Nâng cao năng lực quản lý bảo hiểm y tế
Làm sao để quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) bền vững, bảo đảm quyền lợi người dân thụ hưởng, đồng thời tạo thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trong bảo đảm nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân là vấn đề trọng tâm của Hội nghị giải quyết vướng mắc BHYT trong KCB các tỉnh khu vực phía Nam được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức vừa qua.
Nêu những vướng mắc trong thanh toán, quyết toán BHYT, ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, cho biết: Hiện nay công tác giám định BHYT có nhiều vướng mắc nhất, trong đó lực lượng giám định viên vừa thiếu vừa yếu khi cả ngành chỉ có 2.300 giám định viên BHYT, trong khi hệ thống y tế có đến 3.000 cơ sở y tế tuyến huyện, 11.000 trạm y tế xã, chưa kể các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Khối lượng công việc cần giám định rất lớn với hơn 150 triệu hồ sơ/năm. Như vậy, trung bình mỗi giám định viên phải thẩm định khoảng 5.000 hồ sơ/tháng. Nhưng, hiện chỉ có khoảng 50% giám định viên có chuyên môn bác sĩ, dược sĩ. Bên cạnh đó, không thể cử giám định viên không có chuyên môn về y, dược đi giám định chỉ định của bác sĩ, ông Nam nói.
Tại các địa phương, những vướng mắc về thuật ngữ, các quy định được áp dụng cứng nhắc lại gây lúng túng cho các cơ sở y tế. Bác sỹ Dư Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam phản ánh, hiện nay định mức chẩn đoán hình ảnh, siêu âm được quy định chỉ thanh toán trong 8 giờ làm việc hành chính là bất hợp lý bởi nhiều tình huống cấp cứu ngoài giờ phải chỉ định kỹ thuật này. Khái niệm điều trị cấp cứu luôn gây tranh cãi giữa bác sĩ điều trị và giám định viên. Do đó, cần thống nhất một khái niệm cấp cứu vừa đúng chuyên môn, vừa đúng với thực tế. Bên cạnh đó, việc kiểm tra bệnh nhân nằm viện vẫn còn quá cứng nhắc do không phải lúc nào bệnh nhân nằm viện cũng nằm một chỗ trên giường bệnh, nhưng khi giám định viên kiểm tra bất ngờ nếu không có bệnh nhân nằm trên giường bệnh thì ngay lập tức bệnh viện sẽ bị xuất toán.
Thí điểm đấu thầu thuốc
Theo BHXH Việt Nam, căn cứ vào cơ sở phân tích dữ liệu sử dụng thuốc năm 2016 và kết quả lựa chọn nhà thầu năm 2016 và 2017, BHXH Việt Nam tiếp tục đề nghị Bộ Y tế bổ sung Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do BHXH Việt Nam thực hiện đối với 20 thuốc của 9 hoạt chất. BHXH Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện và hoàn thành quy trình đấu thầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu và ký thỏa thuận khung trước ngày 30.11.2017.
Các cơ sở KCB sẽ hoàn thành việc thương thảo hợp đồng và ký hợp đồng trước 31.12.2017. Việc mua sắm theo kết quả lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện từ 1.1.2018.
Theo đó, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ quy định cụ thể hơn về việc sử dụng giá trúng thầu trung bình đã được BHXH Việt Nam công khai theo Luật Đấu thầu. Trường hợp xây dựng giá kế hoạch không hợp lý thì các hội đồng đấu thầu phải trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá kế hoạch. Trường hợp xây dựng giá kế hoạch cao dẫn đến giá trúng thầu cao bất hợp lý thì Quỹ BHYT chỉ chấp nhận thanh toán theo giá thuốc trúng thầu trung bình.
Quốc Túy