Lo ngại vấn nạn rửa tiền từ bất động sản hạng sang
Sau khi vụ bê bối trốn thuế, rửa tiền “Hồ sơ Panama” bị phanh phui, chính quyền liên bang Mỹ bắt đầu lo ngại thị trường bất động hạng sang nước này có thể trở thành “cỗ máy” rửa tiền cho các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, vấn nạn này không chỉ có ở Mỹ, mà đang có xu hướng nở rộ tại nhiều quốc gia khác.
Hiện nay, tại nhiều thành phố lớn của Mỹ, có rất nhiều bất động sản hạng sang được mua bởi tiền của các công ty có trụ sở đặt tại nước ngoài. Điều này khiến giới chức Mỹ lo lắng, bởi sẽ rất khó kiểm soát được nguồn tiền mua bất động sản có thực sự “sạch”, hay chỉ là lý do để ngụy trang cho hành vi rửa những đồng tiền “bẩn”.
Được biết, đã nhiều lần Hiệp hội Nhà báo Điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở chính tại Washington (Mỹ) cảnh báo về tình trạng rửa tiền thông qua hình thức mua bất động sản. Tuy nhiên, dường như các cấp chính quyền ở Mỹ vẫn thờ ơ với mối quan ngại này và chỉ đến khi “Hồ sơ Panama” được công bố, chính quyền liên bang Mỹ mới bắt đầu lo ngại thị trường bất động sản hạng sang ở Mỹ có thể trở thành “cỗ máy” rửa tiền.
Theo điều tra của ICIJ, việc mua bất động sản hạng sang tại một số bang của Mỹ diễn ra rất dễ dàng. Tại TP. Miami (tiểu bang Florida), trong năm 2015 có tới 53% giao dịch bất động sản được thanh toán ngay khi ký hợp đồng mua bán. Riêng trong quý IV/2015, 58% giao dịch bất động sản với tổng trị giá lên tới hơn 3 triệu USD được thực hiện bởi các công ty trách nhiệm hữu hạn. Hầu hết những trường hợp muốn rửa tiền đều lựa chọn “đối tác” tin cậy để giảm thiểu rủi ro nhất cũng như chọn địa điểm rửa tiền ít bị “soi mói” nhất. Thế nên, TP. Miami luôn là điểm lựa chọn lý tưởng cho những người muốn rửa tiền.
Tuy nhiên, bang Florida không phải là địa điểm duy nhất để rửa tiền thông qua đầu tư BĐS. Tại TP. New York (bang New York, Đông Bắc nước Mỹ), 100% những căn hộ siêu sang nằm ở gần Công viên Trung tâm Central Park đều đã được mua hết bởi các công ty nước ngoài có chi nhánh nằm rải rác ở một số bang của Mỹ như bang Nam Dakota, Wyoming, Nevada, Delaware… Theo kết quả điều tra ban đầu của chính quyền liên bang Mỹ, chủ nhân thực sự của những căn hộ siêu sang đều là những chính trị gia, hoặc tỷ phú ở nhiều quốc gia khác nhau.
Trước những cảnh báo về nguy cơ rửa tiền qua bất động sản hạng sang, mới đây chính quyền Mỹ đã phải cấp tốc đưa ra quy định mới áp dụng cho 2 Thành phố là New York và Miami. Theo đó, nhằm hạn chế hoạt động rửa tiền, thông qua hình thức đầu tư bất động sản hạng sang, Mỹ yêu cầu tất cả các công ty nước ngoài có chi nhánh tại Mỹ, khi mua bất động sản có giá trị từ 3 triệu USD trở lên tại TP. New York hoặc 1 triệu USD trở lên tại TP. Miami phải cung cấp hồ sơ cá nhân của những người sở hữu từ 25% trở lên số vốn của công ty nước ngoài đó cho chính quyền liên bang. Bên cạnh đó, chính quyền liên bang Mỹ cũng yêu cầu các ngân hàng phải gỡ bỏ một phần bảo mật, cung cấp thông tin của các cá nhân, tổ chức sở hữu khối bất động sản lớn tại Mỹ nhằm minh bạch hóa thị trường bất động sản ở Mỹ trong thời gian tới.
