Những sai lầm tai hại trong xây dựng thương hiệu
Chỉ một sai lầm đơn giản cũng có thể phá hỏng ngay cả thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới.
Các công ty phải dành rất nhiều thời gian và tiền của để tạo dựng danh tiếng cho một thương hiệu. Nhưng, sự thật nghiệt ngã là chỉ một sai lầm đơn giản cũng có thể phá hỏng ngay cả thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới.
Không sai lầm nào giống với sai lầm nào. Nhưng với những doanh nghiệp non trẻ, chỉ mới bắt đầu thì tác động sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với các công ty danh tiếng vì họ hầu như không có chỗ dựa, không có gì để đề phòng bất trắc. Và với phần đông khách hàng, lỗi lầm thường là điều duy nhất mà họ nhìn thấy về một công ty.
Dưới đây là những sai lầm thường gặp nhất trong xây dựng thương hiệu, có thể giết chết thương hiệu của một doanh nghiệp.
Xây dựng thương hiệu mà không tập trung vào trải nghiệm
Không nghi ngờ gì nữa khi nói rằng một thương hiệu mạnh luôn là lợi thế cho doanh nghiệp. Thương hiệu tạo ra nhận thức tích cực cho khách hàng và làm cho chuyện bán hàng trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại nhầm lẫn thương hiệu như một logo, một chiến dịch quảng cáo hay vẻ đẹp của bao bì sản phẩm. Sau hết, thương hiệu chính là cảm xúc mà một khách hàng cảm nhận được khi nghĩ về một sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu có thể giúp doanh nghiệp tạo nên nhận thức tích cực về sản phẩm, nhưng đồng thời trải nghiệm của khách hàng về sản phẩm thậm chí còn quan trọng hơn nữa. Để cải thiện trải nghiệm của khách hàng, hãy xây dựng một hệ thống luôn đặt khách hàng ở vị trí trung tâm. Dù đó là phản hồi email trong vòng 24 giờ hay chat trực tiếp trên trang web thì khách hàng luôn ở vị trí ưu tiên.
Không thuê một nhà thiết kế chuyên nghiệp
Không có gì có thể làm tổn thương nặng nề thương hiệu hơn là một logo được thiết kế trông rất nghiệp dư. Đầu tư thời gian và ngân sách để thuê một nhà thiết kế đồ họa chuyên về xây dựng thương hiệu và phát triển logo luôn là chuyện nên làm.
Hãy yêu cầu nhà thiết kế xây dựng một bộ hướng dẫn về phong cách thương hiệu, định nghĩa cụ thể về bảng màu, bộ kiểu chữ, phong cách hình ảnh, v.v… Như thế, thương hiệu sẽ được thể hiện một cách nhất quán, xuyên suốt trên tất cả kênh tiếp thị.
Và cũng nên nhớ rằng hoàn thành một bộ hướng dẫn trên giấy, trên file mới chỉ là một nửa của vấn đề. Doanh nghiệp cần phải chủ động giám sát xem bộ hướng dẫn này được thực thi như thế nào.
Thiếu nhất quán
Sau khi đã hoàn thành bộ hướng dẫn về phong cách thương hiệu, điều kế tiếp mà doanh nghiệp cần làm là bám sát hướng dẫn này trong tất cả chiến dịch tiếp thị, trên các kênh khác nhau bao gồm cả trang web, mạng xã hội hay tài liệu in ấn.
Nếu không có sự nhất quán, thương hiệu sẽ trông không được chuyên nghiệp và mất đi nhận dạng riêng, kết quả là làm cho thương hiệu trở nên kém tin cậy. Quản lý được tính nhất quán của thương hiệu trên tất cả kênh tiếp thị sẽ giúp doanh nghiệp tạo được chỗ đứng so với các đối thủ cạnh tranh và tạo đà để thương hiệu tăng tốc.
Một nhận diện nhất quán không chỉ vun đắp niềm tin và sự thoải mái cho khách hàng mà còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tác động đến quyết định mua sắm của khách.
Sử dụng ngôn ngữ mơ hồ để miêu tả thương hiệu
Quá nhiều thương hiệu là nạn nhân của ngôn ngữ quảng cáo nghèo nàn và không thể định nghĩa chính xác về một công ty. Súc tích là một việc không dễ làm, nhưng chúng ta luôn có thể học theo một lời khuyên đã có từ lâu: khi muốn viết những lời quảng cáo hay, đừng tập trung vào tính năng, hãy tập trung vào lợi ích.
Dưới đây là vài thủ thuật có thể giúp ích cho doanh nghiệp khi miêu tả một thương hiệu:
Để tạo được nhận thức tích cực về thương hiệu, doanh nghiệp cần phải biết khách hàng muốn gì và tận dụng được tâm lý này. Tránh dùng ngôn ngữ bị lặp lại. Hãy sử dụng cách đối thoại biểu hiện ngôn ngữ đời thường của khách hàng.
Ngay cả một sai lầm duy nhất cũng có thể làm “trật bánh xe khỏi đường ray”. Nếu không được giải quyết sớm thì càng về sau sẽ càng khó cho doanh nghiệp đảo ngược tình thế. Vì vậy, khi phát hiện bất cứ sai lầm nào, doanh nghiệp nên xử lý dứt điểm ngay trước khi nó bắt đầu bào mòn thương hiệu.