Tăng quyền tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập

Huyền Thu

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 21/6/2021 đã góp phần hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng quyền tự chủ tài chính, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã cụ thể hóa chủ trương, định hướng về cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, Nghị định đã sửa đổi về cơ chế tính toán, chi trả tiền lương, tạo động lực khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính.

Theo ông Nguyễn Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), trước đây, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định đơn vị sự nghiệp công lập chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công (không phân biệt đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động và đơn vị do ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ một phần hay hỗ trợ toàn bộ chi phí hoạt động). Việc chi trả thu nhập tăng thêm của người lao động sẽ căn cứ vào kết quả hoạt động tài chính trong năm (sau khi tính toán cân đối chênh lệch thu, chi, nộp các khoản thuế cho Nhà nước theo quy định, mới được sử dụng từ quỹ bổ sung thu nhập tăng thêm cho người lao động). Do đó, chưa khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập và người lao động tăng cường khai thác nguồn thu ngoài NSNN.

Thực hiện định hướng đổi mới theo Nghị quyết số 19-NQ/TW và khắc phục hạn chế nêu trên, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định, kể từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ ở mức cao (đơn vị tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên) được trả lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp; đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên hoặc đơn vị do NSNN bảo đảm chi thường xuyên chi trả tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp theo quy định hiện hành.

Nghị định số 60/2021/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và nguyên tắc NSNN hỗ trợ đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, quy định việc phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở tách bạch rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và hoạt động kinh doanh dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, NSNN hỗ trợ chi thường xuyên sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên, việc giao dự toán chi NSNN trên cơ sở nhiệm vụ được Nhà nước giao và thực hiện theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, cụ thể đến năm 2025, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã quy định về hoạt động liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định cụ thể đối với liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới và không thành lập pháp nhân mới. Đồng thời, bổ sung quy định về tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế - dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, đã quy định một số nội dung đặc thù trong sử dụng nguồn tài chính và phân bổ, giao dự toán của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế - dân số và lĩnh vực giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Đây là các ngành, lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các dịch vụ sự nghiệp công. 

Như vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 đã góp phần hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; khuyến khích đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thực hiện cổ phần hóa. Trong đó, việc xác định mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã được hoàn thiện theo hướng tách bạch rõ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và hoạt động kinh doanh dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở đó, xác định mức hỗ trợ từ NSNN chỉ sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp Nguyễn Trường Giang cho rằng, Nghị định 60/2021/NĐ-CP được ban hành đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của việc đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh xã hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công; khắc phục một số tồn tại hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP trước đây.

Đặc biệt, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã gắn việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN với cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Từ đó, thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW trong thời gian tới.