Được biết, tới đây, chính quyền liên bang sẽ tiếp tục đẩy mạnh điều tra những giao dịch mua bán bất động sản hạng sang bằng tiền mặt hoặc những giao dịch do các công ty nước ngoài thực hiện.
Thực ra, vấn nạn rửa tiền bẩn thông qua hình thức đầu tư vào bất động sản hạng sang đã xảy ra ở một số quốc gia trước đó. Chẳng hạn, theo Tổ chức Global Witness, London - thủ đô của nước Anh cũng là thiên đường cho bọn tội phạm rửa tiền thông qua việc mua bất động sản hạng sang.
Theo thống kê mới đây của Thời báo Tài chính ở Anh, hơn 122 tỷ bảng Anh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tại Anh được thực hiện bởi các công ty nước ngoài. Đa số các công ty này đều đặt trụ sở tại các “thiên đường về thuế”, trong đó, 2/3 số Công ty có trụ sở tại quần quần đảo Anglo – Normandes và đảo Vierges (đều thuộc Anh). Đặc biệt, 2/3 số tiền trên được đầu tư tại London. Trước đó, thông tin đăng tải trên tờ Daily Mail hôm 5/3/2015 cũng khẳng định, hàng ngàn ngôi nhà ngay giữa thủ đô London được mua từ tiền tham nhũng hay để rửa tiền. Vấn này cũng khiến cho giá đất của Thành phố này tăng cao ở mức chóng mặt. Giá nhà tại London đã tăng 9% trong vòng 1 năm, trong đó, người mua đến từ Quatar, Trung Quốc và Nga là những nhà đầu tư lớn nhất.
Trong năm 2015, Chính phủ Anh cũng cam kết có nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Trong đó, chính phủ Anh sẽ công bố danh sách những công ty nước ngoài sở hữu bất động sản tại Anh và Wales gần đây và làm rõ về quá trình sở hữu các bất động sản của những công ty này. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng yêu cầu những công ty nước ngoài muốn mua bất động sản tại Luân Đôn phải cung cấp thông tin về người sở hữu của công ty đó.
Mới đây nhất, ông John Schmidt, cựu lãnh đạo Trung tâm phân tích và báo cáo giao dịch Australia cũng kêu gọi siết chặt kiểm tra dòng tiền từ Trung Quốc đổ vào bất động sản nước này để tránh biến Australia thành thiên đường cho tiền tham nhũng từ nước ngoài. Trong 5 năm qua, các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào thị trường bất động sản Australia tăng hơn 400%, trong đó riêng năm ngoái là hơn 12 tỉ USD và các cơ quan chức năng vẫn chưa thể thống kê bao nhiêu tiền bẩn được rửa qua kênh này.
Nhiều chuyên gia khẳng định, bất động sản là một trong những kênh rửa tiền phổ biến hiện nay của bọn tội phạm trên thế giới. Điều đáng lo không chỉ một lượng tiền bẩn từ tham nhũng, buôn lậu ma túy, buôn người… được “rửa sạch” mà xu hướng này đang làm tăng ảo giá bất động sản, khiến người dân không đủ tiền mua nhà và gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội khác cho quốc gia bị tội phạm lợi dụng rửa tiền.
Do vậy, câu chuyện sắp tới của các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống rửa tiền thông qua bất động sản, đặc biệt là bất động sản hạng sang, đó là làm rõ nguồn gốc dòng tiền và những tổ chức, cá nhân đứng đầu sau sở hữu các nguồn tiền đó.
Bên cạnh đó, cần phải có các chế cảnh báo rủi ro, phát hiện các trường hợp khả nghi đối với vấn nạn sử dụng công ty làm bình phong dưới chiêu là nhà đầu tư nước ngoài, hay các công ty có trụ sở hoạt động ở nước ngoài để mua các bất động sản hạng sang.
Rõ ràng, cuộc chiến chống rửa tiền ngày càng khốc liệt hơn, khó khăn hơn do mức độ, thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, khó lường và thay đổi nhằm tránh sự theo dõi của các cơ quan chức năng và thực trạng này cũng đặt gánh nặng đối với các cơ quan chống rửa tiền trên thế giới.