Nâng cao hiệu quả tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập Việt Nam


Bài viết nghiên cứu tình hình thực hiện tự chủ về tài chính ở các trường đại học công lập Việt Nam hiện nay. Kết quả cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã giúp các trường chủ động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm và hiệu quả; tăng nguồn thu ngoài ngân sách thông qua đa dạng hóa hoạt động sự nghiệp, liên doanh, liên kết.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường hiện nay vẫn gặp phải khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, chính sách cho đến quá trình triển khai. Nghiên cứu thực trạng triển khai cơ chế tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập Việt Nam, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ tài chính ở các trường này.

Đặt vấn đề

Tự chủ đại học là hướng đi tất yếu trong sự phát triển hệ thống các trường đại học, trong đó, tự chủ tài chính là bước thực hiện khó khăn nhất ở các trường đại học công lập (ĐHCL) Việt Nam. Bởi ở các trường đại học công lập, nguồn kinh phí có được chủ yếu nhờ vào học phí và từ ngân sách nhà nước. 

Hiện nay, một số trường đại học công lập đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh… Nhìn chung, việc triển khai chính sách của Nhà nước về tự chủ đại học nói chung và tự chủ tài chính nói riêng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp các trường chủ động hơn trong khai thác nguồn thu và quản lý chi tiêu; mở rộng và quảng bá chương trình đào tạo, liên kết, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng để thu hút sinh viên trong và ngoài nước.

Các trường thực hiệan thí điểm tự chủ tài chính cũng đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ, các định mức chi tiêu cũng được xây dựng phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, chính sách cho đến quá trình triển khai thực hiện tự chủ tài chính. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập Việt Nam là cần thiết.

Thực trạng tự chủ về tài chính ở các trường đại học công lập Việt Nam

Tự chủ về tài chính là trường đại học được quyền quyết định hoạt động tài chính của nhà trường, bao gồm các hoạt động thu, chi, quản lý và phân phối kết quả hoạt động tài chính, huy động vốn, quản lý các quỹ chuyên dụng, quản lý tài sản, quản lý nợ phải trả và các hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật. Tự chủ đại học hiện nay là xu hướng tất yếu, mang tính toàn cầu trong quản trị giáo dục đại học.

Trong điều kiện nguồn ngân sách dành cho giáo dục đại học còn hạn hẹp thì thực hiện tự chủ tài chính của các trường đại học công lập là tất yếu, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời vận động các nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục đại học. Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập đã tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học công lập, nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính và tài sản của đơn vị, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) được giao tiết kiệm, hiệu quả. 

Thực tiễn cho thấy, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã thúc đẩy các trường đại học công lập chủ động trong tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học theo nhu cầu của xã hội, tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để tạo ra các giá trị thực tiễn thông qua việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với tự chủ đại học. Theo đó, đến năm 2018, trên cả nước, có 23 trường đại học thí điểm áp dụng tự chủ tài chính 100%, hầu hết là những trường về kinh tế, xã hội, nhân văn, kỹ thuật, công nghệ.

Thực tiễn cho thấy, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đã thúc đẩy các trường đại học công lập chủ động trong tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học theo nhu cầu của xã hội, tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp để tạo ra các giá trị thực tiễn thông qua việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Xét về quy mô nguồn tài chính: Kết quả khảo sát cho thấy, các trường đại học công lập ở các thành phố lớn, vị trí địa lý thuận lợi, có thương hiệu và đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh có quy mô nguồn thu sự nghiệp lớn, khoảng 700 tỷ đồng/năm và tăng trưởng qua các năm.

Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng nguồn thu sự nghiệp của các trường này cao hơn so với trước khi thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Đây là cơ sở để các trường tăng cường cơ sở vật chất, tăng thu nhập cho đội ngũ viên chức và người lao động, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, đối với các trường tự chủ một phần chi thường xuyên có quy mô nguồn tài chính còn nhỏ, dưới 100 tỷ đồng/năm và quy mô nguồn tài chính qua các năm tăng trưởng không đáng kể, thậm chí có năm giảm.

Cơ cấu nguồn tài chính của các trường hiện nay chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp; nguồn viện trợ, tài trợ và nguồn thu khác chiếm tỷ trọng không đáng kể. Đối với các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên và đầu tư, ngân sách nhà nước cấp chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu nguồn thu sự nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn, trên 90% tổng thu. Đối với các trường tự chủ một phần chi thường xuyên, ngân sách nhà nước cấp chiếm tỷ trọng lớn từ 49,0% đến 58,5%, nguồn thu sự nghiệp chiếm từ 41,5% đến 51,0% tổng thu.

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính có tác động tích cực đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài chính. Phần lớn các trường đã đảm bảo tương đối tốt hoạt động chi thường xuyên, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học thông qua việc miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, trích học bổng khuyến khích theo quy định và có chênh lệch thu lớn hơn chi, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên so với giai đoạn trước…

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập Việt Nam vẫn còn một số tồn tại bất cập, hạn chế cần tháo gỡ như:

Một là, cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước cho các trường đại học công lập còn mang tính bình quân, chủ yếu căn cứ theo mức độ tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên mà chưa gắn với chất lượng sản phẩm đầu ra, hiệu quả sử dụng nguồn tài chính của từng trường. Mặt khác, cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước chưa thực sự trở thành công cụ điều tiết quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.

