Nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán trong huy động vốn cho mục tiêu phát triển xanh

ThS. Đào Thị Hồ Hương

Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn cho phát triển xanh cả ở cấp độ doanh nghiệp lẫn nền kinh tế ngày càng gia tăng. Trong khi nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước còn hạn chế thì việc trông đợi thị trường chứng khoán đảm trách tốt vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả, bền vững cho mục tiêu phát triển xanh là xu thế tất yếu.

Nhu cầu vốn cho phát triển xanh cả ở cấp độ doanh nghiệp lẫn nền kinh tế ngày càng gia tăng. Nguồn: Internet
Nhu cầu vốn cho phát triển xanh cả ở cấp độ doanh nghiệp lẫn nền kinh tế ngày càng gia tăng. Nguồn: Internet

Trên thực tế nhu cầu phát triển xanh, bền vững ở Việt Nam đã định hình, nhưng do mới ở giai đoạn ban đầu nên việc phát triển các sản phẩm chứng khoán xanh để huy động vốn đang dừng lại ở thử nghiệm. Bài viết phân tích và đề xuất một số giải pháp nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán trong huy động vốn cho mục tiêu phát triển xanh.

Nhu cầu vốn cho phát triển xanh ngày càng lớn

Triển khai Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 403/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, cũng như đánh giá từ các bộ, ngành cho thấy, nhu cầu vốn cho đầu tư xanh, phát triển bền vững ngày càng gia tăng.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đầu tư cho tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn tài chính lớn, khoảng 30 tỷ USD, trong đó chính sách hướng đến 70% nguồn vốn này đến từ khu vực tư nhân, còn lại là khu vực nhà nước trong bối cảnh đầu tư công ngày càng hạn hẹp. Trong giai đoạn 2016-2020, chỉ tính riêng 7 tỉnh khu vực miền Trung: Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận… cần nguồn vốn lên tới 184.361 tỷ đồng để đầu tư cho tăng trưởng xanh, thế nhưng, hiện thiếu các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn để huy động các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh…

Để giải bài toán nguồn vốn cho tăng trưởng xanh lớn trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư từ nhà nước còn hạn chế thì việc trông đợi vào kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán là cần thiết. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, huy động các nguồn vốn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Việc phát triển thị trường vốn xanh ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc đấu tranh trong đánh đổi giữa bảo vệ môi trường với tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp (DN) và phần thắng vẫn là lợi nhuận ngắn hạn. Khó khăn lớn nhất với phát triển chứng khoán xanh là nhận thức của các nhà đầu tư và của các DN hoạt động trên thị trường vốn…

Trên thực tế nhu cầu phát triển xanh, bền vững ở Việt Nam đã định hình, nhưng do mới ở giai đoạn ban đầu nên việc phát triển các sản phẩm chứng khoán xanh để huy động vốn đang dừng lại ở thử nghiệm. Trong thời gian qua, tuy đã có một số đợt phát hành trái phiếu xanh ở cấp chính quyền địa phương, nhưng đều là thí điểm, do Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của việc hoàn thiện các chính sách về tài chính xanh. Như vậy là còn nhiều vấn đề đặt ra như: tạo kênh huy động vốn xanh cho các DN, nâng cao nhận thức của cả DN và nhà đầu tư…

Đề xuất giải pháp từ các chuyên gia

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang tiếp tục những nỗ lực tìm kiếm các giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm chứng khoán xanh. Một trong những giải pháp quan trọng và đang được triển khai, đó là chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Luxembourg thông qua dự án VIE032. Dự án này đã được triển khai 2 năm qua và đem lại nhiều hiệu quả trong nâng cao năng lực cho thị trường tài chính, mà cụ thể là cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Dự án VIE032 đã kích hoạt sự hợp tác về tài chính xanh giữa Việt Nam và Luxembourg. Thời gian tới, chương trình hợp tác phát triển giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính xanh sẽ được tăng cường, với trọng tâm là nâng cao năng lực phát triển thị trường vốn xanh ở Việt Nam...

