Nâng cao năng lực mô phỏng tác động của chính sách thuế
Nâng cao năng lực thực hiện các đánh giá định lượng, mô phỏng tác động của các công cụ chính sách thuế và bảo hiểm xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc giải trình, cân nhắc điều chỉnh chính sách thuế và bảo hiểm xã hội.
Với mục đích giới thiệu công cụ mô phỏng ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách thuế và bảo hiểm xã hội đối với hộ gia đình, sáng 13/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Phát triển Kinh tế của Đại học Liên Hợp Quốc (UNU-WIDER) tổ chức hội thảo Giới thiệu mô hình mô phỏng tác động vi mô của chính sách thuế và bảo hiểm xã hội cho Việt Nam (VNMOD).
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, hệ thống chính sách thuế và bảo hiểm xã hội ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Quá trình này có thể ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình ở cấp độ vi mô và tác động đến nghèo đói, bất bình đẳng và thu ngân sách ở cấp độ vĩ mô.
Nâng cao năng lực thực hiện các đánh giá định lượng, mô phỏng tác động của các công cụ chính sách thuế và bảo hiểm xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc giải trình, cân nhắc điều chỉnh chính sách thuế và bảo hiểm xã hội.
Giám đốc UNU-WIDER Finn Tarp cho rằng các mô hình mô phỏng vi mô thuế mang lại những lợi ích vô cùng quan trọng, đóng vai trò như bộ phận cấu thành hệ thống “kế toán” của chính phủ, giúp biết những ai đã trả bao nhiêu thuế và những ai được hưởng lợi, cũng như việc ảnh hưởng của thuế tới ngân sách nhà nước, ước lượng tác động của cải cách thuế, an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, có thể dựa vào dữ liệu hệ thống thuế để nhận biết, phân tích khi có sai sót dữ liệu xảy ra. Vì thế cần phải xây dựng những chính sách và mô hình mới về thuế và bảo hiểm xã hội.
Các diễn giả cũng đã chia sẻ mô hình mô phỏng vi mô thuế và bảo hiểm xã hội được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới như SOUTHMOD, EUROMOD. Các mô hình này được đánh giá sở hữu giao diện thân thiện với người sử dụng, miễn phí cho hoạt động phi thương mại, tài liệu của mô hình được phổ biến đầy đủ rộng rãi, có hiệu lực và minh bạch.
Tại hội thảo, mô hình mô phỏng vi mô VNMOD đầu tiên của Việt Nam cũng đã được giới thiệu. VNMOD mang những đặc điểm như điều tra mức sống dân cư; là công cụ mô phỏng các khoản thuế và các khoản đóng góp vào bảo hiểm xã hội (thuế thu nhập của người lao động; thuế thu nhập từ đầu tư vốn; thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; các khoản đóng góp vào bảo hiểm xã hội)…
Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) Nguyễn Anh Dương đã nêu lên một số kết quả mà mô hình chỉ ra như tất cả thu nhập khả dụng thực tế theo thập phân vị đều giảm trong giai đoạn 2013-2015, mức phục hồi trong 2016 không đủ bù đắp cho mức giảm lũy kế giai đoạn này; thuế thu nhập của người lao động thực giảm trong giai đoạn 2012-2016; các hộ gia đình thu nhập cao hơn có xu hướng chi VAT nhiều hơn; tốc độ tăng trưởng mô phỏng các khoản đóng góp vào bảo hiểm xã hội đối với người lao động lớn hơn người sử dụng lao động, nhìn từ góc độ này thì người lao động đang phải chịu tác động hơn rất nhiều, ông Dương nói.
Do đó, ông kiến nghị phải luôn ghi lại những giả định trong cả quá trình, quản lý về mặt thời gian, nếu kết quả đưa ra qua muộn thì tính cần thiết và kịp thời đưa ra các chính sách sẽ không đáp ứng được. Điều quan trọng là rất cần những cơ quan chính sách, cơ quan mô phỏng cùng hợp tác để cùng nghiên cứu và đưa ra những chính sách phù hợp, ông Dương nhấn mạnh.
Đại diện đến từ KU Leuven (Bỉ), ông Toon Vanheukelom nhấn mạnh các mô hình này chỉ chạy tốt khi có giả định tốt và cung cấp đầy đủ dữ liệu cho chúng. Tất cả các mô hình đều có ưu, nhược điểm, thế nên phải làm rõ có thể làm gì và không làm được gì trước khi thực hiện mô hình.
Bên cạnh đó, phải cởi mở với người sử dụng, đặc biệt là các quốc gia đang trong tiến trình xây dựng mô hình bởi đây là đối tượng sẽ gặp nhiều khó khăn. Về nguồn nhân lực, các chuyên gia đều cho rằng phải đào tạo nguồn lao động sử dụng thành thạo công nghệ. Phải đào tạo con người về các thuật ngữ kinh tế cũng như kiến thức cơ bản và kiến thức nền về kinh tế.
Trong nghiên cứu hoạch định chính sách nếu có những bằng chứng thuyết phục thì nghiên cứu đó sẽ nhận được sự đánh giá tốt hơn, tạo ra áp lực với các nhà phản biện để tiếp thu, đề xuất ra những chính sách bền vững, lâu dài. Mô hình này sẽ là công cụ hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay - Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung khẳng định.