FDI 2017 giải ngân kỷ lục, Việt Nam được gì?
Vốn FDI vào Việt Nam năm 2017 đạt gần 36 tỷ USD, gấp gần 2 lần cách đây 4 năm, nhưng tính lan toả chưa như kỳ vọng.
Như vậy lượng vốn ngoại vào Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua, từ 20 tỷ USD năm 2014 lên mức gần 36 tỷ năm nay. Xét ở góc độ giải ngân, năm nay vốn FDI cũng ghi nhận kỷ lục khi đạt 17,5 tỷ USD.
Vốn hoá doanh nghiệp Việt bằng 1/5 Singapore, 1/3 Thái Lan
Bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc điều hành VinaCapital kể, cách đây 3 năm tập đoàn này có đầu tư vào doanh nghiệp lớn ở Việt Nam trong ngành hàng tiêu dùng. Các năm sau đó doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu đều đặt 20% mỗi năm. Tình thế hiện đảo chiều khi cổ phiếu công ty mất giá tới 50% giá trị trong năm 2017 do sản phẩm doanh nghiệp này kinh doanh sẽ được dỡ bỏ thuế quan từ năm 2018 và sự xuất hiện ngày càng nhiều của doanh nghiệp vốn ngoại kinh doanh cùng mặt hàng.
Dẫn khó khăn một công ty Việt mà Vinacapital rót vốn đang phải đối diện bà Loan đúc kết, thực tế nếu không có kế hoạch ứng phó, doanh nghiệp nội dễ dàng bị đối thủ ngoại "nuốt chửng". “Nhiều doanh nghiệp trong nước đang đón nhận hội nhập với sự ‘sợ hãi’, hơn là cơ hội”, bà nói.
Nhìn vào con số thu hút ấn tượng và giải ngân FDI kỷ lục năm nay, TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, FDI đã, đang góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế, tạo ra tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh những tác động tích cực FDI cũng có những tác động khác.
“FDI vào không phải để làm từ thiện, họ bỏ ra một đồng là để thu lại hơn một đồng. Thực tế FDI vào Việt Nam tính lan toả chưa như kỳ vọng, chưa tác động tới nhiều doanh nghiệp trong nước”, ông nhắc nhở.
Nguyên Phó viện trưởng CIEM phân tích, với nước đang phát triển cái thắng quan trọng nhất là tính lan toả về kỹ năng, lao động, quản lý. Ở khía cạnh này với Việt Nam, sự tham gia thị trường của doanh nghiệp FDI lâu nay chỉ giúp “chúng ta thắng ở khía cạnh việc làm, thu nhập, một phần nào đó GDP và phần nào giá trị gia tăng”.
“Dòng vốn FDI vào nếu quản lý vĩ mô không tốt sẽ tạo ra lạm phát, bong nóng bất động sản, lên giá đồng USD gây hại cho xuất khẩu”, ông Thành cảnh báo.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh đồng tình, tính lan toả của FDI tới doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Hình ảnh rõ nhất là sự tham gia của doanh nghiệp Việt hạn chế trong mạng lưới cung ứng của các tập đoàn lớn. Đơn cử, chưa doanh nghiệp nào lọt vào danh sách nhà cung ứng cấp 1 và 2 của 2 tập đoàn đa quốc gia sản xuất điện tử là Intel, Samsung.
“Nhà cung cấp cấp 1, 2 của họ hầu hết là doanh nghiệp ngoại. Chẳng hạn có 6 nhà cung cấp Việt cho nhà máy của Samsung Thái Nguyên thì hầu hết chỉ đảm nhiệm công việc như cung ứng bao bì, xử lý chất thải…”, Giám đốc chương trình Fulbrigh nêu.
Chưa kể khi tham gia được rồi thì sự vươn lên của doanh nghiệp Việt cũng rất hạn chế. Còn về môi trường, hiện có rất nhiều dự án tác động xấu tới môi trường, rõ nhất là câu chuyện Fomosa.
“Đầu tư nước ngoài là quan trọng, nhưng đóng góp như thế nào cho nền kinh tế còn quan trọng hơn. Việt Nam hội nhập, nhưng đừng là điểm trung gian để các doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhờ”, TS. Tự Anh lưu ý.
Ấn tượng với mức tăng GDP những năm gần đây, trong đó năm 2017 ở 6,7%, nhưng theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, thành tích này có chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài, nên trong khi doanh nghiệp ngoại thặng dư thì khu vực trong nước thâm hụt thương mại. “Các doanh nghiệp ngoại đã tận dụng tốt hơn cơ hội hội nhập, các FTA. Bối cảnh này kinh tế Việt Nam không có vốn ngoại thì "rất tệ", nhưng tiếp tục như hiện tại lại có vấn đề”, ông Cung nói.
Trước làn sóng vốn đầu tư ngoại, theo các chuyên gia, Việt Nam không thể đứng ngoài nhưng cũng đừng để bị cuốn theo.
Góp ý, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, sau thời gian ồ ạt hiện là lúc Việt Nam cần chọn lọc hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Với doanh nghiệp trong nước, cần tìm cách để gia nhập vào chuỗi cung ứng của tập đoàn đa quốc gia và tận dụng các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu.
“Bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, nếu chúng ta không bảo vệ được thị trường trong nước, cứ hăm hở xuất khẩu thì sẽ đánh mất ‘mảnh đất’ của mình vào đối thủ ngoại”, vị thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói.
Cuối cùng là cải cách trong nước phải song hành với thể chế. “Ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực rất cần thiết, mượn ngoại lực chúng ta có thể đi được một quãng đường, nhưng cuối cùng vẫn phải dựa vào nội lực, tiềm năng và sức sống, sức sáng tạo của người dân và doanh nghiệp Việt Nam”, TS. Tự Anh lưu ý.