Các chuyên gia đến từ Luxembourg cho rằng, Việt Nam đã có những bước đi tích cực ban đầu trong thúc đẩy thị trường chứng khoán huy động vốn cho phát triển xanh. Điều này không chỉ thể hiện qua các quy định về huy động vốn cho phát triển xanh, mà còn đã được cụ thể hóa bằng các sản phẩm đầu tư để thu hút nhà đầu tư rót vốn vào phát triển xanh. Điển hình là Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) đã đưa vào giao dịch Chỉ số phát triển bền vững (VNSI). Điều này bước đầu tạo chuẩn mực về phát triển bền vững cho các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng như các bên liên quan cần có những giải pháp mang tính cụ thể hơn, để thúc đẩy phát triển thị trường vốn xanh nhằm huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Theo bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc HOSE, sau hơn 1 năm đưa vào vận hành, trong năm 2019, Chỉ số VNSI sẽ được một quỹ đầu tư mua bản quyền để phát triển quỹ ETF và các sản phẩm đầu tư khác. HOSE đang tiếp tục nỗ lực cải tiến VNSI theo hướng có thêm nhiều đại diện là các công ty niêm yết tham gia chỉ số. Các DN mới tham gia chỉ số này phải thể hiện được thực chất phát triển bền vững, bám chuẩn mực của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Mặt khác, thông qua đánh giá điểm phát triển bền vững của các DN, HOSE kỳ vọng sẽ xây dựng được kho dữ liệu về phát triển bền vững, để từ đó có thể xây dựng được nhiều hơn các chỉ số phát triển bền vững theo nhu cầu của các nhà đầu tư.

Điều này nhằm gia tăng tính thương mại cho các chỉ số, để thu hút nhiều hơn sự quan tâm của nhà đầu tư. Ngoài ra, HOSE đang phối hợp với các bên liên quan phát triển trái phiếu xanh, đặc biệt là trái phiếu DN. Trên thị trường HOSE cho thấy lượng trái phiếu DN ngày một tăng, đang trở thành kenh đầu tư khá hấp dẫn nhà đầu tư tổ chức. Hy vọng khi có chính sách và tiêu chí về trái phiếu DN xanh, thì sẽ góp phần thu hút nhiều hơn các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là nguồn vốn từ châu Âu và Mỹ.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường chứng khoán xanh phát triển là nhu cầu đầu tư vào các sản phẩm chứng khoán xanh ngày một lớn. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh thuộc Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), trên thế giới, ngày càng nhiều quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào các sản phẩm chứng khoán xanh. Thậm chí ở những nước không có các sản phẩm chứng khoán xanh, thì không lọt vào bản đồ triển khai các hoạt động đầu tư của các quỹ đầu tư này.

Tín hiệu tích cực cho Việt Nam là gần đây xuất hiện thêm những quỹ đầu tư quốc tế tiến hành các bước tìm hiểu cơ hội đầu tư về chứng khoán xanh. Một khi cơ hội đầu tư khả thi, họ sẽ rót vốn vào Việt Nam. Điều đó cho thấy việc phát triển các sản phẩm chứng khoán xanh là điều Việt Nam cần thúc đẩy, để kết nối tốt giữa bên cần huy động vốn và bên có vốn- nhà đầu tư.

Để có nguồn vốn cho tăng trưởng xanh, ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, không riêng một cơ quan nào có thể đảm đương được, mà phải có sự phối hợp, phân vai của Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường… Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi về thuế, phí để thúc đẩy DN huy động vốn cho mục tiêu đổi mới công nghệ, áp dụng phương thức sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường. Nếu không có cơ chế để giúp DN nhận diện được lợi ích của phát triển xanh, bền vững, các chính sách sẽ khó có tính khả thi…

Nhìn nhận việc huy động vốn qua TTCK cho mục tiêu phát triển xanh gặp nhiều thách thức, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) kiến nghị, cần có các cơ chế ưu đãi về phí, thuế trong quá trình triển khai các dự án phát triển xanh, qua đó giúp nhà đầu tư nhìn thấy lợi ích, thì mới bỏ vốn vào đầu tư. Cũng cần thúc đẩy để sớm có công ty định mức tín nhiệm nội địa ra đời và hoạt động, để tạo thuận lợi cho DN phát hành chứng khoán xanh. Nếu DN phải thuê công ty định mức tín nhiệm nước ngoài, thì chi phí cao sẽ khiến họ e ngại trong phát hành.

Đề xuất giải đáp nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán với tư cách là kênh huy động vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn cho tăng trưởng xanh, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 2018 (COP 24), đã đi đến đồng thuận về các hướng dẫn thực thi Thỏa thuận Biến đổi khí hậu Paris 2015. Trong bối cảnh đó, trên thị trường tài chính Việt Nam đang nghiên cứu các chính sách, đưa ra các sáng kiến về tài chính để hỗ trợ cho các nỗ lực huy động vốn thực hiện các chiến lược về chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Trong lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 tại Quyết định số 2183/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Gần đây, tại Quyết định số 948/QĐ-UBCK, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn tiếp theo 2019- 2020 trong lĩnh vực chứng khoán. Việc Việt Nam tham gia các thỏa thuận, các diễn đàn trao đổi và xây dựng các chính sách tài chính xanh là minh chứng cho các nỗ lực của ngành tài chính hướng tới phát triển một thị trường tài chính xanh…

Từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với HOSE, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xây dựng Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2019-2020 nhằm xây dựng khung chính sách, phát triển sản phẩm xanh và xây dựng chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ của cơ quan quản lý và thành viên thị trường…

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đầu tư cho tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn tài chính lớn, khoảng 30 tỷ USD, trong đó chính sách hướng đến 70% nguồn vốn này đến từ khu vực tư nhân, còn lại là khu vực nhà nước trong bối cảnh đầu tư công ngày càng hạn hẹp. Trong giai đoạn 2016-2020, chỉ tính riêng 7 tỉnh khu vực miền Trung: Hà Tĩnh, Nình Thuận, Bình Thuận… cần nguồn vốn lên tới 184.361 tỷ đồng để đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tập trung phát triển sản phẩm xanh, đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán nhằm bảo đảm cho nhà đầu tư nước ngoài có thêm nhiều cơ hội đầu tư; tập trung xây dựng hướng dẫn để triển khai tiêu chuẩn về trái phiếu xanh của ASEAN ở Việt Nam. Trên thực tế, trên thị trường vốn quốc tế, có những quỹ chỉ chuyên đầu tư vào phát triển xanh, bền vững. Do đó, để đón bắt xu hướng đầu tư này, các cơ quản lý cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động vốn cho tăng trưởng xanh…

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thời gian qua, nhiều hoạt động đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành nhằm gia tăng sự đóng góp của thị trường chứng khoán vào tăng trưởng xanh của cả nền kinh tế lẫn DN, nên đã đạt được một số kết quả tích cực. Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững được đưa ra trong cuộc Bình chọn báo cáo thường niên, đã được tiến hành hiệu quả. Trong đó, năm 2018 có sự đổi mới, dựa trên chuẩn GRI mới nhất.

Thực hiện đấu thầu trái phiếu chính phủ đầu tư cho các dự án xanh. HNX đã phối hợp với GIZ trợ giúp kỹ thuật cho các địa phương như: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện phát hành thí điểm trái phiếu chính quyền địa phương xanh. HOSE công bố chỉ số phát triển bền vững VNSI trong năm 2017… Để tiếp tục thúc đẩy xu hướng này, thời gian tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung tạo điều kiện cho phát hành trái phiếu xanh, các trái phiếu xanh của DN xanh, phát hành cho các dự án xanh hoặc các sản phẩm xanh. Bộ chỉ số xanh, các chứng chỉ đầu tư xanh do các Quỹ đầu tư phát hành cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh. Xa hơn là nghiên cứu triển khai Hợp đồng tương lai dựa trên các chỉ số xanh, chứng khoán xanh; tiếp tục tiến hành đào tạo, nâng cao nhận thức về đầu tư có trách nhiệm với môi trường và xã hội cho các DN niêm yết, các công ty chứng khoán; đẩy mạnh đào tạo, xây dựng các quy định pháp lý về quản trị công ty áp dụng bắt buộc với các công ty niêm yết.    

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 432/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020;
  2. Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”;
  3. Quyết định số 403/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020;
  4. Quyết định số 2183/2015/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020;
  5. Quyết định số 948/QĐ-UBCK của Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn tiếp theo 2019- 2020 trong lĩnh vực chứng khoán;
  6. Website: www.mof.gov.vn; www.ssc.gov.vn; www.dtck.vn.