Tạo bước đột phá trong thực hiện Hải quan số

Trần Huyền

Chuyển đổi số đang được toàn ngành Hải quan vào cuộc triển khai mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều giải pháp trọng tâm đã được ngành Hải quan đề ra để tiếp tục đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới nhằm tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước về hải quan, là tiền đề hoàn thành Hải quan số, Hải quan thông minh.

Ngành Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh chuyển đổi số. Ảnh: internet
Ngành Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh chuyển đổi số. Ảnh: internet

Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật

Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2030, Tổng cục Hải quan phấn đấu hoàn thành hải quan thông minh và mức độ hài lòng của doanh nghiệp đạt từ 95% trở lên. Ngành Hải quan phấn đấu 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động; 100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan…

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ngành Hải quan sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi số. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch sửa đổi bổ sung Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để đảm bảo cơ sở triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về hải quan theo hướng phi giấy tờ, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Các văn bản trên hướng tới chuẩn hóa các chỉ tiêu thông tin khai báo đảm bảo nguyên tắc quản lý thông tin điện tử tập trung, thống nhất, phi giấy tờ; số hóa chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan. Đồng thời, bổ sung quy định để cụ thể việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa hải quan với Bộ/ngành và hải quan các nước.

Nội dung sửa đổi cũng hướng tới sử dụng hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai theo từng loại hình, từng chế độ quản lý; tự động phân tích thông tin đánh giá rủi ro phục vụ công tác kiểm tra hải quan, phân luồng tờ khai để xác định đối tượng trọng tâm, trọng điểm trong hoạt động kiểm tra, giám sát.

Đồng thời, sử dụng trang thiết bị hiện đại để hỗ trợ tự động hóa hơn nữa trong công tác kiểm soát, giám sát hàng hóa đưa vào, đưa ra khu vực giám sát hải quan và trong suốt quá trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.

Xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số

Theo Tổng cục Hải quan, Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả.

Hệ thống này có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý doanh nghiệp, hàng hóa, phương tiện từ khâu đầu đến khâu cuối; kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Toàn bộ dữ liệu trên hệ thống sẽ được tập trung thành cơ sở dữ liệu lớn, được phân tích xử lý bằng công nghệ AI, được tự động cập nhật, trao đổi dữ liệu với các cơ quan liên quan và đảm bảo kết nối xuyên suốt các khâu nghiệp vụ trong quy trình thủ tục hải quan. Các hoạt động nghiệp vụ được tự động hóa như: phân tích thông tin trọng điểm, xác định rủi ro, kiểm tra hồ sơ phân luồng, quyết định thông quan, kiểm tra xác định số tiền thuế phải nộp, quản lý, theo dõi hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu… Đây được xác định là những yêu cầu nghiệp vụ cốt lõi của hệ thống.

Việc hoàn thành và đưa Hệ thống hải quan thông minh vào triển khai sẽ tạo bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về hải quan, là tiền đề để thực hiện Hải quan số, Hải quan phi giấy tờ.

Chuyển đổi số trong Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN thời gian qua tiếp tục nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức trong, ngoài nước. Nhiều thủ tục hành chính đã được các bộ, ngành tích cực phối hợp triển khai trên cơ chế một cửa.

Tuy nhiên, cơ chế này ngoài việc chưa tự động kết nối dữ liệu giữa Cơ chế Một cửa quốc gia và Hệ thống thông quan hàng hóa tự động thì vẫn còn một số hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu hải quan hiện đại, như: hoạt động thiếu ổn định, còn lỗi đường truyền, tốc độ xử lý còn chậm, thủ tục hành chính chưa rõ ràng, một số thủ tục hành chính chưa được tích hợp, đặc biệt là nhiều trường hợp hồ sơ còn chưa điện tử hoàn toàn...

Do vậy, cần phải tái cấu trúc Cổng thông tin một cửa quốc gia để có thể trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ dữ liệu, thông tin, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia. Theo đó, dữ liệu được tập trung hóa và xử lý để đảm bảo 100% các thủ tục hành chính cấp phép, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện trên Cổng dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; 100% Bộ, ngành, tổ chức giám định kết nối với hải quan và hỗ trợ quá trình thông quan.

Theo Tổng cục Hải quan, dự kiến cơ quan này sẽ trình Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 85/2019/NĐ-CP làm cơ sở để nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia. Việc sửa đổi sẽ được thực hiện theo hướng quy định toàn bộ quy trình thủ tục kiểm tra chuyên ngành được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

Trường hợp các bộ, ngành quản lý vẫn tiếp tục triển khai thủ tục hành chính trên hệ thống của bộ, ngành thì có quy định cụ thể về việc kết nối, chia sẽ dữ liệu giữa Hệ thống của các bộ, ngành với Cổng thông tin một cửa quốc gia để đảm bảo các thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thống nhất trên Cổng thông tin một cửa.

Tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại

Để tạo thuận lợi thương mại hơn nữa, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đầu tư, trang bị trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan theo hướng tự động hóa công tác giám sát, đảm bảo liên kết hệ thống máy móc thiết bị với hệ thống thông quan. Các trang thiết bị dự kiến được trang bị trong thời gian tới bao gồm máy soi container, máy soi hành lý, hệ thống barie nhận dạng điện tử, cân điện tử…

Cùng với đầu tư trang thiết bị hiện đại, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo kết nối dữ liệu từ các trang thiết bị, máy móc kiểm tra, giám sát hải quan với hệ thống nghiệp vụ hải quan nhằm nâng cao hiệu quả, tần suất sử dụng và yêu cầu quản lý về hải quan. Đồng thời, khắc phục tình trạng các trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan hoạt động độc lập với hệ thống nghiệp vụ.

Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ dữ liệu

Cùng với các nội dung nêu trên, ngành Hải quan cũng chú trọng đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ dữ liệu hải quan với các nước đối tác trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, đối với quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn triển khai đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc biên giới 1119-1120 và 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Việt Nam - Hữu Nghị Quan Trung Quốc.  

Tổng cục Hải quan cũng đang chủ trì triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu số theo nguyên tắc các thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh chỉ yêu cầu doanh nghiệp khai báo một lần và được chia sẻ các thông tin cho các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu.

Trong quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế, Tổng cục Hải quan đang trao đổi với Hải quan Hoa Kỳ và Hải quan Hà Lan về phương án triển khai trao đổi, chia sẻ thông tin hàng hoá xuất nhập khẩu của hai bên. Việc trao đổi thông tin sẽ giúp các bên có thêm thông tin đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm lô hàng có rủi ro cao, phục vụ tốt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời góp phần rút ngắn thời gian thông quan, giảm thời gian kiểm tra khi hàng hóa đến cảng của mỗi bên, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các bên hơn nữa.

Có thể nói, công tác chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu, luôn được Lãnh đạo Tổng cục Hải quan sát sao chỉ đạo, tạo "sức nóng" trong toàn Ngành từ trung ương đến hải quan địa phương. Những hành động quyết liệt đã khẳng định quyết tâm của Tổng cục Hải quan trong đẩy mạnh thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý nhà nước về hải quan.