Hai là, chính sách học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ chưa bảo đảm tính đủ chi phí đào tạo cần thiết, đặc thù đào tạo của từng ngành, nghề cũng như chưa gắn với yêu cầu chất lượng sản phẩm đầu ra và thương hiệu của từng trường.

Ba là, nguồn thu sự nghiệp của các trường đại học công lập phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu học phí. Trong khi, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Nguồn thu từ tài trợ, viện trợ… của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế đối với nhiều trường. Ngoài ra, nguồn thu sự nghiệp của một số trường ở địa phương do điều kiện kinh tế - xã hội phát triển chưa cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nên việc huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước gặp khó khăn, quy mô nguồn thu nhỏ và chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước cấp.

Bốn là, trong cơ cấu chi của các trường đại học công lập, nguồn tài chính chi cho đầu tư cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học còn hạn chế đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên.

Năm là, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học thiếu đồng bộ, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện…

Giải pháp nâng cao hiệu quả tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập Việt Nam

Để hạn chế những tồn tại, vướng mắc trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập Việt Nam trong thời gian tới, cụ thể:

Một là, tiếp tục hoàn thiện các khung văn bản pháp lý, chính sách của Nhà nước về tự chủ ở trường đại học. Các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, các tiêu chí đánh giá mức độ và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị được giao tự chủ nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các tiêu chuẩn, định mức và mở rộng lĩnh vực giao quyền tự chủ cho các đơn vị; sửa đổi chính sách phí, lệ phí cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học công lập đã được quy định, nhưng cần được trao quyền đồng bộ về tự chủ tuyển sinh, chuyên môn, học thuật, tổ chức bộ máy và nhân sự, về học phí, về cơ chế tạo nguồn và sử dụng nguồn kinh phí cùng với tự chủ tài chính.

Hai là, tạo điều kiện linh hoạt để các trường đại học xây dựng khung học phí đào tạo. Các trường đại học công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên trong giá dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập, đảm bảo nguyên tắc lấy thu đủ bù đắp chi phí đào tạo trong học phí. Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu, vùng xa về mức học phí… tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận giáo dục đại học.

Ba là, các trường đại học công lập cần tiếp tục chủ động trong triển khai kế hoạch tài chính và thực hiện các quy chế về tài chính. Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ mang tính chi tiết, đảm bảo tính công khai, dân chủ và công bằng; xây dựng được hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của từng người lao động. Trong đó, chú trọng giải pháp chi trả thu nhập theo hiệu quả công việc, khuyến khích, hấp dẫn, thu hút người có năng lực, có trình độ. Đặc biệt là phải xây dựng được chiến lược tài chính hợp lý cho đầu tư cơ sở vật chất trong ngắn hạn và dài hạn; Coi trọng và tích cực tìm kiếm, thu hút nguồn lực tài chính từ các nguồn dự án, nguồn vốn viện trợ nước ngoài. 

Bốn là, thực hiện phân cấp cho các đơn vị trong trường và nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các trường đại học nhằm đảm bảo các trường đại học hoạt động theo đúng luật pháp. Tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai tài chính. Khuyến khích thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu và đào tạo, doanh nghiệp khoa học, công ty dịch vụ; phân cấp cho các đơn vị trực thuộc chủ động gia tăng nguồn thu và được quyền tự chủ về chi; hoàn thiện quy chế chi tiêu nội bộ; quy định rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm quản lý, giải trình về tài chính; tổ chức hoạt động kiểm soát nội bộ và công khai minh bạch tài chính; tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý tài chính cho đội ngũ làm công tác tài chính, kế toán và đơn vị trực thuộc.

Năm là, các trường đại học cần mở rộng nguồn thu ngoài học phí. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học để tiến tới tự chủ về khoa học công nghệ. Xây dựng chương trình đào tạo, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, một mặt là nâng cao chất lượng, mặt khác giúp cho nhà khoa học tìm kiếm được nguồn tài trợ từ dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Thực hiện tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ, vừa thúc đẩy tự chủ tài chính, vừa là điều kiện để thúc đẩy việc thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0.         

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Hội nghị Tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đọan 2014-2017, Hà Nội;

2. Bộ Tài chính (2011), Đánh giá tình hình thực hiện tự chủ tài chính và định hướng đổi mới cơ chế tài chính đối với các trường đại học công lập giai đoạn 2012-2020, Hà Nội;

3. Nguyễn Đình Hưng (2018), “Bài học kinh nghiệm về tự chủ tài chính ở một số cơ sở giáo dục đại học trên thế giới và Việt Nam”, Tạp chí Công Thương;

4. Nguyễn Đồng Anh Xuân, Phạm Thu Hà (2021), Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Công Thương.

(*) ThS. Nguyễn Thị Thủy - Học viện Cảnh sát nhân dân.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 12/2021.