Nâng cao năng suất chất lượng cần sự nỗ lực từ chính nội tại doanh nghiệp
Muốn phát triển nhanh, bền vững nhất định phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng ngành, trong đó mấu chốt là chính tại doanh nghiệp và từng sản phẩm của doanh nghiệp đó.
Hiện nay, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là cơ sở khoa học và công cụ quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn, sức khỏe của người sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… thông qua việc kiểm soát sản phẩm, hàng hóa sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu có nguy cơ gây mất an toàn, kém chất lượng.
Thực tế cho thấy, khi năng suất, chất lượng được bảo đảm, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận. Hơn thế nữa, đối với vấn đề chất lượng, nội dung cần ưu tiên là tập trung xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý sản phẩm hàng hóa của các cơ quan quản lý mà quan trọng hơn là một trong những định hướng quan trọng để cải tiến và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Đối với tăng năng suất, nội dung cần ưu tiên là triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống về nâng cao năng suất tại doanh nghiệp…
Hiện nay, hoạt động hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo đang được triển khai mạnh mẽ trên nhiều cấp độ và là một xu thế lớn mà Chính phủ và Nhà nước đang quan tâm và triển khai tại Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ đã mời các chuyên gia từ các cơ quan chính phủ, Bộ ngành liên quan, hiệp hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tham gia tích cực vào xây dựng tiêu chuẩn quốc tế thuộc các Ủy ban kỹ thuật của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế liên quan đến tự động hóa, thương mại số, thương mại điện tử, sản xuất thông minh, đổi mới sáng tạo để nắm bắt những xu thế mới nhất hiện nay và tư vấn cho Chính phủ về đổi mới sáng tạo.
Năm 2022, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục thảo luận với các thành viên của các tổ chức quốc tế và khu vực về các hoạt động chuyên môn trong đó có đổi mới sáng tạo. Trong khuôn khổ APO, năm 2022 các thành viên sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm về các chủ đề cụ thể như: Năng suất và Đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế số, các tiêu chuẩn và khung về quản lý đổi mới sáng tạo trong tổ chức, các mô hình kinh doanh đổi mới cho du lịch nông thôn, các công nghệ đổi mới cho nông nghiệp thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm tươi sống, mô hình nông nghiệp thông minh đổi mới. Đồng thời, Tổng cục tiếp tục trao đổi hợp tác song phương và đa phương về tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực về các công nghệ mới nổi, thương mại điện tử, thương mại số, sản xuất thông minh và đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, hằng năm, Nhà nước vẫn luôn thực hiện tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Giải thưởng Chất lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố.
Có thể nói, đã có nhiều động thái hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, tuy nhiên muốn làm được điều này thì điều căn bản sẽ xuất phát từ nội tại của chính doanh nghiệp đó. Cụ thể, mỗi doanh nghiệp cũng cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất. Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp.