Nâng hiệu suất thông quan qua cửa khẩu thông minh
Việc thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn được phê duyệt nhằm hướng đến nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng.
Nâng cao năng lực thông quan
Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) đã được phê duyệt.
Đề án đặt mục tiêu triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu. Từ đó, nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng.
Việc triển khai thí điểm cũng hướng đến giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Qua đó, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân hai bên biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.
Phấn đấu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 02-03 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 800 - 1.200 xe/ngày.
Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 04-05 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 3.000 - 3.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 2.000 - 2.500 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 đạt khoảng 25 tỷ USD.
Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh gồm: mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong thời gian thí điểm, tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của Đề án.
Kết nối liên thông dữ liệu hải quan
Theo kế hoạch, Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh sẽ được triển khai từ quý III/2024 đến hết quý III/2029, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, được triển khai từ quý III/2024 đến hết quý II/2026; Giai đoạn 2 thực hiện thí điểm từ quý III/2026 đến hết quý III/2029.
Để triển khai Đề án, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Lạng Sơn xây dựng quy định tạm thời về quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, quy định về quyền hạn, vai trò và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc tham gia vào quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa, đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận.
Cùng với đó, nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin các lô hàng xuất nhập nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh với phía Hải quan Nam Ninh - Trung Quốc và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu. Bộ Tài chính chủ trì trao đổi, thống nhất với phía Hải quan Nam Ninh về việc hai Bên sẽ thành lập nhóm làm việc để xây dựng kế hoạch triển khai và thống nhất về chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; nội dung, phương thức, tần suất tiếp nhận, xử lý dữ liệu thông tin tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận chuyển qua lại giữa hai Bên.
Bộ Tài chính sẽ xây dựng quy định tạm thời về quy trình, thủ tục hải quan và giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu thông minh. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định an ninh mạng, an toàn thông tin trong quá trình thiết kế, xây dựng phương án đảm bảo an ninh mạng cho hệ thống thông tin phục vụ triển khai Đề án; giám sát bảo đảm an ninh mạng trong quá trình kết nối liên thông dữ liệu với Hải quan Trung Quốc; chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia.
Ngoài ra, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng kế hoạch mua sắm các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nhà nước về hải quan cần thiết để triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.
Nhiệm vụ về xây dựng cửa khẩu thông minh hiện là một trong những nhiệm vụ được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chú trọng triển khai. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã trao đổi với Hải quan Nam Ninh để triển khai hợp tác trong hoạt động xây dựng cửa khẩu thông minh giữa hai nước; từ đó triển khai nghiên cứu và đề xuất giải pháp đảm bảo tiến độ đối với các đề án.
Mô hình cửa khẩu thông minh được triển khai sẽ giúp cơ quan quản lý có thể giám sát được hàng hóa chặt chẽ hơn nhờ sự phối hợp giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc trong việc trao đổi dữ liệu của các lô hàng qua lại giữa hai bên. Đồng thời, giúp ngăn chặn hiệu quả hơn những lô hàng bất hợp pháp đưa vào Việt Nam theo các mô hình truyền thống.