Đa dạng hóa công cụ nợ và nhà đầu tư để hút vốn cho nền kinh tế
Sau 20 năm vận hành, mặc dù thị trường chứng khoán đã đạt được những thành tựu đáng kể, dần thể hiện vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, nhưng thị trường vẫn còn chưa đủ lớn, quy mô thị trường vẫn còn nhỏ. Để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn chủ lực cho nền kinh tế cần xác lập quy mô mục tiêu, độ sâu và độ rộng của thị trường, từ đó có các giải pháp hữu hiệu.
3 yếu tố khiến thị trường vốn chậm phát triển
Nguyên nhân khiến thị trường vốn chậm phát triển là do: Nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) hiện còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng; Thị trường vốn chưa san sẻ tốt gánh nặng tài trợ vốn; thiếu cơ chế tiếp sức.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mặc dù vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế dần được khẳng định, góp phần giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng, tỷ trọng cung ứng vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế theo giá trị phát hành thực tế trong năm 2018 chỉ khoảng 14% tổng cung ứng vốn (năm 2017 là 10,2%)...
Đến cuối năm 2018, tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 134%... Tỷ lệ này theo cảnh báo của chuyên gia là cao, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Nếu gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế không sớm được san sẻ sang thị trường vốn, rất có thể tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng, xuất phát từ nhu cầu tăng cầu vốn khách quan của nền kinh tế và DN.
Sự phụ thuộc của nền kinh tế vào “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng, còn thể hiện qua tổng tài sản của các ngân hàng chiếm gần như tuyệt đối trong tổng tài sản của các định chế tài chính ở Việt Nam. Năm 2018, tổng tài sản của các định chế tài chính ước đạt 203% GDP, tăng 11,5% so với năm 2017 (năm 2017 tăng 17,5% so với năm 2016).
Nhiều nghiên cứu cho thấy, khu vực tài chính Việt Nam được cấu phần bởi thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó tín dụng ngân hàng giữ vai trò chủ đạo. Trong giai đoạn 2012 - 2016, cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng cho nền kinh tế chiếm khoảng 85%.
Trong khi thói quen tìm đến ngân hàng để vay vốn ngày càng ăn sâu vào tập quán kinh doanh của DN, thì việc chậm có thêm những giải pháp thúc đẩy phát triển các kênh huy động vốn mới, sẽ làm cho nền kinh tế, cũng như DN phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào lĩnh vực ngân hàng…
Một nguyên nhân khác khiến thị trường vốn còn chậm phát triển, chưa san sẻ tốt gánh nặng tài trợ vốn với lĩnh vực ngân hàng cho nền kinh tế. Do độ sâu tài chính của khu vực tài chính Việt Nam, một chỉ số đo lường khả năng cung ứng vốn của khu vực tài chính đối với nền kinh tế chỉ ở mức 1,8 lần GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực (Singapore: 4 lần,Malaysia: 3,7 lần, Thái Lan và Trung Quốc: 3,3 lần…).
Chỉ số phát triển tài chính của Việt Nam đạt mức 0,32 vào năm 2016, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực (Thái Lan: 0,73 điểm, Singapore: 0,72 điểm, Malaysia: 0,66 điểm…).
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng của khu vực tài chính Việt Nam là khá nhanh trong thập kỷ vừa qua. Tổng dư nợ tín dụng khu vực tài chính cung cấp cho nền kinh tế tương đương 141,8% GDP trong năm 2017. Việc tăng trưởng tín dụng nóng, nhanh hơn tốc độ phát triển độ sâu của thị trường tài chính có khả năng mang lại rủi ro cho khu vực tài chính, đặc biệt, đối với các khoản tín dụng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng và các lĩnh vực cho vay theo chính sách.
Mặt khác, thiếu cơ chế tiếp sức cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường vốn Việt Nam chậm phát triển. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, vấn đề tái cấu trúc thị trường tài chính bắt đầu được đặt ra trong Chiến lược tài chính đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, theo góc nhìn từ thị trường, sở dĩ TTCK chưa được thúc đẩy phát triển tương xứng để đảm đương là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, bởi do còn thiếu các cơ chế khuyến khích, tiếp sức cho sự phát triển lĩnh vực này. Điều này phần nào thể hiện qua thiếu sự ưu đãi về thuế, phí đối với lĩnh vực chứng khoán…
Đa dạng hóa công cụ nợ và nhà đầu tư
Trong bối cảnh Dự thảo Luật Chứng khoán đang được khẩn trương hoàn thiện, mới đây, ngày 15/01/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Trong đó, đưa ra định hướng: “Tập trung phát triển thị trường vốn trong nước theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và nhà đầu tư, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm phát triển đồng bộ thị trường vốn, TTCK thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.
Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ; phát triển đầy đủ, đồng bộ TTCK phái sinh, cổ phiếu, trái phiếu, tạo điều kiện cho việc thực hiện các giao dịch nợ trên TTCK và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp...”.
Từ chủ trương trên, các chuyên gia cho rằng, Dự án Luật Chứng khoán sửa đổi cần nghiên cứu kỹ lưỡng định hướng mang tính cởi mở trên, để thể chế hóa vào các quy định của Dự thảo nhằm tạo bước độ phá cho sự phát triển của TTCK trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, cần định vị lại vai trò, vị trí của TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế để không chỉ mở ra dư địa phát triển mới, mà còn giúp TTCK san sẻ hiệu quả gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế.
Quá trình tái cơ cấu thị trường tiền tệ, thị trường vốn, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp lý cần đưa ra hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi, nhằm thúc đẩy theo hướng đảm bảo cân bằng hơn tỷ lệ vốn tài trợ cho nền kinh tế. Để đạt mục tiêu này, cần sự vào cuộc hiệu quả, mạnh mẽ cả cơ quan quản lý lẫn DN.
Bên cạnh đó, cần mở rộng TTCK dưới hình thức áp dụng cơ chế đại chúng hóa/phát hành ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch. Đây là thông lệ tốt quốc tế mà hiện nay chúng ta vẫn chưa làm được đối với các DN tư nhân khi thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO) theo pháp luật chứng khoán…