Nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam
Trung Quốc là quốc gia láng giềng với Việt Nam và đang từng bước khẳng định vai trò một cường quốc kinh tế thế giới, do vậy, thúc đẩy quan hệ kinh tế bình đẳng nói chung và thu hút đầu tư lành mạnh nói riêng của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm trong chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Mặc dù thời gian qua, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn còn không ít bất cập, nhưng trong “dòng chảy kinh tế” thế giới hiện nay, Việt Nam cần có giải pháp tối ưu hóa lợi ích vốn FDI từ Trung Quốc vào nước ta.
Nhìn lại dòng vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam
Từ cuối năm 1991 đến nay, đầu tư vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam liên tục, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực, mở rộng địa bàn.
- Về quy mô đầu tư: Giai đoạn 1991-2001, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ mang tính chất thăm dò, số dự án và lượng vốn đầu tư vào Việt Nam rất nhỏ so với tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn này. Thống kê cho thấy, tính đến tháng 12/2001, Trung Quốc có 110 dự án với tổng số vốn đăng ký theo giấy phép là 221 triệu USD.
Tốc độ đầu tư chậm, vốn đầu tư trung bình của một dự án khiêm tốn, khoảng 1,5 triệu USD, có nhiều dự án với số vốn đầu tư theo giấy phép khoảng 100.000 USD. Quy mô đầu tư nhỏ đã kéo theo tình trạng hầu hết các dự án đầu tư của Trung Quốc có công nghệ thấp, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phổ thông.
Trong giai đoạn 2001-2010, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng cả về số lượng dự án cũng như quy mô vốn (khoảng 2,5 triệu USD/dự án), xuất hiện khá nhiều dự án từ 1-10 triệu USD.
Đặc biệt, năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cùng với việc đi sâu hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng được cải thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng khá mạnh, với mức vốn bình quân của một dự án đạt lên 4,3 triệu USD/dự án.
Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt nhất, song cũng bắt đầu thể hiện nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trong đó, riêng năm 2016, vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt mức 1,26 tỷ USD, chiếm 8,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc hiện đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 244 dự án, vốn đăng ký cấp mới 1,352 triệu USD với tổng số vốn đăng ký đạt 2,054 triệu USD. Tính lũy kế đến tháng 11/2017, FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam là 1.784 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên đến 12,032 triệu USD.
Trong đó, có nhiều dự án có tổng vốn đầu tư cao rất nhiều so với trước đây như: Dự án nhà máy sản xuất polyester và sợi tổng hợp Billion Việt Nam với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD được DN Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh, hay như Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Lan Sơn và Nhà máy nhựa Khải Hồng Việt vốn đầu tư 150 triệu USD do DN Trung Quốc đầu tư tại Bắc Giang...
- Về lĩnh vực đầu tư: Nếu như các giai đoạn trước FDI của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô nhỏ là chủ yếu, thì thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh, thay đổi đáng kể trong lĩnh vực đầu tư. Các nhà đầu tư Trung Quốc phần lớn đầu tư theo hình thức trực tiếp (100% vốn) và các hợp đồng BOT, BT, BTO… Có thể kể tới Dự án Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1, vốn đầu tư 2 tỷ USD ở Bình Thuận. Trong dự án này, các nhà đầu tư Trung Quốc (Liên danh giữa Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc) nắm giữ tới 95% vốn...
- Về địa bàn đầu tư: Đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có mặt trên hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu tại các tỉnh ven biển (22/28 tỉnh ven biển) và các thành phố, khu vực đông dân cư, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Những điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc: TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Nhận diện một số bất cập
Nhìn lại quá trình thu hút vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể thấy, trong giai đoạn 1991-2001, dòng vốn này tác động chưa đáng kể đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; từ năm 2002 đến năm 2010 mới có chuyển biến rõ rệt, trở thành nội dung chủ yếu trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam có dấu hiệu tăng nhanh. Trong mọi giai đoạn, Việt Nam đánh giá cao vai trò FDI của Trung Quốc trong việc góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, vốn FDI từ Trung Quốc vẫn còn có không ít tồn tại, hạn chế, cụ thể:
Thứ nhất, phần lớn các dự án vốn đầu tư FDI Trung Quốc đều có quy mô nhỏ, chủ yếu được thực hiện bởi các DN nhỏ, ít có sự xuất hiện của các tập đoàn lớn. Quy mô trung bình của các dự án Trung Quốc chỉ bằng 50% mức trung bình của các nhà đầu tư khác.
Thứ hai, tỷ lệ giải ngân vốn thấp, tiến độ giải ngân hay bị chậm trễ, đội vốn. Vốn thực hiện của các DN Trung Quốc chỉ đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong khi tỷ lệ chung của các khu vực FDI đạt xấp xỉ 50%. Trong 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu ngành Công Thương, có nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.
