Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Thời gian qua, cơ chế chính sách về tín dụng và hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày một kiện toàn, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn tín dụng. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn tín dụng, điều này đòi hỏi phải tiếp tục có các giải pháp để tháo gỡ.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), thu hút hơn 5,6 triệu lao động, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 31% vào tổng thu ngân sách hàng năm.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của khu vực DNNVV, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cho DNNVV phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Ngày 16/05/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 1 triệu DN hoạt động. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và phát triển DN, nhất là DNNVV, trong đó có những giải pháp hỗ trợ về tiếp cận tín dụng.
Ngày 12/06/2017, Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội thông qua, tạo khuôn khổ pháp lý hỗ trợ hoạt động của DNNVV.
Theo đó, 3 nhóm đối tượng gồm: DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sẽ được hỗ trợ theo các hình thức sau: (1) Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; (2) Hỗ trợ thuế, kế toán; (3) Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; (4) Hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; (5) Hỗ trợ mở rộng thị trường; (6) Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; (7) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Ngày 08/03/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhằm cấp bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV vay vốn tại các tổ chức cho vay theo quy định.
Đặc biệt, bám sát chỉ đạo và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai một loạt giải pháp nhằm tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn ngân hàng phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh như:
(i) Quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có DNNVV được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường (theo Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 07/7/2017 và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN);
(ii) Ban hành các chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành/lĩnh vực như: Cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của NHNN và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ); Cho vay trên cơ sở bảo lãnh các tổ chức bảo lãnh cho các DNNVV sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (Thông tư số 01/2016/TT-NHNN ngày 04/02/2016 của NHNN).
Cùng với đó, NHTM đã yêu cầu các TCTD đa dạng hóa các chương trình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, chuẩn hóa quy trình thu thập khai thác thông tin khách hàng, qua đó nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá tín nhiệm và tăng cường cho vay không có tài sản đảm bảo, triển khai các chương trình kết nối ngân hàng – DN nhằm tháo gỡ khó khăn của DNNVV trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Nhìn chung, cơ chế, chính sách về tín dụng và hỗ trợ vay vốn từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho khu vực DNNVV phát triển. Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận tín dụng qua hệ thống ngân hàng thương mại cũng dần hoàn thiện, nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, khu vực DNNVV hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Có nhiều nguyên nhân cản trở DNNVV tiếp cận vốn tín dụng, song tựu chung ở một số vấn đề như sau:
Về phía Nhà nước:
- Các thiết chế về quyền sử dụng đất chưa tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Chẳng hạn, trong lĩnh vực cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tài sản đảm bảo cho khoản vay thường là đất nông nghiệp có giá trị thấp, trong khi tài sản trên đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo vay vốn ngân hàng…
- Trước khi Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn được ban hành, các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
- Sự liên kết giữa các chính sách và các bộ, ban, ngành trong việc phối hợp hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực của khối DNNVV còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được tổng thể nguồn lực của các bên liên quan nhằm hỗ trợ tốt hơn đối với DNNVV. Các chính sách hỗ trợ còn tản mát nhiều nơi, chưa có đầu mối thống nhất để tổng hợp cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ cho DNNVV.
Về phía các tổ chức tín dụng:
- Do hạn chế về nguồn vốn, nên quy mô của các quỹ còn khá nhỏ, dẫn đến số tiền bảo lãnh còn hạn chế so với nhu cầu của các DNNVV.
- Thủ tục vay vốn còn phức tạp, qua nhiều quy trình. Các sản phẩm tín dụng dành cho DNNVV hiện nay của các TCTD chưa phong phú, một số DN không tìm được các sản phẩm tín dụng phù hợp…
- Còn tồn tại tâm lý phân biệt đối xử khi quyết định cho DNNVV vay vốn. Theo Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2017 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 điểm % đến 26 điểm % nếu DN nộp hồ sơ xin vay thuộc DNNVV. Ngược lại, xác suất sẽ tăng khoảng 2,3 đến 2,8 điểm % nếu DN đó thuộc sở hữu nhà nước.
- Trong quá trình cho vay DNNVV, các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn do đặc thù các DNNVV là các DN có thời gian thành lập hoặc vòng đời kinh doanh ngắn, nên thiếu tính ổn định trong hoạt động kinh doanh cũng như chưa minh bạch về thông tin cung cấp cho ngân hàng.
Về phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa:
- Các DNNVV cũng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện liên quan đến tài sản đảm bảo theo quy định chung của hệ thống ngân hàng thương mại. Nguyên nhân là do phần lớn DNNVV có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế. Bản thân DNNVV cũng còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, do tài sản của DN có giá trị thấp, dòng tiền không dồi dào, lịch sử quan hệ tín dụng và xếp hạng tín dụng với ngân hàng chưa cao.
- Các DNNVV còn hạn chế về thông tin tiếp cận vay vốn ngân hàng cũng như năng lực để chuẩn bị hồ sơ vay vốn, quy trình và thủ tục vay vốn của các ngân hàng thương mại hiện tại còn khá phức tạp đối với DNNVV.
- Thông tin tài chính kế toán của DNNVV chưa theo chuẩn mực, thông tin chưa đảm bảo minh bạch, do các DNNVV chưa coi trọng việc xây dựng hệ thống số liệu này. Báo cáo tài chính của các DN phần lớn không có kiểm toán, tính chính xác còn hạn chế, điều này dẫn đến những khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ cho vay đối với các DNNVV của các ngân hàng thương mại…
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng hiệu quả
Để tháo gỡ những rào cản, giúp DNNVV tiếp cận tín dụng hiệu quả để mở rộng hoạt động sản xuất- kinh doanh, thời gian tới cần tập trung thực hiệm một số nội dung sau:
Một là, cần điều chỉnh cơ chế bảo lãnh không hủy ngang để giúp TCTD yên tâm khi cấp tín dụng. Đồng thời, xây dựng những quy định cụ thể về việc trích lập dự phòng rủi ro, xây dựng Quỹ Dự phòng rủi ro. Để mở rộng quy mô, tăng vốn điều lệ của Quỹ Dự phòng rủi ro, có thể kêu gọi nguồn vốn từ các TCTD và các quỹ nước ngoài.
Hai là, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê về DNNVV, cũng như xếp hạng tín dụng của các DNNVV, bởi vì, đối với thị trường vốn cho DNNVV, tính minh bạch thông tin và đánh giá khả năng chi trả của DNNVV đang là hạn chế, dẫn đến các TCTD còn e ngại trong quyết định cho vay, hoặc gia tăng yêu cầu hồ sơ tín dụng của DNNVV.
Ba là, các DNNVV cần lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực khai thác được lợi thế so sánh của DN, đồng thời thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đầu tư để nâng cấp công nghệ lõi, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến. Các DNNVV cùng cần chú trọng tăng cường năng lực quản trị công nghệ, tạo dựng nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, hiệu quả.
Bốn là, minh bạch trong sổ sách kế toán, tài chính bằng cách thực hiện nghiêm túc chế độ kế toán cho DNNVV, có thể sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập trong trường hợp cần minh chứng tính minh bạch đối với các TCTD.
Năm là, các ngân hàng cần hướng đến đơn giản hóa các thủ tục cho vay, yêu cầu cung cấp các thông tin phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các DNNVV có thể nắm bắt và thực hiện được. Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn vào quản lý các hoạt động của ngân hàng, từ đó giúp ngân hàng có thể nắm bắt được thông tin về hoạt động kinh doanh có hiệu quả không, đồng thời kịp thời đánh giá chính xác được mức độ tín dụng của khách hàng.
Sáu là, đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho DNNVV, tăng cường tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ từ các chương trình, dự án ưu đãi của các tổ chức trong và ngoài nước để tài trợ cho các lĩnh vực kinh doanh đặc thù của các DNNVV được Chính phủ, Nhà nước chú trọng phát triển. Đồng thời, thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng là DNNVV theo từng nhóm ngành nghề để từ đó có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách linh hoạt.
Bảy là, để khắc phục khó khăn đối với DNNVV luôn thiếu tài sản bảo đảm khi muốn tiếp cận nguồn tín dụng, ngân hàng có thể cho vay theo chuỗi cung ứng dựa trên uy tín và mức độ rủi ro của một DN trung tâm (khách hàng lớn và truyền thống của ngân hàng). Với cách thức này có thể giúp DNNVV khắc phục được khó khăn khi thiếu tài sản bảo đảm – một trong những vướng mắc lớn nhất của các DNNVV hiện nay.
Nhìn chung, cơ chế, chính sách về tín dụng và hỗ trợ vay vốn từng bước được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận tín dụng qua hệ thống ngân hàng thương mại cũng dần hoàn thiện, nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ kế hoạch và đầu tư (2020), Sách trắng DN Việt Nam năm 2020;
2. Trần Trọng Triết (2020), Fintech và những tác động tới thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam. Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ;
3. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, 2010, “Kết quả điều tra DNNVV năm 2009”;
4. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, 2016, “Kết quả điều tra DNNVV năm 2015”;
5. World Bank (2020), Promoting digital and innovative SME financing.
(*) TS. Bùi Huy Trung, TS. Mai Hương Giang - Học viện Ngân hàng
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021