Nâng hạng thị trường chứng khoán để gia tăng cơ hội phát triển cho nền kinh tế và doanh nghiệp
Tập trung phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) theo chiều sâu, đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi là bộ đệm an toàn chống chịu rủi ro, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn trọng yếu cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.
Kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả
Năm 2023, mặc dù còn có những khó khăn, hạn chế nhất định, TTCK Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực với nhiều dữ liệu tăng trưởng 2 con số, thể hiện tốt vai trò kênh dẫn vốn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.
Triển khai nhiệm vụ cho năm 2024 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, các cơ quan quản lý tiếp tục kiên định mục tiêu phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững và hội nhập, có cơ cấu hợp lý để các bộ phận thị trường trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu để đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Việt Quang – Tổng Giám đốc VinGroup, sự phát triển của thị trường vốn ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô, sự đa dạng của sản phẩm, khung pháp lý cũng ngày càng hoàn thiện hơn, để tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư. Doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu; nhà đầu tư có thể đến từ trong nước hoặc quốc tế, giúp cho sự phát triển của các doanh nghiệp được hiện thực hóa thông qua những khoản vốn kịp thời, đúng thời điểm, và chi phí vốn hợp lý. Hàng nghìn nhà đầu tư quốc tế cũng đã rót nhiều tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt Nam, gián tiếp thông qua kênh đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam.
Để TTCK tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp và hoàn thiện hơn nữa, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 diễn ra ngày 28/2, ông Quang kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng.
“Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành những quy định về các sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường”, ông Quang đề xuất.
Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội kiến nghị cơ quan quản lý cần tập trung hoàn thiện sớm một số vấn đề như: Kiện toàn chức năng Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) và hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
“Đây là những điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường”, ông Thái nhận định.
TTCK Việt Nam có đủ tiềm năng bước lên tầm cao mới
Theo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, mặc dù TTCK Việt Nam làm rất tốt trong nhiều năm nhưng chưa thực sự xứng đáng với tầm vóc đáng có. Bởi TTCK của Việt Nam phải lên một tầm nữa tương đương với tất cả các TTCK của các nền kinh tế thị trường lớn. Đây chính là lý do, Việt Nam phải nâng cấp TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
“Các TTCK lớn có gì, tác nghiệp gì thì ta cũng phải làm được như mua trước bán sau, thanh toán bù trừ,... Điều này phụ thuộc vào chính chúng ta. Các TTCK có năng lực gì thì chúng ta phải có năng lực đó”, ông Trương Gia Bình nói.
Theo ông Bình, Việt Nam hiện đang có tiềm năng về công nghệ để phát triển kinh tế nói chung, TTCK nói riêng, bao gồm kỹ thuật số (D – Digit), chuyển đổi xanh (G – Green) và Trí tuệ nhân tạo (AI).
“Chúng ta có tiềm năng to lớn về dữ liệu, trái phiếu xanh, tài chính xanh, AI. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta có sử dụng tiềm năng công nghệ của Đất nước cho phát triển nền kinh tế không”, Chủ tịch FPT chia sẻ.
Ông Lưu Trung Thái cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, điều hành, giám sát hoạt động TTCK; nghiên cứu việc triển khai hệ thống giám sát - kết nối trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan chức năng như: Thuế, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia…
Đồng thời, cơ quan quản lý cần phân loại xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, tính minh bạch, tuân thủ công bố thông tin, đảm bảo dữ liệu minh bạch và an toàn.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT MB kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN chú trọng áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết, góp phần để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn.