Nâng cao năng lực cạnh tranh của thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển, thương hiệu và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu dù có nhiều thuận lợi nhưng cũng đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức.
Thời gian qua, đã có nhiều thương hiệu Việt vượt tầm quốc gia, vươn ra thị trường thế giới nhưng thương hiệu vẫn là khâu yếu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay. Tìm lời giải cho bài toán này, vừa qua, tại Hà Nội, hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế” đã diễn ra.
Thương hiệu vẫn là khâu yếu
Có thể thấy rằng, sau 8 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Thông qua cuộc vận động, người tiêu dùng đã quan tâm hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam; năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên và tích cực đầu tư công nghệ, thay đổi quy trình nâng cao chất lượng, giảm giá thành phù hợp với người tiêu dùng.
Đến nay, hơn 90% người tiêu dùng đã quan tâm đến hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, trong đó hơn 60% khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng hàng Việt. Điều đó tạo nên sự khích lệ to lớn để các doanh nghiệp trong nước tiếp tục sản xuất nhiều sản phẩm tốt cũng như tiếp tục có những giải pháp để giảm giá thành sản phẩm.
Chia sẻ tại hội thảo, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó cải thiện dần khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Song, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa. Chính vì thế, những hạn chế đó làm cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng ngay trên thị trường nội địa, trong bối cảnh cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt trên thị trường Việt Nam.
Thương hiệu sản phẩm là yêu cầu rất quan trọng, điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới thị trường thế giới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh hàng nhái, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ… khá phổ biến, không có cách nào khác là các doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng thương hiệu của mình để cạnh tranh, cùng với đó tổ chức các kênh phân phối hàng Việt hiệu quả.
Kết nối cung - cầu còn nhiều tồn tại
Tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế”, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, để nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh kết nối cung cầu, nhằm tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo bà Lê Việt Nga, trên cơ sở Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giúp doanh nghiệp tăng quy mô kim ngạch, đa dạng chủng loại các hàng hóa xuất khẩu, tham gia các hoạt động kết nối cung cầu trong và ngoài nước; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về nhu cầu hàng hóa và các hệ thống phân phối nước ngoài; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài.
Đặc biệt, cần thúc đẩy doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối tham gia đầu tư sản xuất để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
“Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu thương hiệu bán lẻ chính như Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart đã tích cực tham gia Đề án để gia công hàng hóa thương hiệu của hệ thống bán lẻ, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối tại Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ cùng thương hiệu trên toàn cầu với tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hàng năm lên đến hàng tỷ USD, tập trung vào các nhóm chế biến ngành nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng”, bà Nga cho biết.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường trong và ngoài nước, trước hết cần nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của người sản xuất, doanh nhân, doanh nghiệp, nhà quản lý trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phải loại bỏ được tư tưởng trông chờ, ỉ lại, đổ lỗi, chụp giật trong sản xuất, kinh doanh.