Nâng cao năng lực phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng

PV.

Trước bối cảnh hội nhập tài chính quốc tế sâu rộng như hiện nay đặt ra nhiều thách thức đối với lĩnh vực ngân hàng trong nhiệm vụ quan trọng phòng chống rửa tiền. Ngân hàng được đánh giá là mắt xích quan trọng trong công tác phòng chống rửa tiền để góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cho thị trường tài chính-tiền tệ của Việt Nam. Để thực hiện trọng trách này, đòi hỏi ngành Ngân hàng cần hoạch định những giải pháp mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa để công tác này đạt hiệu quả cao.

Các ngân hàng cần xác định rủi ro, các dấu hiệu rửa tiền trong từng sản phẩm dịch vụ, từng hoạt động kinh doanh, giao dịch.
Các ngân hàng cần xác định rủi ro, các dấu hiệu rửa tiền trong từng sản phẩm dịch vụ, từng hoạt động kinh doanh, giao dịch.

Hoạt động ngân hàng chịu áp lực ngày càng gia tăng của các tội phạm rửa tiền

Việt Nam là một nước đang phát triển nên đây cũng chính là điểm đến của tội phạm rửa tiền. Đồng thời, hoạt động tín dụng ngân hàng đã và đang phát triển mạnh mẽ, là nơi “trú ẩn” cho những hoạt động phạm pháp liên quan đến tiền tệ. Hiện nay, rửa tiền đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế. Đặc biệt, khi các trung tâm tiền tệ hàng đầu thế giới nỗ lực chống lại các hoạt động rửa tiền thì những tội phạm rửa tiền lại có thêm động cơ để chuyển hoạt động rửa tiền sang các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền tài chính kinh tế của một quốc gia. Theo đó, kinh tế vĩ mô sẽ chịu những tác động tiêu cực từ hoạt động rửa tiền như: Làm giảm hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của các chính sách kinh tế; hoạt động rửa tiền làm xói mòn niềm tin vào các thị trường tài chính. Rửa tiền và vấn đề tài trợ khủng bố luôn luôn song hành cùng nhau. Vì tội phạm khủng bố sử dụng các phương tiện/hình thức rửa tiền khác nhau để luân chuyển luồng tài chính tài trợ cho hoạt động khủng bố. Các cá nhân, tổ chức tài trợ cho khủng bố cũng tìm cách sử dụng nhiều hình thức khác nhau để che giấu hành vi của chúng, tạo khoảng cách xa nhất từ chúng cho đến đích là tội phạm trực tiếp tiến hành hoạt động khủng bố.

Trước xu thế hội nhập kinh tế thế giới, hoạt động ngân hàng chịu áp lực ngày càng gia tăng của các tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng vì ngoài việc phải đối phó với các khoản tiền bất hợp pháp trong nước mà còn phải đối phó với nguy cơ các tổ chức tội phạm quốc tế, bởi lẽ, các quốc gia đang phát triển với hệ thống ngân hàng và tài chính chưa thực sự phát triển và tỷ trọng sử dụng tiền mặt cao, thường là địa chỉ được chọn cho các hoạt động rửa tiền. Ở Việt Nam, hoạt động PCRT đã được đề cập chính thức lần đầu tiên trong Bộ luật Hình sự năm 1999 của Việt Nam với tội danh “tội rửa tiền” và “tội hợp pháp hoá tiền do phạm tội mà có” được qui định tại Điều 250 và Điều 251. Trong văn bản pháp lý cao nhất qui định các hoạt động ngân hàng là Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã có qui định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với việc rửa tiền.

So với quốc tế, hệ thống luật pháp về phòng chống rửa tiền (PCRT) tại Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và triển khai những bước khởi đầu. Công tác PCRT tại các ngân hàng Việt Nam mới được chú ý trong vài năm gần đây và vẫn thiếu các công cụ, hệ thống cũng như nguồn lực cần thiết. Do đó, vai trò và nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng trong công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố hiện này được đánh giá như là "đầu tàu" để giảm thiểu tối đa vấn nạn này, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia.

Giải pháp nâng cao năng lực phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCRT, khẳng định quyết tâm của Việt Nam chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền nói riêng, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực xây dựng khung pháp lý, tổ chức bộ máy quản lý hiệu quả, đồng thời, sát cánh với các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống rửa tiền.

Để nâng cao toàn diện chất lượng công tác PCRT, hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này, một trong những nhiệm vụ cấp bách cần được triển khai ngay chính là việc hoàn thiện khung pháp lý về PCRT. Cụ thể đối với ngành Ngân hàng, khung pháp lý này cần tập trung vào một số lĩnh vực như: Triển khai các biện pháp ngăn chặn có hiệu lực; tăng cường yêu cầu về thu thập và quản lý thông tin khách hàng; gia tăng hiệu lực của các báo cáo về giao dịch đáng ngờ; quản lý và giám sát.

Để có thể đảm bảo công tác PCRT trong hệ thống ngân hàng có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cũng như bảo vệ lợi ích cổ đông, các ngân hàng cần xây dựng chính sách, quy trình hướng dẫn cách thức thực hiện công tác PCRT tại các khâu: Mở và sử dụng tài khoản; quy định về nhận biết khách hàng, nhận biết khách hàng giản đơn và tăng cường. Phương pháp phân loại rủi ro rửa tiền dựa trên ma trận rủi ro: Ma trận rủi ro rửa tiền được xây dựng để đánh giá rủi ro, kiểm soát các rủi ro đã được xác định, đánh giá tần suất xảy ra và mức độ ảnh hưởng và xếp hạng rủi ro. Các ngân hàng thường phân theo các mức độ rủi ro rửa tiền: Mức độ rủi ro thấp; mức độ rủi ro trung bình; mức độ rủi ro cao.

Đặc biệt là, các ngân hàng cần xác định rủi ro, các dấu hiệu rửa tiền trong từng sản phẩm dịch vụ, từng hoạt động kinh doanh, giao dịch như: Trong hoạt động kế toán giao dịch; hoạt động tín dụng; hoạt động tài trợ thương mại; hoạt động chứng khoán; hoạt động thẻ. Hoàn thiện mô hình tổ chức toàn diện từ hội sở chính, chi nhánh đến các công ty trực thuộc trong hệ thống NHTM Việt Nam là điều kiện vô cùng quan trọng trong việc thực hiện PCRT có hiệu quả.

Bên cạnh đó, tại hội sở chính, phải có được bộ phận phụ trách PCRT chuyên trách, chuyên xử lý phân tích các báo cáo, thu thập dữ liệu giao dịch, khách hàng. Tại chi nhánh và các công ty trực thuộc mỗi một đơn vị cũng cần phải có bộ phận xử lý PCRT chuyên trách và liên hệ làm việc trực tiếp, nhận hỗ trợ từ bộ phận phụ trách PCRT chuyên trách tại hội sở chính.

Đồng thời, việc hỗ trợ và nhận thức rủi ro về PCRT từ ban lãnh đạo cũng là một điều kiện tiên quyết cho một hệ thống PCRT thành công, do vậy, mỗi NHTM cần có một lãnh đạo phụ trách về PCRT.

Ngoài ra, kiểm soát tuân thủ thực hiện PCRT không thể thiếu bộ phận kiểm tra, kiểm soát tính tuân thủ, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, quy định về PCRT. Tăng cường các giải pháp về hệ thống công nghệ hỗ trợ gồm Hệ thống PCRT cần phải có 2 module thiết yếu là Filtering: ngăn chặn tức thời và Profiling dành cho phân tích sau.