Nâng hạng thị trường chứng khoán cần sự chung tay của nhiều bên

PV

Bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ cận biên lên thị trường mới nổi cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan cùng sự chung sức của các công ty chứng khoán thành viên.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thăm và làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán Euronext tại Brussels trong chuyến công tác tại Vương Quốc Bỉ tháng 7/2023. Ảnh: Duy Thái.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thăm và làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán Euronext tại Brussels trong chuyến công tác tại Vương Quốc Bỉ tháng 7/2023. Ảnh: Duy Thái.

Cần sự chung tay của nhiều bên liên quan

Nâng hạng TTCK là chủ trương chung và đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thời gian qua. Nội dung này cũng đã được nêu tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ và đưa vào Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mới đây nhất, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Theo bà Vũ Thị Chân Phương – Chủ tịch UBCKNN, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí quan trọng do các tổ chức xếp hạng quốc tế đề ra. Theo đó, UBCKNN tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành; đồng thời tổ chức gặp gỡ, làm việc ở trong và ngoài nước với các tổ chức xếp hạng quốc tế, các định chế tài chính quốc tế lớn và các thành viên thị trường để cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp để tháo gỡ các nội dung còn vướng mắc trong công tác nâng hạng của TTCK Việt Nam.

Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới, đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

“Những vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ”, Chủ tịch UBCKNN chia sẻ.

Song song với việc hoàn thiện các tiêu chí chính của các tổ chức xếp hạng quốc tế, UBCKNN tiếp tục hoàn thiện quy định trong nước trên cơ sở nghiên cứu các quy định và thông lệ quốc tế để thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư quốc tế và dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Chủ tịch UBCKNN cho rằng, việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quan quản lý, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các bộ, ngành có liên quan.

Đồng thời, rất cần sự chung sức của các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ; các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt…

Chủ động kết nối dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài

Các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài là một trong các hoạt động thường niên của Bộ Tài chính (UBCKNN), được bắt đầu triển khai từ năm 2014. Các chương trình xúc tiến đầu tư đã góp phần quan trọng quảng bá tiềm năng TTCK Việt Nam tới cộng đồng đầu tư quốc tế giúp kích cầu và khơi thông nguồn vốn đầu tư gián tiếp vào TTCK Việt Nam.

Sau 3 năm bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, năm 2023, UBCKNN đã tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư dưới nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt các chương trình tiếp xúc, đối thoại với nhà đầu tư được lồng ghép trong khuôn khổ các chương trình công tác nước ngoài của Lãnh đạo Bộ Tài chính và UBCKNN.

Thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài tại châu Âu, Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ trong năm 2023 đều cho thấy sự quan tâm, tham gia tích cực của cộng đồng các nhà đầu tư tại nước sở tại, bao gồm các tổ chức tài chính lớn, các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp đang có nhu cầu mở rộng thị trường kinh doanh sang Việt Nam.

Năm 2024, trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả tích cực đạt được của các năm trước, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam; đồng thời tăng cường kết nối, xây dựng, củng cố quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý TTCK, các định chế, tổ chức tài chính, đầu tư lớn trên thế giới.

“Trước mắt, dự kiến trong tháng 3 tới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN đang phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản do Bộ trưởng Bộ Tài chính là Trưởng đoàn công tác”, Chủ tịch UBCKNN thông tin thêm.