Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trong đó có nguồn lực từ ngân sách nhà nước là yêu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển toàn diện.
Bài viết phân tích về nguồn lực ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.
Nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp hiện nay
Coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, hàng năm, Quốc hội luôn dành mức 20% ngân sách nhà nước (NSNN) nguồn chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các văn bản hướng dẫn, các nguồn tài chính của cơ sở GDNN ở bao gồm: Nguồn NSNN và các nguồn tài chính ngoài NSNN. Trong đó, NSNN giữ vai trò quan trọng và là nguồn đầu tư chủ yếu trong việc duy trì hoạt động và phát triển dạy nghề.
Hàng năm, NSNN đều bố trí kinh phí cho lĩnh vực giáo dục đào tạo bảo đảm tỷ lệ theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chi thường xuyên NSNN cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề giai đoạn 2012-2019 là 1.653.681 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2015 là 769.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2019 là 884.681 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2011-2016, NSNN chi cho dạy nghề được phân bổ theo Luật NSNN năm 2002, từ năm 2017, NSNN chi cho dạy nghề được phân bổ theo Luật NSNN năm 2015. Theo đó, NSNN không phân bổ riêng cho GDNN mà là chung trong phần chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Do đó, việc thống kê chi NSNN cho GDNN chỉ được xác định trong quá trình phân bổ và giao dự toán của đơn vị dự toán cấp trên cho đơn vị sử dụng ngân sách cấp dưới trực thuộc.
Số liệu thống kê trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc cho thấy, tổng chi thường xuyên ngân sách cho hoạt động đào tạo dạy nghề giai đoạn 2011-2017 khoảng 41 nghìn tỷ đồng; tổng chi thường xuyên ngân sách cho GDNN (bao gồm cả các cơ sở thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển sang) ghi nhận trên hệ thống giai đoạn 2018-2019 là khoảng 39 nghìn tỷ đồng; tổng chi NSNN cho dạy nghề và GDNN giai đoạn 2012-2019 là 80 nghìn tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan trung ương là 25,9 nghìn tỷ đồng, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là 54,1 nghìn tỷ đồng.
NSNN cho đào tạo nghề hiện nay thực hiện chi ở 3 nội dung chủ yếu gồm: Nguồn kinh phí thường xuyên; vốn đầu tư xây dựng cơ bản; vốn chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia. Trong giai đoạn 2011-2020, hoạt động dạy nghề được đầu tư thông qua việc triển khai thực hiện các dự án trong các chương trình mục tiêu như: Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm - Dạy nghề với 2 dự án: Dự án Đổi mới và phát triển dạy nghề, dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Chương trình GDNN – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 với Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.
Ngân sách trung ương đầu tư cho GDNN thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2020 là 21.575 tỷ đồng, bằng 2,638 lần so với giai đoạn 2001-2010 (giai đoạn 2001-2010 kinh phí đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia là 8.177 tỷ đồng). Như vậy, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển hệ thống dạy nghề giai đoạn 2011-2020 tăng lên, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong công tác phát triển dạy nghề.
Tuy nhiên, NSNN chi cho hoạt động dạy nghề chỉ chiếm bình quân khoảng 8,4% NSNN chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, ước đạt 70% so với kế hoạch đề ra trong Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 (Chiến lược đưa ra mục tiêu nâng tỷ lệ chi cho dạy nghề trong tổng chi từ NSNN cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề lên 12% - 13%).
Trong khi đó, việc huy động, bố trí kinh phí của bộ, ngành, địa phương cho công tác phát triển dạy nghề rất ít, thậm chí là không có. Do đó, việc đầu tư thiết bị cho các ngành, nghề trọng điểm chưa được đồng bộ; một số bộ, ngành, địa phương phân bổ và giao kinh phí thực hiện các dự án còn chậm; trong triển khai thực hiện còn chưa đúng các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn NSNN cho GDNN và phát huy vai trò của nguồn vốn này, nhiều giải pháp đồng bộ cần được tập trung thực hiện, cụ thể:
Một là, đổi mới cơ chế phân bổ, giao dự toán NSNN cho các cơ sở GDNN gắn với những ngành, lĩnh vực quan trọng; thực hiện quyết liệt các giải pháp về cơ cấu lại chi NSNN đối với GDNN theo hướng không bao cấp dàn trải đối với tất cả các cơ sở đào tạo; phân bổ NSNN cho cơ sở GDNN theo cơ chế đặt hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao hiệu quả thực hiện nguồn NSNN cho GDNN.
Hai là, đổi mới cơ chế tài chính cho các cơ sở GDNN theo hướng tăng quyền tự chủ; tiến tới tăng quyền hạn gắn chặt với trách nhiệm tự chủ tài chính của các đơn vị sử dụng ngân sách và các nguồn lực công. Các cơ sở này cũng sẽ sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả hơn thông qua hợp tác liên doanh, liên kết huy động được nhiều nguồn vốn để tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhà giáo, tạo động lực để nâng cao chất lượng đào tạo...
Ba là, các địa phương cần tiếp tục ưu tiên phân bố chi ngân sách cho GDNN trong tổng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Đồng thời, các địa phương cần ban hành các văn bản có liên quan trong lĩnh vực GDNN theo nhiệm vụ được giao tại các luật, nghị định, quyết định và thông tư của các bộ quản lý chuyên ngành, tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ để các cơ sở GDNN triển khai thực hiện.
Bốn là, có chính sách hỗ trợ trực tiếp học phí đối với một số đối tượng thuộc diện chính sách; thực hiện cho vay tín dụng ưu đãi đối với sinh viên thuộc gia đình nghèo, cận nghèo theo học tại các cơ sở GDNN. Xem xét hỗ trợ trong giai đoạn đầu đối với các trường về cơ sở vật chất để triển khai tự chủ tài chính hoàn toàn...
Năm là, tái cấu trúc hệ thống các cơ sở GDNN công lập, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác quản trị hoạt động GDNN trong các cơ sở GDNN công lập, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa, nhất là xã hội hóa nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động GDNN; thực hiện nguyên tắc từng bước tăng thu từ người học để bù đắp chi phí đào tạo theo lộ trình điều chỉnh giá, phí quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (2019), Báo cáo đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020;
2. Trần Thế Lữ (2018), Huy động nguồn tài chínhtại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập ở Việt Nam, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Học viện Tài chính;
3. http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/37789/seo/Ngansach-cho-truong-nghe-Tien-toi-phan-bo-theo-chat-luong-dao-tao/Default.aspx;
4. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/dau-tu-cua-nha-nuoc-cho-giaoduc-dao-tao-thuc-trang-va-mot-so-de-xuat-130918.html.