Nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm

Thanh Sơn

Đó là một trong những nội dung được thảo luận tại hội thảo "Nâng cao công tác quản trị điều hành các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020" diễn ra ngày 14/12 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Saman Badara - Phó tổng giám đốc Ernst & Young Vietnam. Ảnh: Financeplus.vn
Ông Saman Badara - Phó tổng giám đốc Ernst & Young Vietnam. Ảnh: Financeplus.vn

Nhận diện rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm

Thị trường kinh doanh bảo hiểm hiện nay tăng trưởng rất tốt, theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đánh giá “Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay bao gồm 10 công ty TNHH MTV và 4 công ty TNHH hai thành viên trở lên, 15 công ty cổ phần, và 1 chi nhánh Doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ nước ngoài.

Trong đó tổng doanh thu bảo hiểm giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân trên 11%/năm, ước đạt 31.374 tỷ đồng trong năm 2015. DNBH quản trị rủi ro tốt thì sẽ làm cho thị trường lành mạnh hơn và tạo sự phát triển cho thị trường bảo hiểm Việt Nam

Các công ty bảo hiểm trước khi phát hành một đơn bảo hiểm đều phải đánh giá rủi ro được bảo hiểm, xem xét các yếu tố dẫn đến sự tăng giảm rủi ro…

Từ đó mới đưa ra quyết định chấp nhận hay từ chối rủi ro với phạm vi bảo hiểm như thế nào, tỷ lệ phí bảo hiểm là bao nhiêu cho phù hợp. Nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ đánh giá được rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, còn nhiều doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chưa xem xét một cách thấu đáo những rủi ro tiềm ẩn trong chính bản thân doanh nghiệp mình – đó là chưa có hệ thống quản trị rủi ro.

Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích sinh lợi, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Các DNBH hiện nay đã chú trọng đầu tư cho công nghệ thông tin, triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, nhằm nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, công tác vận hành có hệ thống và khoa học, các đơn vị thành viên thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc khách hàng. Nhưng rủi ro liên quan đến tất cả các quy trình trong một công ty bảo hiểm (BH), mỗi rủi ro có khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng khác nhau. Từ rủi ro trong bảo hiểm (khai thác, dự phòng, tái bảo hiểm); Rủi ro tài sản (thị trường, tín dụng, thanh khoản) đến Rủi ro trong hoạt động (phát triển sản phẩm, bán hàng & phân phối, khai thác, bồi thường…)

Mô hình quản trị áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Theo bà Nguyễn Thanh Nga - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm cho biết: "Quản trị doanh nghiệp là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát những hoạt động của các thành viên trong tổ chức và sử dụng tất cả các nguồn lực khác của để đạt được mục đích của doanh nghiệp.

Nhằm tạo ra hệ thống, quy trình và tối đa hóa hiệu suất công việc kinh doanh và quản lý các hoạt động kinh doanh bằng quy trình quản trị. Hiện nay DNBH chia làm 2 mô hình quản trị: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chọn mô hình tập trung, các DNBH trong nước áp dụng mô hình kết hợp".

Một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là vấn đề trục lợi bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm làm giảm lợi nhuận, khiến cho hiệu quả sản xuất kinh doanh bị hạn chế, thậm chí có những tác động xấu đến uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm. Thế nhưng trục lợi bảo hiểm đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi ở nhiều nghiệp vụ bảo hiểm.

Nguyên do một phần là mô hình quản trị của DNBH phi nhân thọ hiện nay đang tạo sự mâu thuẫn, tạo sự cạnh tranh giữa các phòng ban, giữa các chi nhánh khi các doanh nghiệp phân cấp không rõ ràng, chặt chẽ. Mô hình phân tán, việc giao quyền lực cho các chi nhánh tạo ra sự chủ động trong kinh doanh, nhưng cũng tăng rủi ro trục lợi.

Một trong những nguyên nhân là do hệ thống quản trị rủi ro, kiểm tra, kiểm soát nội bộ mang tính hình thức, chưa thực chất.

Theo ông Saman Badara - Phó tổng giám đốc Ernst & Young Vietnam cho biết: “ Hiện nay Việt Nam đang trở thành thị trường bảo hiểm lớn ở ASEAN, tuy nhiên ngày càng có sự cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập TPP có nhiều DN nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam, họ sẽ mua bảo hiểm cho tài sản của họ.

Điều đầu tiên quyết định đến việc các DN này lựa chọn sản phẩm bảo hiểm của các DNBH ở Việt Nam là họ sẽ tìm hiểu về khả năng quản trị rủi ro của DNBH có tốt không? Quản trị rủi ro trong các hoạt động của DNBH ngày càng có vai trò quan trọng, theo đó rủi ro có thể xảy ra hàng ngày, xảy ra theo định kỳ”.

Mội số công ty BH than phiền về một số khó khăn khi làm ăn ở Việt Nam như tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nên cần có những quy định để tạo sân chơi chung công bằng.

Các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, được hoạt động trong một môi trường thể chế minh bạch với cơ chế chính sách và phương thức quản lý giám sát phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế là lợi ích rõ nét nhất. Tham gia vào sân chơi này giúp các doanh nghiệp Việt Nam mau chóng hội nhập thị trường bảo hiểm thế giới; giúp hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro trong bối cảnh ngày càng tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Đây cũng là thời điểm chúng ta nên xem xét, điều chỉnh lại quy trình quản trị rủi ro, quản trị thương hiệu, dịch vụ khách hàng, các công ty con của DNBH nước ngoài thường được hỗ trợ rất nhiều từ các tập đoàn mẹ. Nó trở thành văn hóa trong quy trình quản trị từ xa, nhưng DNBH ở trong nước cũng không phải không có những lợi thế nhất định, như các công ty trong nước có quan hệ tốt với các cơ quan hữu quan, am hiểu địa phương, cũng như các kênh bán hàng trên truyền thông sẵn có ở trong nước. Tuy nhiên họ phải học hỏi rất nhiều, sự học hỏi này không thể đến ngày một ngày hai mà nó cần một chiến lược.

Một nhân viên bình thường họ chỉ thấy được trách nhiệm rủi ro trong phạm vi của họ, điều quan trọng các cấp trên cần có sự nhận thức về quản trị rủi lan tỏa đến các nhân viên.

Hiện nay có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm chỉ mới chú trọng đến phát triển doanh thu lợi nhuận, mà quên đi hướng phát triển dài hạn về quản trị rủi ro để phát triển lâu dài và đồng thời các việc khác như kiểm soát nội bộ, hội đồng kiểm toán cũng phải tham gia để cùng nhau thiết lập hệ thống quản trị rủi ro lâu dài cho công ty.

Cũng theo ông Saman Badara: Quy trình quản trị rủi ro hiện nay các công ty Việt Nam hiện đang xem nhẹ, đó là việc các chức năng quản trị rủi ro chưa được xây dựng, đặc biệt chưa xây dựng được các chính sách quản trị rủi ro, và quy trình quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ông cũng kiến nghị hiện nay chỉ có một công ty bảo hiểm nhân thọ là của Việt nam , còn các công ty đều hợp tác, liên doanh với nước ngoài, nên họ tận dụng được kinh nghiệm rủi ro ở nước ngoài truyền lại. Nhưng cũng có nhận thức về quản trị rủi ro chuyên nghiệp hơn, nên cần có người chuyên tâm theo dõi quản trị rủi ro cho doanh nghiệp.