Thứ ba, dòng vốn FDI của Trung Quốc thường tập trung vào những lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản... Đây là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao; Chất lượng nguồn vốn FDI thu hút được không đạt mục tiêu đặt ra, do còn nhiều dự án FDI hàm lượng công nghệ thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu… Những cảnh báo gần đây cho thấy, nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc. Đặc biệt, thời gian qua, vụ việc xả thải, gây ô nhiễm biển các tỉnh miền Trung của Formusa càng dấy lên mối lo ngại về những hậu quả môi trường mà các dự án FDI từ Trung Quốc gây ra.
Thứ tư, các DN FDI của Trung Quốc thường mang theo máy móc thiết bị, nhiều máy móc Trung Quốc mang sang Việt Nam là những máy móc mà nước ta có thể sản xuất được. Cùng với FDI, việc Trung Quốc nhập ồ ạt hàng hoá tiêu dùng rẻ mạt, cũng đã khó khăn cho một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng trong nước…
Thứ năm, người lao động Trung Quốc ồ ạt đến cùng với FDI, làm ăn, buôn bán, nhiều khi trái phép, vi phạm pháp luật, lợi dụng những sơ hở luật pháp của nước chủ nhà. Không ít trường hợp người lao động Trung Quốc còn gây ra các vấn đề tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự địa phương...
Thứ sáu, các DN Trung Quốc bị đánh giá ít có khả năng nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật. Trang thiết bị, máy móc của các DN Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, trình độ công nghệ đạt mức trung bìnḥ… Thực trạng này khiến cho việc kỳ vọng có thể tận dụng được kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ hiện đại khi thu hút của Việt Nam không đạt được kết quả như mong muốn.
Nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI từ Trung Quốc
Dù thời gian qua, chất lượng dòng vốn FDI còn nhiều vấn đề tồn tại nhưng trong “dòng chảy kinh tế” thế giới và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, việc thu hút dòng vốn FDI từ Trung Quốc rất quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Việt Nam phát triển.
Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để có thể thu hút được nguồn vốn FDI từ Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo được các yêu cầu đặt ra, đặc biệt là bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, liên kết hợp tác với các DN trong nước. Theo đó, trong thời gian tới, cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư vốn FDI từ Trung Quốc phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, cần đảm bảo công nghệ các dự án Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam phải là công nghệ cao, hiện đại, không ảnh hưởng tới môi trường.
Về yêu cầu công nghệ, cần lựa chọn đúng dự án dựa trên tiêu chí đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận, sử dụng được thành tựu hiện có của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0… Về cam kết hội nhập, cần rà soát lại các tiêu chuẩn ưu đãi để phù hợp cam kết hội nhập mà hiện nay Việt Nam đang ký kết, tham gia và đảm bảo công bằng với tất cả các nhà đầu tư khác.
Thứ hai, không thu hút FDI bằng mọi giá, đặc biệt là các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng vốn, dự án có giá trị thấp. Trong thời gian tới, cần xúc tiến đầu tư, tuyên truyền về môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam để thu hút các DN lớn của Trung Quốc, giảm bớt các DN nhỏ lẻ, tìm kiếm các dự án có tầm ảnh hưởng, góp phần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Thứ ba, cần thực hiện tốt khâu hậu kiểm, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong quản lý các dự án FDI đã được cấp phép, không để tái diễn việc gây ô nhiễm môi trường. Nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng và báo chí trong việc giám sát, đánh giá tác động môi trường tại địa bàn…
Thứ tư, kiên quyết từ chối cấp phép cũng như thu hồi giấy phép đối với những dự án FDI không bảo đảm tiêu chuẩn lao động, tiền lương, không phù hợp với lợi ích cộng đồng, không bảo đảm an toàn lao động, nhất là dự án gây ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên để xuất khẩu chứ không phải để chế biến làm gia tăng giá trị sản phẩm…
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Đầu tư nước ngoài (2017), Số liệu thống kê tình hình thu hút vốn FDI 11 tháng đầu năm 2017;
2. Viện Nghiên cứu Trung Quốc (2014), Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam sau hơn 20 năm nhìn lại;
3. Hồ Mai (2017), Vốn đầu tư từ Trung Quốc: Nếu có năng lực lựa chọn thì không đáng lo, Tạp chí Nhà đầu tư;
4. Nguyên Đức (2017), Giải bài toán khai thác tiềm năng vốn FDI từ Trung Quốc, Báo Đầu tư;
5. Nguyễn Thu Hằng (2012), Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam: Tác động và một số vấn đề đặt ra, Luận văn Thạc sỹ.