nghiên cứu vận dụng cơ chế, chính sách và báo cáo cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi. Đồng thời, KBNN phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính, ngân hàng để tổ chức thực hiện tốt việc thanh toán, chi trả; Các khoản chi đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo quy định trước khi xuất Quỹ NSNN thanh toán theo đề nghị của các đơn vị sử dụng NSNN; Đôn đốc thu hồi các khoản chi tạm ứng cho các đơn vị sử dụng NSNN; Giảm thiểu số dư tạm ứng chi thường xuyên, góp phần làm lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN. Điều này đã góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, loại bỏ tiêu cực, phòng chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.

Đánh giá kết quả thực hiện công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên NSNN qua KBNNVĩnh Long đối với các đơn vị sử dụng ngân sách trong giai đoạn 2016-2018 cho thấy, KBNN đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên của NSNN (Bảng 1).

Trong giai đoạn 2016-2018, KBNN Vĩnh Long đã phát hiện và từ chối cấp phát, chi trả, thanh toán các khoản chi của đơn vị thụ hưởng NSNN với tổng số tiền 25.077 triệu đồng, cụ thể: Năm 2016, từ chối thanh toán 8.945 triệu đồng; Năm 2017, từ chối thanh toán 8.369 triệu đồng; Năm 2018, từ chối thanh toán 7.763 triệu đồng.

Nâng cao hiệu quả kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long  - Ảnh 1

Qua kết quả kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định, mỗi năm, KBNN Vĩnh Long đã từ chối thanh toán hàng trăm khoản chi của các đơn vị, nguyên nhân là do chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định. Nội dung các khoản chi KBNN Vĩnh Long từ chối thanh toán cụ thể gồm: Vượt dự toán 211 triệu đồng; Chi sai mục lục NSNN 401 triệu đồng; Sai các yếu tố trên chứng từ chi NSNN 15.355 triệu đồng; Sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi là 1.131 triệu đồng; Thiếu hồ sơ, thủ tục là 7.979 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2016-2018, KBNN Vĩnh Long cũng đã phát hiện 271 khoản chi không đủ điều kiện cấp phát, từ chối cấp phát 25.077 triệu đồng. Các vi phạm của đơn vị chủ yếu là: Chi vượt dự toán, sai mục lục NSNN, sai các yếu tố trên chứng từ, sai chế độ tiêu chuẩn định mức, thiếu hồ sơ thủ tục... Số liệu từ chối thanh toán, cấp phát chi NSNN trên đã phản ánh cụ thể về kết quả của công tác kiểm soát chi thường xuyên, từng bước chấn chỉnh và qua đó nâng cao vị thế, vai trò của KBNN Vĩnh Long. Theo đó, công tác lập, duyệt, phân bổ dự toán dần đi vào nề nếp, giúp cho đơn vị dự toán và cơ quan Tài chính, KBNN có căn cứ để KBNN Vĩnh Long quản lý và điều hành NSNN hiệu quả hơn.

Đánh giá công tác kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long

Quy trình kiểm soát chi tại KBNN Vĩnh Long được công khai rộng rãi, niêm yết tại trụ sở làm việc giúp các đơn vị sử dụng ngân sách biết rõ những chứng từ cần có đối với từng khoản chi để hoàn thiện hồ sơ gửi đến Kho bạc để thanh toán. KBNN Vĩnh Long tổ chức công tác hạch toán kế toán kịp thời, chính xác theo đúng mục lục ngân sách quy định, qua đó giúp cho công tác tổng hợp số liệu báo cáo, phân tích hoạt động thu, chi NSNN đảm bảo tính trung thực, đặc biệt, giúp cho cấp ủy và chính quyền địa phương quản lý và điều hành hiệu quả quỹ NSNN.

Công tác thực hiện kiểm tra và tự kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ, nhất là nghiệp vụ kiểm soát chi NSNN tại đơn vị luôn được Lãnh đạo KBNN Vĩnh Long quan tâm, coi trọng và thường xuyên đôn đốc, theo dõi để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các sai sót.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn hoạt động cho thấy cũng còn một số tồn tại, điển hình như kiểm soát chi thường xuyên tại đơn vị chưa chuyên nghiệp, đầu mối còn bị phân tán ở 2 bộ phận trong cùng 1 đơn vị nên chưa tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng khi đến giao dịch thanh toán với Kho bạc.

Việc công khai các quy trình, thủ tục hành chính chưa kịp thời, đầy đủ; chưa được ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ khách hàng trong việc tra cứu thủ tục hành chính. Công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm soát chi thường xuyên còn chưa hợp lý; trình độ chuyên môn của một số cán bộ kiểm soát chi chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Một số khoản chi thường xuyên đã được KBNN Vĩnh Long kiểm soát chi nhưng thực tế vẫn chưa đúng với chế độ, tiêu chuẩn, định mức Nhà nước quy định, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng kinh phí NSNN và kết quả công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN của đơn vị. Công tác kiểm soát chi ngân sách thường xuyên theo dự toán tại KBNN hiện nay mới dừng lại ở kiểm soát chấp hành dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm, chưa thực hiện việc kiểm soát chấp hành dự toán chi ngân sách thường xuyên theo kết quả đầu ra trong khuôn khổ chi tiêu trung hạn.

Giải pháp tăng cường kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long

Để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm tăng cường kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Vĩnh Long, các giải pháp được đề xuất thực hiện gồm:

Hoàn thiện bộ máy kiểm soát chi thường xuyên

Nâng cao hiệu quả kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long  - Ảnh 2

Hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán phải gắn liền với hoạt động của KBNN theo hướng chuyên nghiệp, tập trung cao và chuyên sâu về lĩnh vực kiểm soát, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi.

