Cơ chế phát hành trái phiếu mới đã thông tới doanh nghiệp

Theo Hữu Hòe/tinnhanhchungkhoan.vn

“Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với tổng khối lượng phát hành đạt 1.530 tỷ đồng theo các quy định mới tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp…”, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phóng viên: Quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2018 bất ngờ tăng mạnh tới 53% so với năm 2017. Ông lý giải gì về diễn biến này?

Ông Nguyễn Hoàng Dương: Năm 2018, thị trường trái phiếu doanh ngiệp có sự tăng trưởng

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính 

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính 

mạnh so với các năm trước cả về số lượng doanh nghiệp phát hành lẫn nhà đầu tư mua trái phiếu. Quy mô của thị trường tăng khoảng 53% so với năm 2017, khi đạt 8,6% GDP, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Quyết định 1191/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017 và các năm trước chủ yếu do tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, lạm phát thấp, nên các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu tài chính; các doanh nghiệp bất động sản tăng nhu cầu huy động vốn trái phiếu; các tổ chức tín dụng tăng huy động vốn trái phiếu nhằm tuân thủ các quy định về các giới hạn và tỷ lệ an toàn vốn. Trong khi đó, về phía cầu, có sự tham gia của các nhà đầu tư mới trên thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, một số doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ đầu tư nước ngoài. 

Tuy vậy, so với quy mô của thị trường tín dụng ngân hàng, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhỏ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn chủ yếu huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng.

Cách nào để khắc phục tình trạng như ông vừa nêu, để dần dịch chuyển các khoản vay tín dụng sang kênh trái phiếu như thông lệ quốc tế?

Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước đều có chủ trương phát triển cân bằng giữa thị trường vốn với thị trường tín dụng ngân hàng. Do đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp các nước ASEAN+ 3 có sự phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Theo đó, để dịch chuyển các khoản vay tín dụng sang kênh trái phiếu, một số giải pháp được các nước thực hiện như: phát triển các định chế tài chính trung gian như quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân, tạo cầu đầu tư dài hạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua việc đơn giản hóa thủ tục và quy trình đầu tư, ban hành đầy đủ các công cụ phòng ngừa rủi ro về tỷ giá và lãi suất; yêu cầu các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng buộc phải huy động vốn qua thị trường trái phiếu.

Cùng với đó là phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; quản lý chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn vốn theo thông lệ quốc tế (Basel II, Basel III), quy định nguồn huy động vốn tín dụng ngân hàng chỉ được sử dụng để cho vay vốn ngắn hạn. Sử dụng chính sách thuế để khuyến khích dòng vốn dịch chuyển sang các sản phẩm tài chính dài hạn như quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí, tiền gửi kỳ hạn dài, khuyến khích tích lũy và tiết kiệm của người dân để hưởng thu nhập sau khi hết độ tuổi làm việc.

Xuất phát từ thực trạng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay và kinh nghiệm quốc tế, cần thiết phải có giải pháp để dịch chuyển dần các khoản vay tín dụng ngân hàng, nhất là các khoản vay trung và dài hạn sang kênh trái phiếu.

Đây cũng là một trong các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới đánh giá tình hình triển khai Quyết định 1191/2017/QĐ-TTg để đề xuất các giải pháp chi tiết nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2019. 

Để tháo gỡ các vướng mắc, cũng như tạo thông thoáng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, Nghị định 163/2018/NĐ-CP đã đưa ra nhiều quy định mới. Đến nay, có bao nhiêu doanh nghiệp đã áp dụng các quy định mới này để phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thưa ông?

Theo thông tin tổng hợp từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau khi Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (1/2/2019-PV), đến nay, đã có 5 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng khối lượng phát hành đạt 1.530 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 36 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, với tổng khối lượng phát hành đạt 38.328 tỷ đồng. 

Để cải thiện minh bạch thông tin cho thị trường, Nghị định 163/2018 mở ra cơ chế thành lập chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp trên sở giao dịch chứng khoán. Việc này đang được triển khai đến đâu?

Theo phân công triển khai của Bộ Tài chính, HNX là đơn vị tiếp nhận nội dung công bố thông tin và xây dựng chuyên trang thông tin tập trung về trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP. HNX đã tiếp nhận nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tổng hợp thông tin và thử nghiệm công bố trên chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp tại Sở.

Tại các sở giao dịch chứng khoán, hạ tầng, kỹ thuật cho việc lưu ký, niêm yết, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đều đã sẵn sàng. Hiện tại, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có 26 mã trái phiếu doanh nghiệp niêm yết, giao dịch, còn trên HNX có 1 mã. 

Tổ chức định mức tín nhiệm có vai trò quan trọng trong thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển chuyên nghiệp, sôi động, nhưng đến nay tổ chức này chưa ra đời mặc dù đã được cấp phép hoạt động. Bộ Tài chính có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Song hành với sự phát triển của thị trường trái phiếu, khuôn khổ pháp lý để phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã đầy đủ. Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 507/QĐ-TTg về quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Có một số doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đang nghiên cứu việc cung cấp dịch vụ trên thị trường Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và tiềm năng phát triển của thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong thời gian tới.

Để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, phát triển tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là một trong các giải pháp để thúc đẩy cầu đầu tư trên thị trường. Trong năm 2019, Bộ Tài chính có kế hoạch làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu của thế giới, để trao đổi về khả năng tham gia cung cấp dịch vụ của họ tại thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang xây dựng để trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó gắn việc xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhằm thúc đẩy hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và trong nước trên thị trường trái phiếu, giúp nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro để tham gia đầu tư trái phiếu.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cũng khuyến khích các doanh nghiệp phát hành sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời, chúng tôi đang rà soát, hoàn thiện quy định về phân biệt chính sách đầu tư vào trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm và không có xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm, các quỹ đầu tư.