Cùng với đó, phân công nhiệm vụ từng kế toán viên đảm bảo tính chủ động, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, bất kiêm nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; đội ngũ kế toán của KBNN một mặt cần được tăng cường, nâng cao trình độ. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy kế toán KBNN phải đạt được mục tiêu thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN thông qua việc áp dụng đa dạng hóa các loại hình kiểm soát, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan.

Hoàn thiện việc thực hiện quy trình kiểm soát chi thường xuyên

Hiện nay, tại KBNN Vĩnh Long, kiểm soát chi được thực hiện bởi 2 bộ phận: Bộ phận Kiểm soát chi và bộ phận Kế toán. Tại mỗi bộ phận đều có một cửa để tiếp nhận hồ sơ, như vậy riêng giao dịch chi thường xuyên cũng đã có hai cửa. Do vậy, cần xây dựng lại quy trình giao dịch “một cửa” và thống nhất được 3 quy trình kiểm soát vốn NSNN. Theo đó, quy trình kiểm soát chi “một cửa” NSNN qua KBNN Vĩnh Long được đề xuất xây dựng lại theo 10 bước (Sơ đồ 1).

Các bước thực hiện trong quy trình:

Bước 1: Cán bộ giao dịch “một cửa” tiếp nhận hồ sơ chứng từ.

Bước 2: Cán bộ giao dịch “một cửa” chuyển hồ sơ kiểm soát chi cho cán bộ kiểm soát chi.

Bước 3: Cán bộ kiểm soát chi kiểm tra, kiểm soát hồ sơ và trình Trưởng phòng Kiểm soát chi ký.

Bước 4: Cán bộ kiểm soát chi trình Giám đốc (hoặc người được uỷ quyền) ký.

Bước 5: Cán bộ kiểm soát chi chuyển chứng từ thanh toán cho kế toán viên Phòng Kế toán.

Bước 6: Kế toán viên kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ thanh toán trình Kế toán trưởng (hoặc người được ủy quyền) ký chứng từ.

Bước 7: Kế toán viên chuyển chứng từ chuyển khoản cho trung tâm thanh toán hoặc chứng từ nhận tiền mặt cho Phòng Kho quỹ.

Bước 8: Cán bộ kho quỹ chi tiền cho khách hàng.

Bước 9: Cán bộ kiểm soát chi trả tài liệu, chứng từ cho cán bộ giao dịch.

Bước 10: Cán bộ giao dịch “một cửa” trả hồ sơ kiểm soát chi cho khách hàng.

Nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức

Trong kiểm soát chi NSNN thường xuyên phải thực hiện tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên NSNN. Yêu cầu đối với cán bộ này phải có năng lực chuyên môn cao, được đào tạo và bồi dưỡng bài bản, am hiểu và nắm vững tình hình kinh tế, xã hội cũng như các cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Tăng cường kỷ luật giao dịch trong việc kiểm soát, thanh toán

Hiện nay, tại KBNN Vĩnh Long mới chỉ dừng lại ở việc triển khai quy trình hướng dẫn công tác kiểm soát chi NSNN, những quy định chế tài về tài chính đối với các đơn vị sử dụng NSNN, dẫn đến các đơn vị còn vi phạm các quy định trong giao dịch chưa được xây dựng và áp dụng. Để đảm bảo kỷ luật giao dịch, KBNN Vĩnh Long cần xây dựng quy chế giao dịch cụ thể, bám sát vào các quy trình, nghiệp vụ và những quy định có tính bắt buộc để hướng dẫn các đơn vị triệt để chấp hành.

Nâng cao chất lượng kiểm koát chi đối với các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, khoán kinh phí hoạt động

Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị là một văn bản pháp lý, được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước, tuy nhiên mỗi đơn vị lại xây dựng quy chế với những định mức khác nhau trong khả năng kinh phí được phê duyệt của đơn vị và không vượt chế độ, định mức của Nhà nước, vì vậy việc kiểm soát chi các đơn vị theo loại hình này rất phức tạp. Do đó, cần yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách ngay từ đầu năm phải gửi quy chế chi tiêu nội bộ để Kho bạc Nhà nước làm căn cứ kiểm soát chi, giúp đảm bảo kiểm soát chi được thông suốt và hiệu quả.

Tăng cường kiểm tra, tự kiểm tra công tác kiểm soát chi thường xuyên

Thông qua kiểm tra và tự kiểm tra việc triển khai thực hiện các văn bản, chế độ mới ban hành, KBNN cấp trên sẽ xác định những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, những cơ chế, chính sách cần phải đẩy mạnh việc triển khai thực hiện. Việc kiểm tra và tự kiểm tra còn giúp phát hiện những sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ làm công tác kiểm soát chi.

Cùng với các giải pháp trên, để đảm bảo kiểm soát chi hiệu quả, cần đẩy mạnh hiện đại hóa, nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn tài chính; Tăng cường phối hợp nhằm tuyên truyền, giáo dục để nâng cao tính tự giác và trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 39/2016/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC quy định chế độ, kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước;
2. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 40/2016/TT-BTC sửa đổi một số điều của Thông tư số 113/2008/TT-BTC về việc hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước;
3. Kho bạc Nhà nước (2015), Quyết định số 695/QĐ-KBNN ngày 16/7/2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Kho bạc nhà nước ở huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;
4. Kho bạc Nhà nước (2018), Quyết định số 2988/QĐ-KBNN ngày 15/6/2018 về việc ban hành Quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện không có tổ chức phòng;
5. Báo cáo tổng kết của KBNN Vĩnh Long qua các năm 2016, 2017, 2018;
6. Lê Tấn Hùng (2010), Những bất cập từ các văn bản quy định kiểm soát chi thường xuyên trong hệ thống Kho bạc, Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia.